Doanh nghiệp VLXD nâng sức cạnh tranh
Thông qua những dòng sản phẩm VLXD chất lượng cao hướng tới thị trường cao cấp hay những dòng sản phẩm thân thiện môi trường, giá thành hợp lý, nhiều DN đã vượt lên tạo nên những mảng sáng trong bức tranh của ngành.
Theo báo cáo của Hội Vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam, 6 tháng đầu năm nay, các DN VLXD Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số DN đã phải ngừng sản xuất.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những DN nhờ thực hiện những giải pháp khắc phục khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty VIGLACERA Nguyễn Minh Tuấn cho biết do đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng, hiện nay các dòng sản phẩm sứ vệ sinh phủ nano, men nano nung… đang được thị trường ủng hộ. Sản phẩm gốm, ngói đất sét nung của Công ty VIGLACERA Hạ Long có chất lượng cao và vươn lên dẫn dắt thị trường.
Còn tại công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á, Giám đốc kinh doanh Bùi Thẩm Châu cho hay thị trường bất động sản đi xuống gần như không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Năm 2012, doanh thu của công ty tăng hơn 100% nhờ công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất nhựa hiện đại.
Với Tập đoàn Hoa Sen thì việc thực hiện việc kiểm soát chất lượng toàn diện từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm cuối cùng, bảo đảm sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đã giúp Tập đoàn vượt qua khó khăn, đứng vững trên thị trường.
Trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng là điểm sáng. Tiêu thụ xi-măng trong nước tăng so với cùng kỳ vì các dự án hạ tầng kỹ thuật luôn được Chính phủ quan tâm đầu tư, nhất là công tác xây dựng nông thôn mới vẫn được đẩy mạnh, do vậy tuy thị trường bất động sản trầm lắng nhưng lượng xi-măng được tiêu thụ khá tốt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung như: Cty TNHH Hưng Hạnh, Cty TNHH Hoà Phát (TP Nam Định), Cty CP Vân Cầu (Vụ Bản), Cty CP Vật liệu không nung 567 (KCN Hoà Xá)… đều duy trì sản xuất ổn định với sản lượng hơn 22 triệu viên gạch không nung đạt tiêu chuẩn, đã tiêu thụ được hơn 20 triệu viên, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Trần Đức Huynh, Chủ tịch Hội VLXD, trước mắt không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất xi măng, gạch ceramic, granite, sứ vệ sinh, kính tấm xây dựng thông thường mà nên đầu tư dây chuyền sản xuất kính Low-E, kính cường lực phục vụ nhu cầu của thị trường.
Các DN cần đa dạng giải pháp trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, trong đó, tập trung ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mặt hàng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển sản xuất theo quy hoạch trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường; không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất xây dựng thông thường vì hiện nay các mặt hàng này đã đủ để cung cấp cho thị trường đến năm 2015.
Tăng cường xuất khẩu
Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2013 của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam, Hội VLXD đề nghị các công trình xây dựng ở trong nước nên sử dụng VLXD Việt Nam, trước tiên là các công trình xây dựng bằng vốn Nhà nước, như các công trình xã hội, trụ sở các cơ qua, đồng thời cần có quy định không nhập VLXD từ nước ngoài.
Cũng theo Hội VLXD Việt Nam, từ nay đến năm 2018, năng lực sản xuất VLXD còn vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20 - 30%, do vậy phải đẩy mạnh XK, đưa kim ngạch XK lên 2 tỷ USD, tạo điều kiện để khai thác hết năng lực sản xuất.
Công Trí
Chính Phủ
|