Thu mua nông sản tiềm ẩn rủi ro
Thời gian qua, tại một số xã ở huyện An Lão xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi tìm nấm độc bán cho thương lái Trung Quốc. Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn ông Nguyễn Kim Phương- Giám đốc Sở Công Thương Bình Định.
Người dân gom hàng chờ thương lái đến mua
|
Xin ông cho biết thực hư thông tin thương lái Trung Quốc thu mua nấm độc tại một số địa phương trong tỉnh?
Sau khi nghe thông tin thương nhân Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua các loại nấm độc trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND huyện An Lão tiến hành kiểm tra. Trên thực tế, không có chuyện thương nhân Trung Quốc đứng ra tổ chức thu mua nấm độc mà chỉ có một số người dân thuộc xã An Toàn, huyện An Lão thu mua các sản phẩm dưới tán rừng rồi đem đi bán để có thêm tiền (có thể thương lái Trung Quốc đứng sau lưng ủy quyền cho người Việt giao dịch). Không có tình trạng người dân đổ xô đi hái nấm độc bán như một số tờ báo đã thông tin. Chúng tôi chưa có cơ sở chứng minh những người thu mua đem bán cho ai, ở đâu vì các sản vật này không phải hàng cấm. Nếu như cho rằng các sản phẩm dưới tán rừng có cây nấm hòm là loài nấm độc (như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa), ảnh hưởng đến sinh thái môi trường, thì các sở, ngành sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn liên quan tổ chức khảo sát, nghiên cứu đánh giá kỹ để có kiến nghị giải pháp cụ thể.
Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
Chủ trương giao đất rừng cho dân bảo vệ, mức phụ cấp (200.000 đồng/ha/năm) quá ít, không đủ sống, việc cho phép người dân được phép khai thác các sản phẩm dưới tán rừng không vi phạm các qui định của pháp luật để tăng thu nhập. Hiện nấm độc bán cho thương lái với giá 30.000 đồng/kg. Người dân thấy thương lái thu mua rồi trả tiền sòng phẳng, người này rủ người kia vào rừng hái nấm để kiếm thêm tiền.
Chưa thể khẳng định ai là người đứng ra thu mua nấm độc. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý với bà con rằng, trước đây, thương lái Trung Quốc cũng đẩy mạnh mua dưa hấu, sắn lát, rau quả của Việt Nam... nhưng sau khi nông dân tập trung gom hàng để bán thì họ không thu mua nữa. Có thể đến thời điểm nào đó, nấm độc cũng rơi vào tình trạng trên!
Theo ông, phải làm gì để tránh những thiệt hại và rủi ro tiềm ẩn từ hiện tượng này?
Phải nhìn nhận thị trường Trung Quốc rất tiềm năng, song, nếu người dân chưa có kinh nghiệm và làm ăn phụ thuộc hoàn toàn vào các đầu mối của họ là rất nguy hiểm. Với chức trách của mình, Sở Công Thương Bình Định sẽ kiểm soát chặt thương nhân nước ngoài thu mua hàng hóa Việt Nam như không có giấy phép sẽ bị xử lý nghiêm, những đối tượng hoạt động phi chính thức, khuyến cáo cho người dân biết danh tính; những đại lý nào tiếp tay cho các thương lái nước ngoài thu mua hàng hóa không chính tắc sẽ xử phạt thật mạnh...
Theo tôi, thời gian tới, chúng ta phải sớm có chiến lược bài bản để xuất khẩu sang Trung Quốc. Chiến lược này phải được thống nhất từ cấp Trung ương đến địa phương và đến được với người nông dân. Lúc đó, chúng ta mới có thể phát huy những thế mạnh và làm chủ, kiểm soát được thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Lan Anh
báo công thương
|