Có nên cho thuê tài chính bằng ngoại tệ?
Các công ty cho thuê tài chính cho rằng, quy định các công ty cho thuê tài chính được cấp tín dụng bằng ngoại tệ là nhằm tuân thủ Luật các tổ chức tín dụng 2010 và các quy định về cấp tín dụng bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, cũng như kế thừa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về cho thuê tài chính.
* Không cho thuê tài chính bằng ngoại tệ
Tham gia góp ý Dự thảo hướng dẫn hoạt động của công ty cho thuê tài chính (CTTC) vừa được NHNN đưa ra lấy ý kiến lần 3, các công ty CTTC đều băn khoăn về Điều 4, với nội dung: Các giao dịch CTTC, mua và cho thuê lại, cho vay bổ sung vốn lưu động, cho thuê vận hành của công ty CTTC được thực hiện bằng đồng Việt Nam. Trước đó, có ý kiến cho rằng, vì mục đích giảm thiểu rủi ro tỷ giá, Dự thảo thông tư không quy định việc CTTC bằng ngoại tệ.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Leasing VILC Kim Byung Sun đề nghị, Dự thảo thông tư không nên hạn chế các công ty CTTC thực hiện hoạt động CTTC bằng ngoại tệ. Bởi theo định nghĩa tại Điều 3.1 của Dự thảo thông tư, “CTTC là hoạt động cấp tín dụng trung hạn và dài hạn trên cơ sở hợp đồng CTTC giữa Bên thuê và Bên cho thuê…”. Hiện nay, NHNN vẫn cho phép các NHTM cấp tín dụng bằng ngoại tệ cho khách hàng có nguồn thu ngoại tệ hợp pháp. Vì vậy, việc lấy lý do “giảm thiểu rủi ro tỷ giá…” để không cho phép các công ty CTTC thực hiện cấp tín dụng cho khách hàng qua hình thức CTTC bằng ngoại tệ nên được cân nhắc hợp lý.
Còn theo quan điểm của Vietcombank Leasing, quy định này có thể hạn chế khả năng các công ty CTTC đa dạng hóa dịch vụ của mình để cung ứng cho khách hàng, giảm thiểu lợi thế cạnh tranh của hoạt động CTTC đối với các sản phẩm cho vay trung dài hạn của các NHTM, công ty tài chính, mặc dù đều được quy định chung là hoạt động cấp tín dụng trung và dài hạn. Quy định này cũng tạo sự khác biệt trong dịch vụ của các TCTD là NHTM và công ty CTTC trong việc cung ứng sản phẩm cho vay ngắn hạn đối với khách hàng.
Thêm vào đó, Leasing VILC phân tích, thực tế cho thấy việc CTTC bằng ngoại tệ cho khách hàng có nguồn thu ngoại tệ hợp pháp không tạo ra bất kỳ “rủi ro tỷ giá” nào, vì khách hàng nhận nợ bằng ngoại tệ và trả nợ gốc, lãi bằng nguồn thu ngoại tệ hợp pháp của họ. Hơn nữa, đối với khách hàng có nguồn thu ngoại tệ hợp pháp, việc thuê tài chính bằng ngoại tệ sẽ giúp họ giảm được chi phí vốn đầu vào do lãi suất vay bằng ngoại tệ thấp hơn lãi suất vay VND. Nhờ đó, họ có thể giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Hơn nữa, theo Luật Các TCTD 2010, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được cấp Giấy phép chỉ được tiến hành hoạt động khi có bộ phận quản lý rủi ro. Như vậy, “rủi ro tỷ giá” không hề phụ thuộc vào việc CTTC bằng ngoại tệ mà là trách nhiệm và năng lực quản trị rủi ro của từng công ty CTTC.
Cùng quan điểm này, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV CTTC Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín phân tích, nếu sau khi huy động được vốn bằng ngoại tệ, các công ty CTTC lại phải chuyển đổi thành VND để CTTC thì rủi ro về tỷ giá lại càng cao hơn. Mặt khác, việc tìm kiếm và huy động vốn bằng ngoại tệ là rất khó khăn, nếu huy động được từ các tổ chức nước ngoài thì đây là một nỗ lực rất lớn của các công ty CTTC trong việc tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ, có thể cạnh tranh được với các NHTM và góp phần giúp cho các DN tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ này.
Với những lập luận trên, các công ty CTTC cho rằng, quy định các công ty CTTC được cấp tín dụng bằng ngoại tệ là nhằm tuân thủ Luật các TCTD 2010 và các quy định về cấp tín dụng bằng ngoại tệ của các TCTD tại Việt Nam, cũng như kế thừa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về CTTC. ACB Leasing đề xuất: “Các giao dịch mua và cho thuê lại, cho vay bổ sung vốn lưu động, cho thuê vận hành của công ty CTTC, công ty tài chính được thực hiện bằng đồng Việt Nam. Đối với các giao dịch CTTC có thể được thực hiện bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ theo quy định pháp luật”.
Minh Ngọc
thời báo ngân hàng
|