Sếp ngân hàng quy ẩn…
Bên cạnh làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp tại nhiều ngân hàng thương mại nổi lên một năm qua, có những quyết định rút lui lặng lẽ. Hệ thống đang trong giai đoạn khó khăn, vừa là thử thách vừa là cơ hội với những người kế nhiệm.
“Vì lý do cá nhân”, có khá nhiều thông tin công bố về thay đổi nhân sự cao cấp ngạch ngân hàng thời gian qua giải thích ngắn gọn như vậy. Nhưng, “để cho mình” cũng là một cách hiểu.
|
“Để cho mình”
“Vì lý do cá nhân”, có khá nhiều thông tin công bố về thay đổi nhân sự cao cấp ngạch ngân hàng thời gian qua giải thích ngắn gọn như vậy. Nhưng, “để cho mình” cũng là một cách hiểu.
Nguyên tổng giám đốc một ngân hàng nọ có sở thích khá đặc biệt: tự lái xe một mình đến các vùng miền đất nước, thăm thú và tư lự. Gần đây, ông mới có thời gian để được làm điều đó, sau khi rút khỏi công tác điều hành.
Hiện vị doanh nhân từng kinh qua nhiều vị trí điều hành cao cấp tại các ngân hàng thương mại sau gần hai chục năm gắn bó cũng đang suy xét rút hẳn ra ngoài làm riêng.
“Khả năng của mình thì không mấy băn khoăn chuyện cơm áo gia đình. Ra ngoài được làm những gì mình thích, mình nhận thấy là đúng hay tránh được những gì mình nhận thấy là sai hoặc không hợp lý. Với lại có thêm thời gian để đọc sách, đi thăm thú và chăm sóc gia đình”, ông chia sẻ.
Có phải vì hoạt động ngân hàng đã không còn đậm “màu hồng” như trước đây, những năm gần đây khó khăn, rủi ro và nhiều áp lực? Hay sau một thời gian đã tích lũy được vật chất, nay khó khăn thì ra đi?
Không trực tiếp với những câu hỏi đó, nhưng vị lãnh đạo ngân hàng trên cười nửa đùa nửa thật: “Một thời gian dài mình làm công tác điều hành ngân hàng, làm sếp nhưng thực tế vẫn là người làm thuê thôi. Cái chính bây giờ, bối cảnh hiện nay và với những va chạm hàng ngày, có khi không làm gì lại là có ích cho xã hội”.
Một vị lãnh đạo cao cấp khác, là một trong những người khai sinh ra ngân hàng và hơn chục năm làm tổng giám đốc, cũng vừa nói lời chia tay với ngành. Hỏi chuyện, ông cho biết: “Đã nhiều năm công tác rồi, đến cái tuổi cần có gì đó cho mình. Tôi quyết định và chủ động nghỉ hẳn để nghỉ ngơi, đi du lịch đây đó. Một năm nữa tôi sẽ trở lại”.
Gần đây, thị trường xuất hiện thông tin một tổng giám đốc ngân hàng nổi tiếng cũng đang âm thầm lên kế hoạch thay đổi. Theo những thông tin đó, ông đến với công việc thiên về nghiên cứu và tham vấn chính sách. Nếu vậy, ngạch mới là niềm đam mê, điều ông từng vài lần chia sẻ trên báo chí. Sự rút lui này, hay đúng hơn là chuyển hướng, dự kiến cũng sẽ sớm là sự kiện được chú ý trong ngành sắp tới…
Chờ đợi một thế hệ mới
Chuyện sếp ra đi, hoặc quy ẩn là rất bình thường. Nó là công việc của mỗi người, kế hoạch và chiến lược của mỗi ngân hàng. Nhưng, một năm qua có hàng chục thay đổi ở thượng tầng quản lý điều hành trong hệ thống, câu chuyện trở nên đáng chú ý.
Năm 2012, thị trường xôn xao với sự kiện ông Nguyễn Đức Vinh chia tay Techcombank. Sau đó, ngân hàng này thay đổi hẳn cơ cấu quản trị và điều hành, với số đông tham gia là người nước ngoài. Riêng tại đây, dấu ấn điều hành của cá nhân là doanh nhân Việt Nam dường như đã mờ nhạt.
Trường hợp trên gợi nhớ lại “một thế hệ vàng” CEO ngân hàng của Việt Nam những năm về trước, với những tên tuổi được đánh giá cao như Trương Văn Phước, Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Vinh… Sau hàng chục thay đổi trong vòng một năm qua, và sắp tới, bao giờ hệ thống ngân hàng sẽ định hình một thế hệ mới gắn với những dấu ấn tài năng như vậy?
Câu trả lời hiện nay là một môi trường kinh doanh được đánh giá còn khó khăn hơn cả những năm trọng tâm ảnh hưởng khủng hoảng 2008 - 2009. Khó khăn đã đành, môi trường đó còn bao hàm nhiều rủi ro xét về mặt cá nhân quản lý, điều hành. Song, đây cũng là cơ hội tạo ra những thử thách, để những tài năng thực sự khẳng định và nổi bật.
Nhìn lại, hệ thống ngân hàng hiện nay vẫn còn ít những gương mặt CEO trẻ. Có thể đếm đầu ngón tay như tại ABBank, OCB hay thay đổi trong tuần rồi tại Techcombank…
Nhưng có một câu trả lời đang hạn chế tên tuổi cá nhân là: hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay có nhiều thành viên đi theo mô hình “gia đình trị”; hoặc có sự chi phối, quyết định lớn và trực tiếp trong công tác điều hành từ hội đồng quản trị; hoặc thiên về mô hình mà vai trò, hình ảnh của sếp hòa trong tập thể thay vì nổi trội trong mắt công chúng; hay đơn giản là những CEO nép mình, chọn sự lặng lẽ trong công việc thay vì nổi bật trên thị trường…
Trần Trung
vneconomy
|