Thứ Sáu, 13/09/2013 10:13

Nông dân “xé” hợp đồng với doanh nghiệp

Mặc dù đã ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa với Công ty Lương thực Tiền Giang (LTTG), nhưng nhiều nông dân ở xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy lại đem lúa bán cho thương lái vì giá cao hơn.

Trong khi đó, Công ty LTTG khẳng định giá mua lúa của doanh nghiệp này cao hơn giá bình quân của vùng 150-200 đồng/kg.

Ngày 11-9, một số nông dân xã Thạnh Lộc thu hoạch lúa xong đã bán cho thương lái chứ không bán cho Công ty Lương thực Tiền Giang

Ký hợp đồng nhưng không thực hiện

Tháng 7-2013, Công ty LTTG ký hợp đồng kinh tế đầu tư và tiêu thụ lúa 40ha sản xuất loại giống chất lượng cao OM 5451, trong tổng diện tích 400ha sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Thạnh Lộc, do tổ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao Thạnh Lộc làm đại diện.

Theo đó, hơn 30 hộ nông dân đã được công ty đầu tư giống xác nhận và ký hợp đồng bao tiêu với giá sàn 5.200 đồng/kg lúa khô, nếu giá thị trường cao hơn thì công ty mua theo giá thị trường.

Trường hợp nông dân bán lúa nhanh, công ty thưởng thêm 30 đồng/kg. Nếu không thống nhất được giá thì UBND xã Thạnh Lộc sẽ làm trọng tài giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

Đầu tháng 9-2013, diện tích lúa sản xuất theo hợp đồng bắt đầu thu hoạch. Công ty LTTG chấp nhận mua lúa tươi của nông dân giống như thương lái.

Tuy nhiên ngay sau khi công ty đưa ra giá mua thì một số thương lái xuất hiện ra giá cao hơn 50-100 đồng/kg. Thế là nông dân bán cho thương lái. Đến ngày 11-9, khoảng 8ha trong hợp đồng đã bán ra bên ngoài.

Công ty LTTG buộc phải tăng giá theo, nhưng thương lái tiếp tục nâng giá cao hơn. Tranh chấp xảy ra và nhiều nông dân không chịu nhượng bộ.

Ông Nguyễn Văn Thâm, người có 2,7ha lúa sản xuất theo hợp đồng, cho biết mấy ngày qua thương lái luôn đưa ra giá mua lúa cao hơn của công ty khoảng 200 đồng/kg, nên ông đã bán cho thương lái.

“Nghe nông dân bán cho thương lái, công ty có tăng giá lên chút xíu nhưng vẫn còn thấp hơn giá thị trường. Đã hứa với dân thế nào thì phải thực hiện, đằng này cứ hụt hơi chạy theo giá thị trường mà cũng không kịp thì làm sao dân tin” - ông Thâm nói.

Ông Phạm Văn Sáu đang thu hoạch gần 5ha lúa cũng đưa lúa ra bán cho thương lái với lý do: “Hợp đồng với công ty có nói rõ nếu công ty mua thấp hơn mà không thỏa thuận được thì dân được bán ra ngoài. Nông dân làm quần quật quanh năm, lời lãi đâu có bao nhiêu. Ai mua cao thì tui phải bán thôi”.

Thương lái làm loạn thị trường

Ngày 11-9, tại cuộc họp hòa giải tranh chấp giá lúa giữa nông dân và Công ty LTTG, ông Lê Thanh Khiêm - phó giám đốc Công ty LTTG - cho biết bản tin thị trường ngày 11-9 công bố giá lúa hạt dài ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang ở mức 4.400 đồng/kg, công ty đã quyết định tăng giá mua lúa của nông dân có ký hợp đồng bao tiêu lên 4.600 đồng/kg.

Tuy nhiên, ngay sau đó một số thương lái đã nâng giá lên 4.700 đồng/kg, nhiều nông dân không chịu bán cho công ty mà đem bán cho thương lái.

Ông Phạm Công Trung - phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc - thừa nhận do có sự tham gia của thương lái, với giá mua đưa ra cao hơn giá của công ty nên hoạt động tiêu thụ lúa tại địa bàn này đang rất phức tạp, nhiều nông dân “xé” hợp đồng.

Ngoài ra, theo xác minh của UBND xã Thạnh Lộc, thương lái chỉ mua lúa đẹp với giá cao, còn lúa chất lượng kém hơn thì không mua. Trong thực tế, khi UBND xã yêu cầu thương lái ký quỹ 200 triệu đồng và phải mua hết sản lượng lúa trong tổ liên kết thì thương lái rút lui hết.

Theo phân tích của ông Trung tại buổi làm việc, việc bán cho thương lái không phải lúc nào cũng lợi. Quan trọng là để làm ăn với doanh nghiệp lâu dài thì phải giữ chữ tín.

“Vì cái lợi nhỏ hôm nay mà đánh mất chữ tín thì sau này thiệt thòi lắm. Bà con nên suy nghĩ cho kỹ rồi hãy quyết định. Bởi hôm nay bà con thấy thương lái mua giá cao hơn chút ít mà xé hợp đồng, nếu vụ sau thương lái không mua thì đâu thể kêu doanh nghiệp tới mua được” - ông Trung nói.

Phía Công ty LTTG cũng cho biết sẽ tiếp tục mua lúa và thưởng 30 đồng/kg cho nông dân như cam kết. Những hộ không bán lúa cho công ty chỉ cần hoàn trả tiền giống mà công ty ứng trước, không tính lãi.

Tuy nhiên những hộ không bán lúa cho công ty thì phải được UBND xã lập biên bản xác nhận để tránh phiền phức sau này.

“Nông dân nhiều địa phương khác rất giữ chữ tín, bởi công ty cũng không bao giờ mua giá thấp để nông dân bị thiệt hại. Đối với xã Thạnh Lộc, sau vụ này chúng tôi sẽ không tiếp tục ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu nữa” - ông Khiêm nói.

V.TR. - Thúy Hằng

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Nâng cao giá trị gạo xuất khẩu (13/09/2013)

>   Nước nào được lợi khi sản lượng gạo của Việt Nam giảm? (12/09/2013)

>   Thái Lan tăng trợ giá ngành cao su (12/09/2013)

>   Nông dân được hỗ trợ 100% phí lưu kho (11/09/2013)

>   Sắp xếp đầu mối xuất khẩu gạo (11/09/2013)

>   Đảm bảo tối đa 150 đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo (10/09/2013)

>   Giá gạo xuất khẩu rẻ nhất trong 3 tháng (09/09/2013)

>   Bấp bênh nông sản xuất khẩu (09/09/2013)

>   Đến 2015 có tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo (08/09/2013)

>   Sàn giao dịch hàng hóa: Mở tài khoản ngoại tệ là trái với pháp định (06/09/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật