Thứ Hai, 19/08/2013 06:12

Gửi tiết kiệm vẫn hơn

Trong điều kiện các kênh đầu tư đều khó khăn, tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào ngân hàng dù cho lãi suất huy động đang rất thấp cũng là điều dễ hiểu

Mặc dù từ đầu năm, Chính phủ đã có 2 nghị quyết ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thị trường nhưng các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản đến nay vẫn chưa rõ triển vọng tăng trưởng. Sự trầm lắng quá lâu của các thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng, tỉ giá cùng với kỳ vọng lạm phát giảm đã khiến xu hướng gửi tiền tiết kiệm VNĐ tăng lên rõ rệt.

Dù lãi suất đã giảm mạnh nhưng gửi tiết kiệm vẫn là cách kiếm lời an toàn

Tiền chảy vào ngân hàng

Ngoại trừ một vài hiện tượng như giá căn hộ chung cư PV5 Linh Đàm (Hà Nội) của Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu được sang tay với lợi nhuận 70-280 triệu đồng/căn hộ thì phần lớn thị trường bất động sản cơ bản vẫn đang trầm lắng. Từ chỗ phải ứng tiền mua nhà trên giấy cho chủ đầu tư để lấy vốn thi công, người mua nhà hiện nay có thể được vào ở thử, nếu ưng ý mới trả tiền nên rất ít cơ hội đầu tư có lợi nhuận...

Trong khi đó, chứng khoán lúc “nóng” lúc “lạnh” nhưng chỉ tạo sóng ở một vài mã, không khí bao trùm thị trường vẫn là ảm đạm. Còn thị trường vàng cũng không có cơ hội cho nhà đầu tư lướt sóng mua vào - bán ra trong ngày để kiếm cả triệu đồng/lượng như trước do Ngân hàng (NH) Nhà nước đang siết quản lý thị trường này theo Nghị quyết 24. Riêng tỉ giá gần đây có một vài thời điểm cao bất thường nhưng cũng không đủ tạo sóng cho giới đầu cơ…

Một chuyên gia kinh tế nhận xét: Trong điều kiện các kênh đầu tư đều tắc, tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào NH bất chấp lãi suất huy động đang rất thấp, điều này cũng dễ hiểu. Thực tế huy động vốn của các NH đang có mức tăng cao dù lãi suất được điều chỉnh giảm từ ngày 26-3.

Theo số liệu của NH Nhà nước, tính đến đầu tháng 8, lãi suất huy động VNĐ của khối NH thương mại nhà nước chỉ còn 1%-1,2%/năm (loại không kỳ hạn), kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5%-6,5%/năm, kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng là 6,5%-7%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng là 8%-9%/năm. Lãi suất ở kỳ hạn tương ứng của khối NH thương mại cổ phần cũng chỉ cao hơn khoảng 0,5%-1%/năm.

Tuy vậy, huy động vốn của các NH vẫn tiếp tục tăng cao. Theo Cục Thống kê TP HCM, trong tháng 6, vốn huy động của các NH thương mại nhà nước tăng 2,63%. Tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố tính đến đầu tháng 7 tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cuối năm 2012. Đáng lưu ý là vốn huy động bằng ngoại tệ đã giảm 18,2% trong khi vốn huy động VNĐ tăng 19%, trong đó tiền gửi tiết kiệm chiếm 54,7% tổng vốn huy động và tăng 32%...

Gửi tiết kiệm, đầu tư sản xuất - kinh doanh đều tốt

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng gửi VNĐ đang là lựa chọn tốt nhất cho người có tiền. Đây không phải kênh đầu tư vì đầu tư phải có rủi ro nhưng gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm là nơi trú ẩn an toàn nhất, đặc biệt là cho tiền nhàn rỗi.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định đây là thời điểm thuận lợi để doanh nhân bỏ tiền đầu tư sản xuất - kinh doanh nhưng nếu muốn an nhàn thì có thể gửi tiết kiệm VNĐ. Theo tính toán của ông Thành, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đối với VNĐ hiện nay khoảng 6,7%-7%/năm, lãi suất gửi USD là 1,25%/năm. Thống đốc NH Nhà nước tuyên bố năm nay tăng tỉ giá tối đa 3%, vừa qua đã tăng 1%, nếu điều chỉnh hết biên độ thêm 2% nữa thì lợi nhuận gửi USD chỉ là 4,25% (1,25% lãi suất + 3% tăng tỉ giá = 4,25%). Như vậy, lợi nhuận từ gửi USD vẫn thấp hơn so với mức lãi suất 6,7%-7% của tiết kiệm VNĐ. Chưa kể, nhiều khả năng lợi nhuận gửi USD còn thấp hơn mức trên vì có thể tỉ giá chỉ tăng thêm khoảng 1% nữa do NH Nhà nước đang rất kiên định với tỉ giá.

Nhấn mạnh đây là thời cơ tranh thủ đầu tư sản xuất - kinh doanh, TS Võ Trí Thành phân tích lạm phát cả năm dự báo được kiềm chế ở mức 6%-7%. Lãi suất thấp, NH dồi dào thanh khoản thì doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận vốn vay để phục hồi và mở rộng làm ăn. Nếu tiếp tục đầu tư tài chính vào thời điểm này thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, dù có lời cũng chỉ mang lại lợi nhuận cho cá nhân, rất ít giá trị mới để đóng góp cho GDP.

Sôi động cho vay hỗ trợ lãi suất

Các NH thương mại đang tung ra nhiều chương trình ưu đãi nhằm kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và tiêu dùng của cá nhân. Từ đầu tháng 8 đến hết năm 2013, HDBank tiếp tục triển khai thêm gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỉ đồng, lãi suất 0% tháng đầu tiên cho đối tượng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân. Lãi suất cố định 11,86%/năm trong 11 tháng tiếp theo đối với khoản vay từ 500 triệu đồng trở lên.

Techcombank dành 4.000 tỉ đồng tài trợ cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, ô tô, tiêu dùng và vay hộ kinh doanh với mức lãi suất 5,99%/năm, áp dụng trong 1-6 tháng đầu, tùy vào thời hạn vay cùng các ưu đãi thanh toán gốc và lãi linh hoạt. Nam A Bank đang áp dụng gói lãi suất cho vay mua nhà 0% trong 6 tháng đầu tiên. VietCapital Bank tiếp tục kéo dài gói ưu đãi cho vay lên đến 1.000 tỉ đồng dành cho doanh nghiệp với lãi suất 6,99%/năm trong 3 tháng đầu và 10,5% trong 9 tháng sau...

Ngoài ra, các NH hiện nay còn liên kết với các trung tâm thương mại, cửa hàng điện máy, siêu thị để ưu đãi trả góp 0% cho khách mua hàng bằng thẻ tín dụng như một cách để kích thích cho vay tiêu dùng.

V.Vũ


Tô Hà

Người lao động

Các tin tức khác

>   Trồi sụt lương bổng ngân hàng (18/08/2013)

>   Vay trả góp phải “liệu cơm gắp mắm” (18/08/2013)

>   Ngân hàng Nhà nước giải đáp vướng mắc về gói 30.000 tỷ (17/08/2013)

>   Ngân hàng ế vốn ưu đãi vì thiếu nhà xã hội (17/08/2013)

>   Techcombank: Nợ xấu 5.28%, lãi trước thuế quý 2 giảm 58% cùng kỳ (16/08/2013)

>   TienPhongBank: Vay tiêu dùng với lãi suất 0% (16/08/2013)

>   Cho vay hỗ trợ nhà ở: Đã giải ngân hơn 50 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân (16/08/2013)

>   Nước ngoài đã “đánh tiếng” mua nợ xấu Việt (16/08/2013)

>   Đề nghị WB hỗ trợ VAMC xử lý nợ xấu (16/08/2013)

>   'Việt Nam cần mua bán nợ xấu theo thị trường' (16/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật