Khởi động dự án ứng cứu cá tra
Dự án xây dựng chuỗi giá trị cá tra bền vững sẽ giúp người nuôi cá tra có lợi nhuận và quan trọng là kết nối thị trường, đảm bảo đầu ra bền vững.
Thông tin trên được ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khẳng định trong buổi lễ khởi động dự án xây dựng chuỗi cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) diễn ra ở TP.HCM ngày 2-8.
Sắp chết đuối vớ được cọc
Phóng viên: Cái tên của dự án thật sự không mới nhưng liệu có sự khác biệt nào giữa SUPA với các dự án, tiêu chuẩn khác đang hỗ trợ cho ngành cá tra không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoài Nam (ảnh): Ngành cá tra đang chết dần, nhiều người nuôi treo ao, không ít doanh nghiệp (DN) phá sản, xuất khẩu thì giảm sút. Đúng là dự án hỗ trợ cho ngành cá tra có rất nhiều như liên kết vùng nuôi, liên kết DN với nông dân, chưa kể dự án của riêng DN như tận dụng khai thác phụ phẩm cá tra… Nhà nước, bộ, ngành liên quan cùng VASEP cũng đã tìm mọi cách nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả nào rõ rệt.
SUPA đã vượt qua hàng chục dự án khác để được duyệt về tính hiệu quả sẽ mang lại, với tổng giá trị gần 2,4 triệu euro. Đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam cho ngành cá tra có phương thức tiếp cận thị trường và người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra đạt các chứng nhận quốc tế và góp phần tạo dựng uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam, nhất là tại EU. Đặc biệt, SUPA có sự tham gia của hầu hết các bên liên quan đến ngành cá tra từ người nuôi, DN, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ, nhà máy chế biến đến truyền thông, tổ chức phi chính phủ…
Cụ thể những hoạt động và lợi ích rõ ràng mà SUPA có thể mang lại cho DN và người nuôi cá tra lúc này là gì?
SUPA không chỉ hỗ trợ ngành cá tra tiếp cận theo chuỗi cung ứng mà còn áp dụng cách thức “đẩy” - “kéo” cho hoạt động sản xuất trong nước bền vững, thúc đẩy thị trường.
Có dự án SUPA, người nuôi cá tra sẽ tiếp cận được khoa học công nghệ, tiết kiệm chi phí...
|
Cụ thể với người nuôi cá, dự án sẽ xây dựng trang trại mẫu giúp người nuôi tiếp cận khoa học công nghệ, tiết kiệm chi phí hiệu quả. Một trung tâm đào tạo được thành lập tại ĐH Cần Thơ để tập huấn kỹ thuật nuôi cá, quản lý chất lượng và thu thập thông tin thị trường cá tra cho nông dân. Đặc biệt, nông dân được hướng dẫn kỹ năng đàm phán (giá bán, hợp đồng), xúc tiến thương mại và tự bán cho nhà nhập khẩu với giá cao, lợi nhuận ổn định.
Đối với DN Việt Nam, sẽ có các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ quốc tế để thúc đẩy tiêu dùng cá tra tại châu Âu bằng gian hàng riêng, tăng cường truyền thông đến người tiêu dùng. EU và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên của Áo (WWF) sẽ nghiên cứu và thông tin về thị trường EU cung cấp cho DN. WWF - Áo cũng tư vấn cho DN cách thực hiện để đạt các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, BAP/ACC, Global GA… ĐH Kỹ thuật Delft (Hà Lan) hỗ trợ về công nghệ chế biến phụ phẩm cá tra, đa dạng sản phẩm cá tra và thiết lập đầu ra.
Cú hích hy vọng
Số vốn gần 2,4 triệu euro có quá ít cho giải pháp ứng cứu cả ngành cá tra đang ngập ngụa khó khăn? Mục tiêu của SUPA sau bốn năm thực hiện (2013-2017) là gì?
Đúng vậy, số vốn dự án chỉ ở mức tương đối. Ban tổ chức đã tính đến chi phí của các hoạt động cho nên trong thời gian thực hiện sẽ kêu gọi đầu tư thêm.
Mục tiêu đến cuối dự án sẽ có ít nhất 70% DN đạt mục tiêu sản xuất, chế biến cá tra quy mô trung bình và lớn; 30% DN sản xuất thức ăn chăn nuôi và trang trại quy mô nhỏ độc lập, chủ động tham gia quy trình sử dụng tài nguyên hiệu quả và sản xuất sạch hơn; ít nhất 50% DN tham gia cung cấp được sản phẩm bền vững, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cho thị trường xuất khẩu.
Tuy chưa thể khẳng định SUPA sẽ là đòn bẩy kích thích sự tăng trưởng trở lại của toàn ngành cá tra nhưng chắc chắn những kế hoạch hoạt động thực tế rất đúng người đúng việc nêu trên sẽ tác động tích cực đến ngành cá tra.
Nhưng DN, người nuôi cá tra nghi ngại khi dự án kết thúc thì lợi ích cũng hết theo như nhiều dự án trước đó hoặc đây chỉ là dự án lập ra để bán các tiêu chuẩn khiến DN, người dân tốn thêm chi phí?
Đại diện cho VASEP, tôi khẳng định SUPA không phải là dự án làm xong bán tiêu chuẩn gì cả. Dự án này không cổ súy cho bất cứ một tiêu chuẩn quốc tế nào. Khi dự án kết thúc thì trung tâm đào tạo, hỗ trợ nông dân tại ĐH Cần Thơ vẫn hoạt động, trang trại mẫu vẫn nhân rộng. Tổ chức WWF Áo và EU vẫn hỗ trợ DN và ngành cá tra Việt Nam như kế hoạch dự án đã đề ra.
SUPA sẽ có một bộ phận đánh giá và khuyến nghị các khung chính sách cho phù hợp và một diễn đàn điện tử cung cấp thông tin chính xác về ngành cá tra trong nước, tình hình thị trường, tiến trình dự án để không chỉ DN mà nông dân cũng nắm được.
Xây dựng nhóm thương hiệu cá tra
Tôi đánh giá rất cao hiệu quả từ những hoạt động của SUPA. Đây có thể là giải pháp đáng hy vọng nhất để cứu ngành cá tra đang rất khủng hoảng. Ban điều phối dự án cần xây dựng nhóm DN quy định điều kiện tham gia phát triển nhóm sản phẩm cá tra theo chuỗi giá trị bền vững của SUPA. Cần tận dụng sự hỗ trợ của EU để tạo nên thương hiệu cho nhóm sản phẩm cá tra Việt Nam tham gia dự án.
Bà NGUYỄN THỊ HỒNG MINH, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản
|
Quang Huy
Pháp luật TPHCm
|