Thứ Hai, 05/08/2013 13:08

“Lùng bùng” như nợ đọng xây dựng cơ bản

TS. Trần Đình Thiên đã từng lên tiếng: “Đang có nhiều doanh nghiệp chết hoặc chờ chết vì không thu được món nợ này. Phải trả tiền cho doanh nghiệp, trả nợ cho doanh nghiệp”.

Nợ không xác định được, sao có thể xử lý

Nhớ lại năm 2012, TS.Trần Đình Thiên khi dẫn một báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đưa ra số nợ của chính quyền địa phương, nợ của Chính phủ và nợ của các dự án đầu tư công với con số lên tới 100 nghìn tỷ đồng trong năm 2011. Ông đã lên tiếng: “Đang có nhiều DN chết hoặc chờ chết vì không thu được món nợ này. Phải trả tiền cho DN, trả nợ cho DN”.

Dù rất quyết tâm từ chính phủ nhưng giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn chưa tiến triển

Vấn đề này, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương xây dựng phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác. Và từ quý III/2012 đến nay, vấn đề nợ đọng XDCB cũng đang được xử lý nhưng: “Xem ra rất khó giải quyết, bởi những khoản nợ này đã quá lâu, rất phức tạp, ngay như việc đánh giá số nợ cũng đã rất khó khăn”, TS.Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ về xử lý nợ đọng.

Tình trạng nợ nần dây dưa kéo dài cả chục năm, không ít DN chật vật hàng năm trời để được thanh toán khoản nợ nhưng chẳng có một con số thống kê chính thức nào về loại nợ này. “Chỉ đến khi nền kinh tế rơi vào bi kịch nó mới lòi ra”, như TS.Trần Đình Thiên đã nói và Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng chỉ ra trong một văn bản.

Ngay như kết quả kiểm toán về niên độ ngân sách 2011 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cũng ghi rằng: “Số liệu về nợ vốn đầu tư XDCB của các địa phương giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có sự chênh lệch” (số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 85.009 tỷ đồng, số của Bộ Tài chính là 91.273 tỷ đồng) và “chưa có số liệu theo dõi nợ vốn đầu tư XDCB tại các bộ ngành”.

Bên cạnh đó, vấn đề kỷ cương khi sử dụng vốn đầu tư XDCB và những quy định về XDCB cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Chưa kể, trong các hạng mục công trình có một số chi sai, chi không đúng mục đích… nên không thể quyết toán.

Lo các chỉ thị cũng trở thành… “nợ đọng”

“Việc chậm chấp hành chậm khắc phục” cũng là một trong những nguyên nhân gây nợ đọng trong XDCB. Mặc dù Chính phủ đã ban hành khá nhiều chỉ thị hướng dẫn việc thực hiện vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chỉ là một “mớ bòng bong”.

Đầu tiên phải kể đến Chỉ thị 27/CT-TTg ban hành tháng 10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu từ năm 2013, các địa phương phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương và coi đây là chỉ tiêu bắt buộc trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách địa phương.

Các địa phương có trách nhiệm định kỳ 6 tháng hàng năm báo cáo tình hình và kết quả xử lý nợ đọng XDCB về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm trước ngày 20/5/2013 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng XDCB.

Tiếp đó, ngày 24/5/2013, Thủ tướng Chính phủ lại có Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ Tài chính - NSNN năm 2013 yêu cầu “tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ đọng XDCB”. Thế nhưng, trong bản báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra tại buổi họp báo ngày 19/7/2013, mới chỉ thấy báo cáo là đã “tập trung vốn cho trả nợ khối lượng XDCB hoàn thành và thực hiện các công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2013 để bảo đảm hiệu quả đầu tư”... Nhưng cũng chẳng tìm ra được số liệu cụ thể nào về giải quyết nợ đọng.

Nợ XDCB tồn kho không chỉ khiến nhiều DN ngắc ngoải mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định: “Nếu nợ đọng XDCB được giải quyết, DN có tiền trả nợ ngân hàng, dòng vốn sẽ lưu thông”. Nhưng số liệu chưa rõ, thì làm sao giải quyết. Ngay như kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng đã ghi rõ “chưa có số liệu theo dõi nợ vốn đầu tư XDCB tại các bộ ngành”. Quan trọng hơn là không để nợ đọng được xử lý rồi lại phát sinh, nếu không kiên quyết trong việc thực hiện kỷ luật kỷ cương về XDCB.

Chưa hết, đến ngày 24/6/2013, Thủ tướng ban tiếp Chỉ thị số 14 về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB từ nguồn NSNN, trái phiếu Chính phủ… Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định. Và có lẽ, để giải quyết xong xuôi “câu chuyện này”, đây chưa hẳn đã là Chỉ thị cuối cùng từ người đứng đầu Chính phủ.

TS.Lê Đình Ân – nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho biết, giới chuyên gia kinh tế đánh giá cao những văn bản Thủ tướng trực tiếp ban hành, khẳng định rõ sự kiên quyết của Chính phủ với những vấn đề tồn đọng quá lâu trong quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa yên tâm với nỗ lực thực hiện ở các cấp các ngành. Khi mà những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị từ nhiều năm trước, đến nay, vẫn là điểm nóng “thời sự” trong điều hành nền tài chính quốc gia. Và những bất cập từ cơ chế phân cấp, quy hoạch, thẩm định, phê duyệt dự án, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công vẫn tiếp tục được viện dẫn ra là… “còn bất cập”!?

Các địa phương có nợ đọng trên 100% kế hoạch vốn đầu tư XDCB

Tỉnh Hà Tĩnh 9.696 tỷ đồng (293,4%), Nghệ An 6.316 tỷ đồng (209,3%), Hà Giang 3.560 tỷ đồng (187,3%), Đồng Tháp 3.335 tỷ đồng (254%), Quảng Ninh 3.072 tỷ đồng (116,7%), Bắc Ninh 2.856 tỷ đồng (188,2%), Đắk Lắk 2.548 tỷ đồng (165,1%), Thái Bình 2.162 tỷ đồng (135,4%), Hải Dương 2.034 tỷ đồng (147,5%), Lào Cai 1.907 tỷ đồng (111%), Lâm Đồng 1.718 tỷ đồng (128,7%), Hậu Giang 1.617 tỷ đồng (105,4%), Yên Bái 1.605 tỷ đồng (143,7%) và Bến Tre 945 tỷ đồng (109%).

(Nguồn Kiểm toán Nhà nước)


Linh Ly

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Thái ráo riết đi thâu tóm (05/08/2013)

>   Thiệt hại đủ đường bởi doanh nghiệp “ma” (05/08/2013)

>   Luật phá sản: Hơn nửa quy định gặp vướng (05/08/2013)

>   Đường nhập lậu, chặn cách nào? (05/08/2013)

>   Kiến nghị kiểm tra, xử lý việc nhập thép Trung Quốc (05/08/2013)

>   Đằng sau câu chuyện hàng tồn kho (04/08/2013)

>   Bộ trưởng Bộ Công Thương: Không thể dừng việc điều chỉnh giá điện (04/08/2013)

>   Doanh nghiệp VLXD nâng sức cạnh tranh (04/08/2013)

>   Chồng bà Diệu Hiền muốn mua cổ phần doanh nghiệp sắp phá sản (04/08/2013)

>   Gia Lai nhận, triển khai hơn 160 triệu USD vốn ODA (04/08/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật