Không có chuyện bị đội giá
Rau, quả, thực phẩm lên sàn giao dịch phải qua quy trình kiểm tra khắt khe, liệu có bị đội giá? Ông Nguyễn Thành Lưu- Tổng giám đốc Sàn Giao dịch rau, quả & Thực phẩm an toàn Hà Nội- đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về Sàn Giao dịch rau quả & Thực phẩm an toàn Hà Nội?
Sàn Giao dịch rau quả & Thực phẩm an toàn Hà Nội do Công ty XNK Sản phẩm xanh Việt Nam đầu tư với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, theo mô hình hợp tác công tư - PPP. Cơ cấu hoạt động giống như một sàn chứng khoán, có các đơn vị cung cấp, các thành viên mua (siêu thị, cửa hàng, nhà xuất khẩu, khu công nghiệp, điểm phân phối ở khu dân cư do sàn trực tiếp xây dựng). Sau khi đi vào hoạt động (tháng 6/2011), đến nay mạng lưới của sàn bao gồm trên 300 điểm phân phối rau, quả và thực phẩm an toàn tại khu dân cư/cơ quan; hơn 100 đối tác tiêu thụ gồm các đầu mối bán buôn, nhà xuất khẩu, nhà chế biến, nhà bán lẻ…Hiện, sàn đang triển khai chương trình hỗ trợ miễn phí các nhà sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn tham gia giao dịch.
Bên cạnh mục tiêu cắt bớt trung gian không cần thiết để giảm giá sản phẩm, Sàn Giao dịch rau quả & Thực phẩm an toàn Hà Nội đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu cho nhà sản xuất, bởi khi đã có thương hiệu, hàng hóa sẽ có thị phần vững chắc trên thị trường, tránh được nỗi lo bị trung gian “qua mặt”. |
Ngoài địa bàn Hà Nội, các nhà cung cấp từ những địa phương khác có tham gia giao dịch trên sàn không. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến tính đa dạng hàng hóa, tính cạnh tranh về giá của các sản phẩm lên sàn?
Nếu như 2 năm trước, các nhà cung cấp sản phẩm chủ yếu là của Hà Nội, thì từ tháng 1/2013, Sở NN&PTNT đã ký thỏa thuận hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm với 17 tỉnh miền Bắc, như: Sơn La, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Bắc Ninh… Hiện đã có sản phẩm của các đơn vị sản xuất từ các tỉnh này lên sàn. Chính vì thế, sức cạnh tranh giữa sản phẩm cùng loại của các đơn vị khác nhau đang ngày càng nóng lên. Hiện nay, tiêu thụ rau qua sàn trung bình là 3 tấn/ngày, trứng 4.000- 5.000quả/ngày; thịt lợn sạch cũng đang được phân phối tới 80 điểm ở các khu dân cư.
Được biết, sản phẩm lên sàn giao dịch phải qua quy trình kiểm tra khắt khe của Sở NN & PTNT, điều đó có khiến giá bán bị “đội” lên không, thưa ông?
Hiện nay, thành phố đang hỗ trợ tất cả các quy trình. Sàn Giao dịch rau quả & Thực phẩm an toàn Hà Nội cũng không thu bất kỳ loại phí nào của nhà sản xuất cũng như nhóm tiêu thụ. Chính vì vậy, giá chào bán trên sàn cũng chính là giá mà các cơ sở sản xuất đưa ra. Hơn thế, trong trường hợp có sự cố về chất lượng sản phẩm, sàn và đại diện Sở NN&PTNT sẽ có trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất để giải quyết cho khách hàng. Điều này đồng nghĩa, mua hàng qua sàn, người tiêu dùng sẽ được đảm bảo về xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Đơn cử như “treo” cà rốt Hải Dương, thì sản phẩm phân phối không thể là sản phẩm Trung Quốc. Còn phía nhà cung cấp, thay vì phải đi bán hàng, sẽ có người tìm đến tận nơi mua, nếu sản phẩm của cơ sở đó thực sự chất lượng và có giá hợp lý. Phía cơ quan quản lý cũng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua quản lý sản xuất tại nguồn.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Mai
Báo công thương
|