Vị “đắng” của đường
Với giá mía dao động từ 950 ngàn đến 1 triệu đồng/tấn, các nhà máy đường trong nước đang thu mua nguyên liệu cao hơn so với các doanh nghiệp (DN) cùng ngành ở Thái Lan 400 - 450 ngàn đồng/tấn. Tuy nhiên, người dân trồng mía thu nhập vẫn thấp và không có nhiều lợi nhuận.
Trong khi, các DN mía đường trong nước cho rằng, với giá thu mua mía nguyên liệu cao như hiện nay thì giá bán đường 14.000 đồng/kg là quá rẻ, vì xuống thấp nữa sẽ lỗ vốn. Một nghịch lý đang diễn ra: dù giá thu mua và giá đường trong nước khá cao nhưng cả nhà máy đường và người trồng mía đều thua thiệt.
Diện tích mía đường gần chạm ngưỡng kế hoạch 2020
|
Ông Đỗ Thành Liêm - Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, kết thúc vụ ép mía 2012-2013, diện tích mía nguyên liệu của cả nước ước khoảng 298 ngàn ha, tăng 15 ngàn ha so với niên vụ trước và tăng 27 ngàn ha so với niên vụ 2010 - 2011. Với tốc độ tăng trưởng như trên, diện tích trồng mía của cả nước đã gần chạm ngưỡng 300 ngàn ha, tiệm cận với mục tiêu này tại Quy hoạch phát triển ngành mía đường đến năm 2020 của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Liêm cũng lưu ý, mặc dù diện tích mía nguyên liệu tăng đều qua các năm nhưng áp lực đầu vào cho các nhà máy đường không hề giảm. Mỗi khi vào vụ ép, hầu hết các nhà máy đều phải vất vả tranh mua mới có được nguồn mía đủ cho công suất thiết kế.
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do vùng mía hiện nay quá manh mún và chưa được các DN đầu tư thỏa đáng. Chỉ có một số DN đầu tư cánh đồng mía trên 50 ha, số diện tích còn lại rải đều cho hơn 400 ngàn hộ gia đình, trung bình mỗi hộ chỉ canh tác khoảng 0,5 - 0,7 ha. Do diện tích canh tác theo quy mô hộ khá nhỏ nên thu nhập của người trồng mía rất thấp. Theo các chuyên gia tính toán, đầu tư 1 ha mía hết khoảng 40 triệu đồng, sau một năm chăm sóc, lợi nhuận người dân thu về chỉ đạt 19 - 20 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, việc xé lẻ cánh đồng mía như hiện nay, theo ông Liêm, còn kéo theo hệ lụy tai hại là vấn nạn ép mía non. “Các nhà máy khi vào vụ phải tranh mua nguyên liệu. Vì thế, lượng mía non được thu mua và đưa vào ép chiếm tỷ lệ lớn. Chỉ tính riêng ở CTCP Đường Khánh Hòa, do phải ép mía non nên mỗi năm con số thiệt hại lên tới 50 tỷ đồng”, ông Liêm nói.
Đồng tình quan điểm này, ông Trầm Kim Dũng - Tổng giám đốc CTCP Đường Ninh Hòa (NHS) (Khánh Hòa) cho rằng, hiện nay diện tích mía cả nước đã đạt gần 300 ngàn ha nhưng năng suất mía mới chỉ dừng ở mức 63,9 tấn và sản lượng đường làm ra chỉ xoay quanh mức 1,5 triệu tấn/năm.
Nếu không có bàn tay của DN đầu tư vào nghiên cứu giống mía mới và các giải pháp nâng cao năng suất, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch thì khó có thể đạt được chỉ tiêu năng suất 80 triệu tấn/ha và sản xuất ra 2,1 triệu tấn đường nguyên liệu theo quy hoạch của Chính phủ đến 2020.
Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhìn nhận, hiện nay mối liên kết giữa các DN, nhà máy với người nông dân ở ngành mía đường chưa bài bản và đồng bộ. Các DN hầu hết tự phát sản xuất kinh doanh.
Có DN ứng trước vốn cho nông dân mua giống, phân bón, có DN chỉ hỗ trợ kỹ thuật canh tác, hoặc chỉ cam kết mua giá cao bằng… miệng. Do không có những ràng buộc chặt chẽ nên khi đến vụ thu hoạch thường xảy ra tình trạng DN mua giá thấp, nông dân “lật kèo” bán cho thương lái với giá cao hơn.
Về vấn đề này, bà Đặng Thị Sum - Chủ tịch HĐQT CTCP Đường Biên Hòa (BHS) cho rằng, để gắn kết DN, nhà máy đường và người trồng mía, bản thân các DN phải cân đối đầu tư vào vùng nguyên liệu và phải tính toán cả chi phí này vào các khoản đầu tư chiến lược của mình. Về lâu dài, Nhà nước cần xem xét đưa ra những chính sách chế tài phù hợp để các DN bắt buộc phải quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu như một điều kiện kinh doanh.
Theo ông Trầm Kim Dũng trước mắt nếu chưa thể đầu tư các cánh đồng nguyên liệu bài bản thì các DN cần duy trì cùng lúc nhiều chương trình hỗ trợ để tập hợp vùng nguyên liệu. “Chẳng hạn ở Công ty đường Ninh Hòa, nhiều năm nay chúng tôi vẫn duy trì mức hỗ trợ từ 18-30 triệu đồng đối với 1 ha mía nguyên liệu.
Mặc dù giá đường có thời điểm xuống thấp dưới 14.000 đồng/kg, nhưng đầu và cuối vụ ép chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ người dân từ 40.000-70.000 đồng/tấn mía để đảm bảo có nguyên liệu chế biến”, ông Dũng nói.
GS. TS. Võ Tòng Xuân đồng tình rằng, ngành mía đường nên hình thành các cánh đồng mẫu lớn, qua đó các nhà máy tự chủ vùng nguyên liệu của mình để cân đối sản xuất và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Theo ông Xuân, trước mắt Nhà nước cần nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu mía giống và các giải pháp tăng năng suất mía; xây dựng khung pháp lý, quy định tỷ lệ ăn chia giữa nhà máy và người trồng mía phù hợp để các DN áp dụng…
Theo Báo cáo tổng kết niên vụ 2012 - 2013 của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng đường niên vụ vừa qua đạt khoảng 1,52 triệu tấn. Như vậy, nếu cộng cả lượng đường nhập khẩu theo cam kết WTO, lượng đường chuyển vụ và đường nhập lậu thì trong năm nay số đường “dư thừa” sẽ ở mức trên 500 ngàn tấn.
Hà Minh
thời báo ngân hàng
|