Thiệt hại đủ đường bởi doanh nghiệp “ma”
Trong lúc nền kinh tế khó khăn khiến không ít doanh nghiệp (DN) phá sản, “chết yểu” thì một số DN khác dễ dàng được “khai sinh” và rồi sau đó lộng hành, làm trái quy định của pháp luật.
Nhiều DN thành lập chỉ để mua bán hóa đơn.
|
Công ty TNHH TM SX DV XNK Lâm Đạt (Công ty Lâm Đạt) có trụ sở đăng ký tại phường 11, quận Gò Vấp, được Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp giấy phép đăng ký kinh doanh (GPĐKKD) do Nguyễn Danh Lam (Thanh Hóa) đứng tên làm giám đốc và là người đại diện pháp luật. Công ty có vốn điều lệ đăng ký 2 tỷ đồng với các ngành nghề gồm: mua bán vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất, thiết bị điện...
Mặc dù ngành nghề kinh doanh đã đăng ký rõ ràng như vậy nhưng sau khi thành lập, Công ty Lâm Đạt không hề hoạt động kinh doanh nào liên quan các ngành nghề trên. Điều bất thường nữa là mặc dù không hoạt động kinh doanh, nhưng công ty này vẫn có người đến Cục Thuế TP Hồ Chí Minh mua 58 quyển hóa đơn GTGT (2.900 số), sau đó xuất bán ra 2.855 số cho 1.031 đơn vị, cá nhân ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh. Hành vi làm ăn gian trá của Công ty Lâm Đạt đã bị cơ quan quản lý phát hiện.
Trường hợp khác, chủ DN tư nhân Hạnh Nguyễn (Hà Nội) đã bán hơn 200 hóa đơn GTGT, ghi khống nội dung bán các loại hoa quả, thuốc lá, máy điều hòa với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng.
Thực tế này cho thấy, các công ty mua bán hóa đơn có dấu hiệu xuất hiện trở lại rồi lại cùng lúc biến mất một cách bí ẩn với hàng nghìn hóa đơn giá trị gia tăng có tổng số tiền ghi khống lên tới hàng nghìn tỷ. Mỗi đường dây được phân thành nhiều nhóm. Trong đó, có nhóm chuyên đứng ra tổ chức hoặc thuê người thành lập DN ảo, nhóm khác đảm nhận việc tìm kiếm địa bàn, đầu mối để tiêu thụ hóa đơn; cung cấp hóa đơn cho các DN có nhu cầu hợp thức hóa nguồn gốc hàng trôi nổi trên thị trường, hàng hóa nhập lậu. Sau đó các bên chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm rồi ghi khống.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương có lao động nước ngoài làm việc, đã xuất hiện DN "ma” được thành lập dưới danh nghĩa công ty TNHH, công ty cổ phần chỉ với mục đích làm dịch vụ kiếm lời từ xin thị thực dài hạn, thẻ tạm trú… cho người nước ngoài. Nhiều bộ đã đề nghị Quốc hội cần ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trên cơ sở kế thừa những pháp lệnh đang phát huy tốt; tiếp thu, bổ sung những vấn đề thực tế đang đòi hỏi.
Những DN “ma” này có hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, trong đó thể hiện ở 2 khía cạnh chủ yếu. Một mặt, nó gây thất thu cho ngân sách nhà nước một số tiền không nhỏ. Mặt khác, nó gây ảnh hưởng đến môi trường bình đẳng giữa các DN.
Về nguyên nhân, theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, chủ trương của Nhà nước là “tiền đăng hậu kiểm”, nhưng do khâu hậu kiểm chưa thực sự hiệu quả nên mới xuất hiện tình trạng nhiều pháp nhân được thành lập với mục đích lừa đảo. Đơn cử như về vấn đề hóa đơn, trước đây là mua hóa đơn và nay là tự in hóa đơn thì đều có quy trình chặt chẽ như là xác nhận trụ sở, ngành nghề kinh doanh, vốn, điều hành quản lý…, sau đó cơ quan thuế kiểm tra hàng tháng thông qua lập, nộp báo cáo tài chính. Nhưng thực tế là cơ quan quản thuế rất ít khi kiểm tra tính xác thực của các hợp đồng mua bán có xuất hóa đơn. Tình trạng có những pháp nhân “ma”, được thành lập với mục đích thực hiện hành vi lừa đảo còn xuất phát từ ý thức chủ quan của những bên có quan hệ với những pháp nhân này. Chẳng hạn như với ngân hàng, lẽ ra phải thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra DN thành lập từ bao giờ, vốn thực tế ra sao, hoạt động kinh doanh thế nào rồi mới quyết định cho vay, nhưng thực tế, vẫn có những ngân hàng “nhắm mắt cho vay” tiền tỷ đối với DN mới thành lập được 3 ngày.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến cáo: Có thể nhận diện DN “ma” qua những dấu hiệu: DN “ma” lựa chọn thường dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc DN tư nhân; DN này thường đăng ký rất nhiều ngành nghề, nhưng tập trung chủ yếu vào thương mại, dịch vụ tổng hợp, không trực tiếp sản xuất hàng hóa, những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định, không phải bắt buộc có chứng chỉ hành nghề để dễ dàng trốn tránh sự kiểm tra hoặc dễ dàng bỏ trốn; chủ DN thường ở địa phương khác đến đăng ký thành lập DN và các DN này thường di chuyển địa điểm nhằm tránh kiểm tra hoặc dễ bỏ trốn. Hoặc giám đốc điều hành thường được thuê tại địa phương, trình độ rất thấp, có người làm xe ôm, thất nghiệp, thậm chí có người còn có tiền án, tiền sự…
Một số công ty dịch vụ tư vấn đưa ra giá từ 2,3 - 2,4 triệu đồng để “bao” trọn gói từ việc đăng ký cho đến khi được cấp Giấy phép ĐKKD của Sở Kế hoạch - Đầu tư. Theo đó, người đứng tên thành lập DN chỉ cần đưa giấy CMND sao y công chứng cho phía dịch vụ và cùng đi nộp hồ sơ. Nếu người đứng tên thành lập DN bận không đi được, có thể “ủy quyền” cho phía dịch vụ làm. Sau 14 ngày nộp hồ sơ, bên nhận làm dịch vụ sẽ giao Giấy chứng nhậnĐKKD do Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp cho người thuê thành lập DN.
Nguyễn Hải
công thương
|