Thứ Năm, 01/08/2013 14:46

Niềm tin đang cải thiện

Điều mà Công ty Dịch vụ thông tin tài chính Việt Nam lưu ý tại báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh quý II/2013 là 3 cấu phần rất quan trọng, liên quan đến bản thân DN, gồm: “Niềm tin vào tăng trưởng doanh thu”, “Kế hoạch đầu tư cho tài sản cố định” và “Kế hoạch sử dụng nhân viên” không có biến động nhiều so với quý trước. “Điều này chứng tỏ năm 2013 vẫn được cho là năm khó khăn đối với các DN Việt Nam”, báo cáo phân tích.

Hôm qua, 31/7, chỉ số niềm tin kinh doanh quý II/2013 do Công ty Dịch vụ thông tin tài chính Việt Nam (WVB) công bố khẳng định một diễn biến khá tích cực: Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã lạc quan hơn vào triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2013. Với mức điểm 118, cao hơn quý trước và gần ngang bằng mức cao nhất đạt được trong quý II/2012 của WVB khẳng định quan điểm nói trên.

Tuy nhiên, sự cải thiện chỉ nằm ở các chỉ tiêu về cảm nhận triển vọng kinh tế trong năm nay. Điều mà WVB lưu ý tại báo cáo lần này là 3 cấu phần rất quan trọng, liên quan đến bản thân DN, gồm: “Niềm tin vào tăng trưởng doanh thu”, “Kế hoạch đầu tư cho tài sản cố định” và “Kế hoạch sử dụng nhân viên” không có biến động nhiều so với quý trước. “Điều này chứng tỏ năm 2013 vẫn được cho là năm khó khăn đối với các DN Việt Nam”, báo cáo phân tích.


Kỳ vọng của các tổ chức tín dụng đối với lãi suất cho vay ngắn hạn cuối năm 2013

Ở góc độ vĩ mô, Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 7/2013 có nhận định: nền kinh tế đã cải thiện được về mặt sản xuất, đồng thời ổn định được lạm phát. Trên thực tế, diễn biến CPI đang “nhúc nhắc” cao lên. Bối cảnh cả cung và cầu nền kinh tế đều yếu, bất kỳ một sự thay đổi chính sách mạnh mẽ nào đều có thể tạo nên các rủi ro nhất định.

Về chính sách tiền tệ, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán hơn 8% và tín dụng gần 5% so với cuối năm ngoái. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: Chúng ta phải ghi nhận NHNN đã rất tích cực trong việc giảm lãi suất huy động. Hiện nay, lãi suất đã giảm nhiều, có ngân hàng đã giảm xuống mức 5%. Như vậy, xét với tình hình lạm phát ở nước ta, lãi suất huy động đã được giảm mạnh mẽ… Theo lý thuyết, việc giảm mạnh lãi suất sẽ tạo rủi ro về tỷ giá và lạm phát. Vì vậy, chính sách tiền tệ đặt trong bối cảnh hiện nay đang được điều hành khá thận trọng.

Tuy nhiên, cầu tiêu dùng vẫn yếu đến mức được một chuyên gia kinh tế ví von: “nó như người đói quá lâu, không cẩn thận mà ăn nhiều sẽ bội thực”. Hy vọng đang được đặt nhiều hơn về phía cầu đầu tư, với khả năng khi các dự án quan trọng được triển khai sẽ làm “tan băng” tín dụng, kích thích tăng trưởng… Tuy nhiên, mọi chuyện dường như không dễ dàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ vào một biểu đồ các khả năng can thiệp vào nền kinh tế, tại một khóa đào tạo cách đây ít ngày, ông lưu ý đến nhân tố tài khóa chưa có nhiều chuyển động trong việc can thiệp vào dòng chảy vốn của nền kinh tế hiện nay. Theo ông phân tích, khoản nợ đọng xây dựng cơ bản ước tính lên đến hơn 90 nghìn tỷ đồng, đáng lẽ ra cần được giải tỏa để xử lý nhanh một lượng nợ xấu tương đối lớn, để cùng với ngành Ngân hàng mà cụ thể là VAMC xử lý nhanh hơn “cục máu đông” ngăn dòng chảy vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, phía chính sách tài khóa dường như rất khó “chia lửa” trong bối cảnh hiện nay.

“Trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, thu ngân sách nhà nước sẽ có sự sụt giảm nhưng các nhu cầu chi tiêu của quốc gia không thể cắt giảm, do đó các giải pháp về giãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, giãn nộp tiền sử dụng đất là cố gắng và chia sẻ rất lớn với Chính phủ đối với cộng đồng DN”, ông Nguyễn Văn Phụng - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nói như vậy tại buổi Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho DN - Nhìn từ kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013”, do báo Diễn đàn DN tổ chức ngày 30/7. Điều ông nói hàm ý, tài khóa đã “hết cách” nới thêm?

Dù rằng, vị này cũng đồng tình, để "sưởi ấm" nền kinh tế hiện nay chỉ có cách tăng thêm tổng cầu, trong số đó, tăng đầu tư công là một trong những biện pháp quan trọng. “Nhưng trong bối cảnh hiện nay thì việc tìm ra được nguồn lực tài chính để bảo đảm giải ngân đầu tư công là một bài toán khó…”, ông Nguyễn Văn Phụng thừa nhận. Nhưng ngay cả với các khoản đầu tư công hiện nay, dư luận chưa hẳn an tâm. “Chỉ nên thúc đẩy dự án đầu tư công đang nằm trong kế hoạch, không phải tăng theo kiểu bất chấp hậu quả, bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ...”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong bình luận.

Sức mua tiêu dùng là điểm tựa cho niềm tin của doanh nghiệp

Ở thế khó điều hành ngân sách như vậy, ông Phụng đề xuất tiếp tục áp dụng chính sách giãn, hoãn thuế và các khoản phải nộp; đẩy mạnh cải cách hành chính... Nhưng ở phía DN, ông Hoàng Văn Quyết - Giám đốc CTCP Đầu tư tài chính và xây dựng Việt Nam “phản pháo”: Các giải pháp về thuế đưa ra vừa qua là một sự cố gắng của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều DN còn đặt câu hỏi DN đã không có lợi nhuận thì việc giảm có tác dụng gì?

Ý kiến của ông Quyết được khá nhiều chủ DN đồng tình. Khảo sát WVB khi tham khảo ý kiến DN về việc giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất cho kết quả, có tới 50% DN cho rằng chính sách này sẽ giúp DN tháo gỡ khó khăn trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, có tới 28% DN đánh giá nó chưa thực sự hiệu quả để giải quyết triệt để các khó khăn cho họ.

Rõ ràng, niềm tin thị trường, vốn là rào cản lớn nhất mà các nhà phân tích kinh tế lo ngại cho khả năng thoát đáy của nền kinh tế Việt Nam, không dễ dàng để tạo dựng trong bối cảnh hiện nay. Nhất là khi tiền tệ tiếp tục “dùng hết võ”, trong khi tài khóa “tọa sơn quan hổ đấu”.

Hoàng Giáp

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   10 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại (01/08/2013)

>   Nguồn cung giảm, tạo đà tăng cho giá tôm thế giới (01/08/2013)

>   Gần 400 tỷ đồng và chuyện VNA tiết kiệm (01/08/2013)

>   EVN chỉ nghĩ đến tăng chứ không nghĩ đến giảm giá (01/08/2013)

>   Cung vượt cầu - Ngành mía đường đối diện nhiều thách thức (01/08/2013)

>   Samsung được “món hời” trong thương vụ với TIE? (31/07/2013)

>   Đầu tư nước ngoài: Mua rẻ hơn đầu tư mới (31/07/2013)

>   Giá gas tăng tháng thứ ba liên tiếp (31/07/2013)

>   Con tàu Vinalines đang nỗ lực để vượt qua “sóng cả” (31/07/2013)

>   Giá điện tăng 5% từ 1/8 (31/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật