Doanh nghiệp nhỏ "mượn" giấy phép để xuất khẩu gạo: Ai chịu thiệt?
Cả nước hiện nay có khoảng 150 DN có được giấy phép xuất khẩu gạo, nhưng theo tìm hiểu của các phóng viên Đài THVN, một phần trong nhóm DN này thậm chí không tiếp xúc trực tiếp với hạt gạo.
Các doanh nghiệp này chỉ cần có giấy phép, việc còn lại là của hàng loạt những doanh nghiệp vệ tinh sẵn sàng đi tìm nguồn hàng, đầu tư vốn, tự kiếm đầu ra xuất khẩu... Một số doanh nghiệp lớn có thể đang kiếm tiền bằng cách chia lại một phần giấy phép được xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp nhỏ và dễ dàng hưởng lợi lớn từ đó.
Từng là doanh nghiệp đầu tiên xuất gạo đi Trung Quốc bằng đường chính ngạch nhưng bây giờ doanh nghiệp này chỉ còn là cái kho trống rỗng. Máy móc và công nhân giờ đã không còn từ sau khi doanh nghiệp không nằm trong danh sách được cấp phép xuất khẩu gạo. Mỗi doanh nghiệp kinh doanh gạo như này mất đi là đầu ra cho hạt gạo lại bị thu hẹp lại.
Vì sinh kế, doanh nghiệp này vẫn đang cố gắng bươn chải mọi cách để bám nghề kinh doanh gạo dù rằng giờ đây, việc xuất khẩu gạo đối với họ là một hành vi “không chính ngạch”.
“Không chính ngạch” vì để xuất khẩu được, doanh nghiệp nhỏ này phải “lách” bằng cách xuất nhờ trên giấy phép của các doanh nghiệp có mặt trong danh sách 150 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo.
Với những bản hợp đồng “nhờ xuất khẩu” không còn dấu vết của các doanh nghiệp nhỏ. Còn các doanh nghiệp lớn có giấy phép, thì đương nhiên vẫn hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu, trong khi thực tế có khi chỉ ngồi một chỗ đợi hớt khách từ các thương vụ “nhờ xuất hộ” kiểu này.
Đại diện doanh nghiệp kinh doanh gạo cho biết: "Khách hàng là của chúng tôi, gạo là của chúng tôi, hoá đơn của chúng tôi nhưng lại mang tên công ty khác. Chúng tôi không đứng tên bất kì thứ gì, nếu như không tin người ta thì người ta không làm cho mình.
Rõ ràng, có lợi nhuận nhờ “lách luật” nhưng các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh gạo cũng đang phải đối mặt với rủi ro như có thể bị hớt tay trên mất khách hàng hay bị chiếm dụng vốn. Các doanh nghiệp nhỏ không có giấy phép đang phải chịu cả một khoản phí không nhỏ để mua quyền được xuất khẩu gạo mà đối tượng “bán” quyền đó là các doanh nghiệp trong danh sách 150 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu.
Với mức phí cho giao dịch kiểu này là 2 USD/tấn, khoảng 40 đồng/kg gạo. Nhưng theo các doanh nghiệp nhỏ, đây là mức phí hình thức mà doanh nghiệp lớn đưa ra để “chào hàng”, còn thực tế trên cửa khẩu, phí trung bình để “nhờ xuất” hiện là 200 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp, việc kiếm được hợp đồng xuất khẩu gạo lãi đến 300 đồng là rất hiếm hoi.
Trong trường hợp có nhờ được xuất khẩu gạo thì sau khi trừ đi các chi phí như lãi suất ngân hàng, cước vận chuyển thì lãi được 100 đồng/kg gạo là đã tốt cho tình trạng lắt lay hiện nay của doanh nghiệp nhỏ.
Theo những số liệu mới nhất điều tra tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn lợi nhuận từ sản xuất và xuất khẩu gạo hiện nay đang chảy vào túi các doanh nghiệp và thương lái. Người trồng lúa đang phải bỏ ra hơn 60% vốn và công sức, nhưng cho đến giờ mới chỉ nhận được 20% từ lợi nhuận sản xuất xuất khẩu lúa gạo.
Nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lúa gạo cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên hướng trực tiếp nhiều hơn nữa tới người nông dân trồng lúa để đảm bảo sự công bằng, tránh hành vi trục lợi trong quá trình phân phối lợi nhuận từ xuất khẩu gạo.
Diệu Trang
vtv
|