Tăng giá điện: Một kết quả của “cân nhắc cẩn trọng”!
“Không bất ngờ nhưng vẫn sốc”, đó là cảm giác của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khi biết tin giá điện tăng 5% kể từ ngày 1.8.
“Không bất ngờ” bởi ông đã nghe phong thanh việc tăng giá điện từ một tháng trước. Ông nói: “Nghĩa là việc tiếp cận thông tin không gây sốc, nhưng tác động của tăng giá điện là sốc vì cứ đổ dồn khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”. Ông Doanh lý giải: tổng cung của nền kinh tế vốn đã rất khó – tình hình sản xuất của doanh nghiệp vô cùng chật vật, nay lại liên tiếp tăng giá các mặt hàng đầu vào như điện, xăng dầu thì e doanh nghiệp không còn sức làm việc nữa.
Hai tuần trước, ngay sau khi giá xăng tăng thêm 460 đồng/lít, và có dự báo về việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong đó có giá điện, ông Doanh cũng cảnh báo về việc sẽ có mặt bằng giá mới được thiết lập với cú hích là yếu tố tâm lý. Và đến hôm nay, thì cảnh báo đó đã thành sự thật khi cùng với giá xăng, giá điện là giá gas, giá sữa…
Một ngày trước khi thông tin giá điện tăng chính thức được phát đi từ bộ Công thương và tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), câu hỏi “Giá điện có tăng trong một hai ngày tới?” cũng đã được phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đặt ra cho thứ trưởng phụ trách năng lượng của bộ Công thương, ông Lê Dương Quang. Chiều hôm ấy, dù không trả lời trực diện vào câu hỏi cũng như không tiết lộ thời điểm tăng giá, song thứ trưởng Quang thừa nhận phương án tăng giá điện (lần này) không có gì thay đổi so với với kịch bản mà EVN đã chuẩn bị từ hồi tháng 6. “Từ đầu năm 2013 đến nay chưa tăng giá điện lần nào, trong khi nếu để lâu dồn lại thì khả năng tăng sốc, giật cục – là điều khiến dư luận khó chấp nhận hơn. Đáng ra đã phải tăng giá điện vào tháng 6, vì lúc đó tình hình thuỷ văn diễn biến bất lợi, giá than bán cho điện đã tăng… Song khi ấy, nhiều ý kiến lo ngại tình sản xuấn kinh doanh của doanh nghiệp đang khó khăn nên bộ Công thương chưa đồng ý”, ông Quang nói.
Cũng phải nói thêm, trong một tài liệu được cục Điều tiết điện lực chuẩn bị cho lãnh đạo bộ Công thương phục vụ cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 30.7, cơ quan này xác nhận “đang cân nhắc một cách cẩn trọng thời điểm điều chỉnh giá bán điện nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô và chỉ số giá tiêu dùng CPI”. Đặc biệt, cục này nhấn mạnh “áp lực điều chỉnh giá bán điện từ nay đến cuối năm 2013 là rất lớn”.
Theo tính toán của ngành điện, riêng với việc tăng giá than bán cho điện từ ngày 20.4 lên mức 37 – 41%, đã khiến chi phí mua điện của tập đoàn Điện lực (cho các nhà máy điện chạy than) đã tăng lên 3.000 – 4.000 tỉ đồng. Thêm vào đó, số lỗ sản xuất kinh doanh điện đến hết ngày 31.12.2012 đã được kiểm toán của tập đoàn này vẫn còn khoảng 7.900 tỉ đồng, chưa kể cộng với khoảng 15.000 tỉ lỗ chênh lệch tỷ giá còn treo lại.
Những thông tin trên cho thấy việc tăng giá điện đã được “cân nhắc cẩn trọng” và không gây bất ngờ, nhưng vẫn gây sốc!
Chí Hiếu
sài gòn tiếp thị
|