Ngân hàng 6T/2013: NIM giảm, nhưng vẫn “ăn đủ”?
Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) không giảm quá nhiều so với năm trước cộng với việc không chịu giảm mạnh lãi suất cho vay cho thấy các NHTM vẫn đang muốn đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đủ lớn cho riêng mình.
Huy động tăng cao – Cho vay nhỏ giọt!
Thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã giảm bớt căng thẳng so với giai đoạn trước đây khi huy động khách hàng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Ngay cả khi mặt bằng lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm trong thời gian qua, thì tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng vẫn được duy trì khá tốt. Thống kê một số ngân hàng đã công bố kết qủa kinh doanh quý 2/2013 cho thấy, tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng là rất cao.
Điển hình như NVB có mức tăng trưởng huy động hơn 50%; STB, EIB, MBB có mức tăng trưởng trên 15%, hay ngay cả những ngân hàng lớn như VCB, CTG, BID (vốn có mức lãi suất huy động rất thấp) thì mức tăng trưởng huy động cũng hết sức ấn tượng.
Trái với huy động, hoạt động cho vay của của các ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Việc hạ lãi suất huy động đã giúp các ngân hàng hạ thấp lãi suất cho vay và cải thiện hoạt động tín dụng; tuy nhiên nỗ lực này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Có thể thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện vẫn khá thấp so với tăng trưởng huy động vốn. Đáng chú ý, một số ngân hàng như VCB và PGBank vẫn đang có mức tăng trưởng cho vay âm lần lượt -1.5% và -4.6% trong nửa đầu năm 2013, hay CTG chỉ tăng trưởng 0.4%.
NIM giảm, nhưng vẫn còn neo ở mức cao so với năm 2012
Việc huy động tăng cao nhưng hoạt động tín dụng trì trệ đã có những ảnh hưởng rõ nét đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Cụ thể, tỷ lệ lãi thuần 6T/2013 của hầu hết các ngân hàng đều sụt giảm so với giai đoạn trước. Chỉ có duy nhất BID cải thiện được tỷ lệ NIM, nhưng mức NIM có được của BID vẫn thấp hơn so với mức trung bình ngành.
Tuy vậy, mức sụt giảm NIM trong 6T/2013 không thực sự nhiều so với năm 2012. Như vậy, có thể thấy các ngân hàng vẫn chưa giảm mạnh lãi suất cho vay để đẩy mạnh tín dụng. NIM của các ngân hàng suy giảm chủ yếu do tăng trưởng huy động cao trong khi cho vay thấp khiến nguồn vốn bị ứ đọng.
Mặt khác, việc tỷ lệ NIM không giảm quá nhiều so với năm trước cộng với việc không chịu giảm mạnh lãi suất cho vay cho thấy các ngân hàng thương mại vẫn đang muốn đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đủ lớn cho riêng mình.
Ngân hàng có sẵn sàng giảm tiếp lãi suất cho vay?
Theo giới chuyên gia, lạm phát mục tiêu năm nay sẽ được kiểm soát ở mức 6.5% và trần lãi suất huy động bằng VND không còn dư địa để giảm xuống dưới 7%/năm. Lý do là so với lạm phát mục tiêu, mức lãi suất huy động tối thiểu 7%/năm mới đảm bảo người gửi tiền có lãi suất thực dương.
Một số ngân hàng lớn dồi dào thanh khoản như BID, VCB … gần đây đã bất ngờ hạ thấp lãi suất huy động xuống 5%/năm. Tuy nhiên, việc hạ thấp lãi suất huy động lần này đã không còn lan rộng trong hệ thống như những đợt điều chỉnh trước đây.
Như vậy, khó có thể kỳ vọng lãi suất huy động giảm tiếp trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ khó được điều chỉnh giảm xuống hơn nữa, đặc biệt trong bối cảnh lợi nhuận đang sụt giảm mạnh; và có thể sẽ tiếp tục khiến hoạt động tín dụng bị đình trệ nếu không gỡ nút thắt nợ xấu – “quả bóng” vốn đang nằm trong tầm vĩ mô.
Duy Nam
infonet
|