Kết quả khả quan nhưng vẫn chậm
Cùng với Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Nhờ các giải pháp hỗ trợ, nhiều dự án BĐS lại "hút khách"
|
Triển khai còn chậm
Phát biểu trong cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Tháo gỡ khó khăn cho DN - Nhìn từ kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2013 được tổ chức cuối tháng 7/2013, chuyên gia kinh tếLê Đăng Doanh nhận định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc thực hiện Nghị quyết 01 và 02, thể hiện qua nhiều chính sách, cơ chế cụ thể. Cùng với đó, các bộ, ngành cũng có những đề án, chỉ thị riêng nhằm hiện thực hóa hai Nghị quyết này.
Lấy ví dụ chứng minh, ông Doanh liệt kê các chính sách như: miễn, giảm, giãn thuế... còn ở các địa phương, quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, việc triển khai các đề án của các bộ chưa đồng đều, điển hình như đề án giải quyết nợ xấu phải đến ngày 29/7 mới được khởi động; hay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đối với lĩnh vực bất động sản vẫn chưa đến được với nhiều cá nhân có nhu cầu mua nhà.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, vẫn còn tình trạng các cơ quan nhà nước liên hệ “nhờ” doanh nghiệp trợ giúp những khoản “ngoài luồng” như: hỗ trợ kinh phí đi nghỉ mát, chi phí khánh tiết cho hội nghị sơ kết 6 tháng, trợ giúp xây trụ sở … trong khi không ít doanh nghiệp “được gõ cửa” lại đang trong tình trạng cắt giảm lao động, lương, chi phí đến mức tối đa.
Đồng quan điểm với ông Lê Đăng Doanh, ông Hoàng Văn Quyết- Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và Xây dựng Việt Nam- thẳng thắn: Các giải pháp của Chính phủ triển khai đang chậm, còn nặng tính hành chính. Chính phủ nên đơn giản các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các gói hỗ trợ.
Còn ông Nguyễn Đình Trung- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh- cho rằng, các chính sách đến được tới doanh nghiệp vẫn còn chậm. Ngay như gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 2 DN và 56 cá nhân được vay là quá chậm.
Giải pháp về thuế khó thỏa mãn tất cả các doanh nghiệp
Phải khẳng định, Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ và tiếp sau là các đề án, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các bộ, ngành đã và đang phát huy tác dụng tích cực dù hầu hết các ngành, các lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn. Tái khẳng định quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phụng- Phó Vụ trưởng vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính)- cho rằng, các giải pháp thuế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giải quyết nợ xấu và đã đáp ứng khoảng 90% yêu cầu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong điều kiện toàn bộ nền kinh tế gặp khó khăn, tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn thì kết quả đạt được từ các đề án, chính sách hỗ trợ đạt được là đáng ghi nhận.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các chính sách hỗ trợ trong thời gian qua đã tạo được một số hiệu ứng tích cực, thể hiện sinh động nhất là nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động.
“20% DN đã cảm nhận được những hỗ trợ tích cực từ những chính sách hỗ trợ; 25% DN cảm nhận được những cơ hội thị trường mới”– ông Phong nói nhưng vẫn tái khẳng định, những hiệu ứng tích cực vẫn còn khiêm tốn do những hạn chế ngay từ mức độ, quy trình, đối tượng hỗ trợ.
Hoàng Châu
báo công thương
|