Khó xử lý tài sản đảm bảo nợ vay
Một số ngân hàng cho biết rất muốn xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu nhưng gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng trong khi tài sản đảm bảo nợ vay lại chủ yếu là bất động sản.
Thị trường bất động sản đóng băng khiến việc xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp khó
|
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, tính đến cuối tháng 6 tổng giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 81.640 tỉ đồng. Con số này gấp 1,5 lần so với tổng nợ xấu (nợ quá hạn từ 90 ngày trở lên) của các tổ chức tín dụng vào cuối tháng 6 là 52.300 tỉ đồng.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng có trụ sở tại TPHCM cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết rằng thị trường bất động sản đóng băng trong vài năm trở lại đây đã khiến cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng gặp khó khăn. Chính ông là người tự đi thương lượng mua lại nhà của một người vay ngân hàng đã bị xếp vào loại nợ xấu, thì căn nhà đang được phát mãi để thu hồi nợ cho ngân hàng đó đã rao bán hai năm rồi mà không có người mua.
Ông cho biết mỗi ngân hàng đều có quy trình xử lý nợ xấu của riêng mình, trong đó ngân hàng phải làm tất cả các bước thỏa thuận với khách hàng về việc xử lý tài sản đảm bảo trước và cuối cùng thì mới nhờ đến pháp luật nếu hai bên không thỏa thuận được giá bán tài sản.
Phó tổng giám đốc của một ngân hàng khác phụ trách mảng khách hàng doanh nghiệp cũng đưa ra cùng một nhận xét đó là thị trường bất động sản kém thanh khoản, không có người mua thì làm sao xử lý được tài sản đảm bảo là bất động sản. Ông cũng đưa dẫn chứng một người mua căn nhà giá 7,5 tỉ đồng, nhưng đã rao bán hai năm với giá 5,5 tỉ mà cũng không có ai mua.
Vị này cho rằng dù cho có đưa sự việc lên tòa án thì hai bên cũng phải mất thời gian hòa giải trước, mà nếu khách hàng không có thiện chí, cứ hứa bán rồi không thực hiện thì cũng sẽ kéo dài thời gian xử lý tài sản.
Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản cho biết từ đầu năm đến nay đã nhận được khoảng 70 bất động sản có giá bán từ 3,5 tỉ đồng đến cả trăm tỉ đồng do một số ngân hàng nhờ bán. Đây là những ngôi nhà vay thế chấp ngân hàng, nhưng nay chủ nhà mất khả năng thanh toán và ngân hàng thương lượng với người vay để rao bán nhằm thu hồi nợ trước khi phát mãi.
Bà giám đốc này cho biết trung bình mỗi tháng sàn bán được khoảng ba căn, bao gồm cả những căn người dân tự gửi bán. Như vậy, hơn bảy tháng qua sàn này cũng mới chỉ giải quyết được 1/3 số lượng trong danh sách ngân hàng gửi.
Vị này cho biết phần lớn những nhà bán được thời gian vừa qua có giá bán thấp hơn giá thị trường từ 10%- 15%, một phần là do chủ nhà muốn giải quyết cho nhanh trước khi bị ngân hàng phát mãi. Thêm vào đó, đây phải là những căn nhà có vị trí đẹp, có thể kinh doanh (cho thuê) được, còn không thì rất khó tìm người mua trong bối cảnh thị trường bất động sản như hiện nay, mà nếu có bán được thì giá phải giảm rất mạnh. Chẳng hạn, có dự án chủ nhà kỳ vọng sẽ bán được 45 tỉ đồng, nhưng sau vài lần thương lượng, căn nhà vừa hoàn tất giao dịch tuần trước với giá 26 tỉ đồng.
T.Triều - Đ.Dũng
tbktsg
|