Dự đoán rổ cổ phiếu của FTSE Vietnam Index ETF trước kỳ đảo danh mục
Như thường lệ, kỳ đảo danh mục của quỹ FTSE Vietnam Index ETF sẽ diễn ra vào các tháng 3, 6, 9 và 12. Và kỳ đảo danh mục vào thứ 6 của tuần đầu tiên tháng 9 (ngày 06/09) đang đến rất gần. Điểm lại biến động của các cổ phiếu trong danh mục của quỹ này có những điểm rất đáng lưu ý.
Tính đến thời điểm hiện tại, quỹ FTSE Vietnam Index ETF đang sở hữu 23 mã cổ phiếu được niêm yết tại HOSE và không có cổ phiếu nào niêm yết tại HNX. Trong đó, đều là những cổ phiếu có vốn hóa lớn như: ITA, VIC, BVH, …
Việc quỹ ETF tham gia vào thị trường và có phần ảnh hưởng đáng kể đối với việc biến động của các cổ phiếu nói riêng và chỉ số thị trường nói chung đã tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư nội. Chính vì vậy, nhà đầu tư nội ngày càng quan tâm và có xu hướng giao dịch càng nhiều hơn đối với các cổ phiếu trong danh mục của ETF.
Giao dịch gia tăng, khối ngoại đẩy mạnh “bán”
Giao dịch của ETF và các cổ phiếu trong danh mục của quỹ này đang là tâm điểm thu hút của nhà đầu tư khi kỳ đảo danh mục cận kề. Theo thống kê của Vietstock, khối lượng giao dịch của 23 mã trong danh mục của FTSE Vietnam Index ETF tính từ giai đoạn 07/06 đến hết 30/08 đạt gần 1.2 tỷ đơn vị. Trong đó, khối nội giao dịch gần 700 triệu đơn vị. Trong danh mục các cổ phiếu này, giao dịch nhiều nhất của khối nội thuộc về các mã như HAG, VIC, DPM với khối lượng giao dịch lần lượt gần 83 triệu đơn vị, gần 67 triệu đơn vị và gần 55 triệu đơn vị.
Còn về giao dịch của khối ngoại, từ tháng 6 đến hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tiếp nhưng việc bán có phần giảm ở các tháng kề sau. Trong tháng 8, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 64.2 triệu cổ phiếu, bán ra gần 106 triệu cổ phiếu, nếu so với tháng 7, khối lượng bán ra có phần gia tăng nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức bán ra ở tháng 6. Trong tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài bán ra mạnh, với hơn 228.6 triệu cổ phiếu.
Hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu là từ các quỹ ETF, bao gồm hai quỹ lớn là Market Vector Vietnam ETF (VNM) và FTSE Vietnam ETF. Bắt đầu xuất hiện từ tháng 6 với nguyên nhân từ những tiêu cực của nền kinh tế Trung Quốc. Việc này khiến nhà đầu tư lo ngại và rút vốn khỏi quỹ bằng cách bán lại chứng chỉ quỹ cho các quỹ ETF, khiến các quỹ này bán lại cổ phiếu tại các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.
Hoạt động bán ròng chậm lại vào tháng 7 khi các thông tin không diễn biến xấu đi. Tuy vậy, trong 10 ngày cuối tháng 8, khi những lo ngại về việc Mỹ sẽ ngưng gói kích thích kinh tế và nước này, cùng với các nước phương Tây đã lên ý định đánh Syria thì hoạt động rút vốn lại được kích hoạt. Từ đó đến nay, rất nhiều cổ phiếu lớn nằm trong danh mục đầu tư của hai quỹ trên bị bán rất mạnh trong đó có VIC, BVH, VCB…ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên toàn thị trường. Cũng vì vậy, chỉ số chính của Việt Nam là VN-Index đã mất 19,15 điểm (3.9%) trong tháng 8, về 472.7 điểm trong phiên cuối tháng, trong khi chỉ số này có lúc đã lên đến 511 điểm vào ngày 19/08. Vốn hóa toàn thị trường cũng giảm mất 30 ngàn tỷ đồng, xuống còn 787.6 ngàn tỷ đồng.
Nhưng xét chung giao dịch của khối ngoại từ đầu tháng 6 đến nay, khối ngoại bán mạnh nhất ở mã ITA với hơn 125 triệu đơn vị. HAG , HPG, STB lần lượt là những cổ phiếu bị bán mạnh tiếp theo. Tuy nhiên, trong 3 tháng cũng có một số cổ phiếu được ETF mua ròng như VIC, PVD, PET và CSM nhưng khối lượng mua ròng không nhiều. Cao nhất ở CSM với gần 975 ngàn đơn vị.
Với việc bị bán mạnh, giá các cổ phiếu theo đó cũng biến đổi theo xu hướng giảm. Giảm mạnh nhất là DIG với mức giảm hơn 40%. Giá của DIG kết thúc tháng 8 ở mức 8,000 đồng/cp.
Tại DIG, việc khối ngoại bán mạnh có thể lý giải là do công ty này hiện đang bị UBCKNN đưa vào danh mục cổ phiếu bị cảnh báo. Nguyên nhân chủ yếu do công ty kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận từng phần có ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như BVH, GMD, OGC, PVF cũng đều giảm trên 30% cho thấy việc khối ngoại bán tác động mạnh đến giá cổ phiếu.
Công ty chứng khoán nói gì?
Trao đổi với Ông Trần Minh Hoàng – Chuyên viên Phân tích thị trường Chứng khoán VCBS, ông cho biết, theo tính toán của công ty khả năng trong đợt đảo danh mục này khối ngoại sẽ loại IJC do thanh khoản của cổ phiếu này thấp hơn ngưỡng thanh khoản tối thiểu. Ông còn cho biết thêm, trong đợt đảo danh mục lần này dự đoán sẽ không có cổ phiếu nào được thêm vào do không đảm bảo những điều kiện của ETF.
Một công ty chứng khoán cũng cho rằng ở lần đảo danh mục lần này FTSE Vietnam ETF sẽ loại IJC do kém thanh khoản. Công ty này còn nhận định quỹ sẽ giảm tỷ trọng đối với một số cổ phiếu như DIG, ITA, OGC, PVF, PPC, BVH và tăng tỷ trọng với PVD.
Hiểu được đường đi nước bước của quỹ ETF không phải đơn giản. Giữa các công ty chứng khoán dường như vẫn chưa trùng khớp nhau về dự báo. Tại báo cáo của một công ty chứng khoán lớn khác, họ cho rằng, cổ phiếu DIG đang nằm trong diện kiểm soát và giá trị giao dịch giảm khá mạnh khi chỉ đạt 0.22 triệu USD/phiên trong 3 tháng gần nhất. Giá trị vốn hóa của DIG chỉ còn 56.2 triệu USD, nhỏ hơn 0.5% tổng giá trị vốn hóa của FTSE Vietnam Index hiện tại nên dự đoán sẽ bị loại.
Công ty này cũng đề cập đến PVF có khả năng bị loại vì việc sáp nhập với Western bank để thành lập ngân hàng PVCombank dẫn đến khả năng hủy niêm yết trong thời gian tới. PVF cũng là cổ phiếu bị bán ròng khá nhiều trong 2 tuần trở lại đây.
Mặc dù có những khác biệt về dự báo biến động rổ cổ phiếu trong danh mục của ETF nhưng các công ty chứng khoán đều cho rằng động thái ETF thêm vào vào loại ra chỉ tác động trong một khoản thời gian ngắn. Nếu các quỹ này vẫn tiếp tục bán ròng như ở các khoảng thời gian trước đây thì việc thêm vào hay loại ra cũng không tác động nhiều đến thị trường.
Duy Hoàng
Infonet
|