Sàn giao dịch hàng hóa: Mở tài khoản ngoại tệ là trái với pháp định
Các chuyên gia pháp chế ngân hàng cho rằng, phương án cho phép niêm yết giá hàng hóa bằng đồng USD là trái với quy định pháp luật
Hướng vào phòng ngừa rủi ro
Việt Nam đã bắt đầu hình thành các sàn giao dịch hàng hóa (SGDHH). Tuy nhiên SGDHH VNX đã xin tạm ngừng hoạt động gần 1 năm nay, còn sàn Info vừa nhận được quyết định thành lập vào tháng 5/2013 và đang xin phép gia hạn để chuẩn bị các hoạt động giao dịch, chỉ còn lại Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC). Tuy nhiên, BCEC cũng chưa thật sự là đòn bẩy cho các hoạt động sản xuất, tiêu thụ cà phê trên địa bàn Tây Nguyên một cách căn cơ, bền vững. Từ đó, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung không hiện diện trên bản đồ cà phê thế giới. Dù tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê được báo cáo là 3,7 tỷ USD trong năm 2012.
BCEC chưa thực sự hỗ trợ giao dịch cà phê Việt
|
Đây là nguyên do Bộ Công Thương đang xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan về phương án tổ chức và hoạt động của BCEC. Theo phương án này, BCEC sẽ trở thành CTCP có sự tham gia của Nhà nước, còn sự tham gia của khu vực tư nhân cũng giúp cho SGDHH này năng động ngay từ đầu, phù hợp với mô hình của hầu hết các SGDHH lớn trên thế giới như: Sàn hàng hóa Chicago (CME), Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM)… Hơn nữa, đây cũng là điều kiện để đảm bảo tính minh bạch, chế độ quản trị rủi ro hữu hiệu và tạo điều kiện để các thành viên nước ngoài quan trọng như: CME, TOCOM… cùng tham gia về sau.
Đánh giá về phương án nêu trên, các đơn vị liên quan được Bộ Công Thương xin ý kiến cho rằng, định hướng chuyển đổi mô hình thành SGDHH Buôn Ma Thuột là phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo này còn quá sơ sài, thậm chí chưa lường trước được nhiều vấn đề phát sinh.
Cụ thể như, phương án này cho rằng, nhiều năm qua NHNN cho phép một số NHTM thực hiện giao dịch kỳ hạn, giao dịch tương lai, các NHTM được mở tài khoản giao dịch trên các SGDHH là chưa đúng với thực tế. Bởi từ 2003 đến nay, NHNN chỉ cho phép một số NHTM thực hiện thí điểm một số sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa đối với một số DN với phạm vi hẹp và điều kiện chặt chẽ. Trường hợp NHTM làm đối ứng với đối tác ở nước ngoài để phòng ngừa rủi ro thì đều thông qua thành viên của các SGDHH ở nước ngoài, chưa phát sinh trường hợp NHTM mở tài khoản để giao dịch trực tiếp trên các sàn giao dịch ở nước ngoài.
Các giao dịch mua bán qua SGDHH gồm giao dịch mua bán hàng hóa thực có phát sinh giao nhận hàng hóa; và giao dịch phái sinh hàng hóa nhằm phòng ngừa rủi ro đối với các giao dịch mua, bán hàng hóa thực hoặc đầu cơ kiếm lợi, không phát sinh giao nhận hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giao dịch phái sinh hàng hóa rất phức tạp, đa dạng và có mức độ rủi ro cao, nên trước mắt NHNN cho rằng, cần giới hạn để phòng ngừa rủi ro biến động giá cả hàng hóa; chưa nên cho phép nhận thực hiện các giao dịch phái sinh hàng hóa mang tính đầu cơ kiếm lợi; đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát các giao dịch của BCEC với các đối tác ở nước ngoài để hạn chế rủi ro.
BCEC không nên là trung gian thanh toán
Đáng lưu ý trong phương án nói trên là đề xuất giá niêm yết tại BCEC là VND và USD, hình thành thị trường hoán chuyển USD/VND cho các thương nhân nước ngoài đăng ký giao dịch cà phê tương lai (CF) tại BCEC. Cùng với đó, các thương nhân trong và ngoài nước được tự do mở tài khoản bằng ngoại tệ và VND tại BCEC.
Giao dịch được quản lý bởi BCEC, khối hỗ trợ back office được kết nối với hệ thống Globex của CME để chuyển các lệnh đặt dư thừa trên sàn BCEC và để tăng thanh khoản. Riêng vấn đề thanh toán với các định chế thanh toán quốc tế, đơn vị này sẽ bàn thêm với CME nhưng theo hướng khách hàng phải mở tài khoản tại BCEC.
Các chuyên gia pháp chế ngân hàng cho rằng, phương án cho phép niêm yết giá hàng hóa bằng đồng USD là trái với quy định pháp luật, bởi theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá… của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại tệ, trừ trường hợp được phép theo quy định của NHNN. Chính vì vậy, Bộ Công Thương cần sửa quy định niêm yết giá hàng hóa cho phù hợp với các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và chủ trương của Chính phủ về chống đô la hóa trong nền kinh tế.
Quy định thương nhân trong và ngoài nước được tự do mở tài khoản bằng ngoại tệ và đồng Việt Nam cũng không được phép. Bởi theo quy định tại Khoản 12 Điều 4, Luật Các TCTD quy định, hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.
Điều 8, Luật Các TCTD cũng quy định, nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán. Như vậy, chỉ các TCTD mới có chức năng mở tài khoản bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ cho các tổ chức, cá nhân. Việc cho phép BCEC mở tài khoản bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ cho thương nhân trong và ngoài nước như phương án này là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về cung ứng dịch vụ thanh toán.
Theo phương án của Bộ Công Thương, tổng vốn điều lệ ban đầu của BCEC dự kiến khoảng 150 tỷ đồng và công ty này sẽ được đổi tên thành Buôn Ma Thuột Cofee Exchange (BCE) sau khi cổ phần hóa. BCE hoạt động dưới dạng CTCP có vốn cũ của BCEC và các nguồn vốn khác đến từ đối tác chiến lược như CME Group Inc, hay DN thuộc Bộ Tài chính như HNX. Đây là những đơn vị có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành hoạt động SGDHH và sẽ là lợi thế giúp chuyển đổi BCEC thành công trong tương lai.
Trần Hương
thời báo ngân hàng
|