Doanh nghiệp Thái ráo riết đi thâu tóm
Hồi tháng 2.2013, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi tập đoàn đầu tư TCC Group của ông đã mua lại công ty nước giải khát Fraser & Neave (Singapore) với giá 11,2 tỉ USD.
Charoen là một trong số những tỉ phú Thái Lan rất năng nổ trên thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) từ đầu năm đến nay. Người đàn ông giàu nhất Thái Lan, Dhanin Chearavanont, ông chủ của Tập đoàn C.P, cũng là gương mặt nổi cộm trong các hoạt động M&A gần đây. Hồi tháng 2, CP All, công ty bán lẻ và chăn nuôi gia cầm của ông, đã đồng ý trả 6,6 tỉ USD để mua lại chuỗi bán lẻ trong nước Siam Makro. Trước đó Dhanin đã bỏ ra 9,4 tỉ USD mua lại 16% cổ phần của công ty bảo hiểm Trung Quốc Ping An Insurance.
“Một vài trong số những ông trùm này là những doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực”, Eka Nirapathpongporn, Giám đốc Điều hành tại Hồng Kông thuộc Công ty Quản lý Tài sản Lazard, nhận xét.
Giá trị thương vụ M&A do Thái Lan thực hiện đang tăng nhanh
|
Những thương vụ thâu tóm hàng tỉ USD của các ông trùm đầy tham vọng này đã đưa Thái Lan, từ chỗ khá im hơi lặng tiếng, trở thành một thế lực mạnh mẽ trong hoạt động M&A tại châu Á.
Thật ra, xu hướng các doanh nghiệp Thái Lan đi thâu tóm ở bên ngoài không phải là mới. Năm 2012, tập đoàn sản xuất và khai thác dầu mỏ Thái Lan PTT đã gây tiếng vang lớn khi thắng Tập đoàn Royal Dutch Shell trong thương vụ giành quyền kiểm soát công ty khai thác dầu mỏ ở Anh Cove Energy PLC, vốn có cơ sở hoạt động tập trung ở Mozambique.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm nay, Thái Lan đã vụt sáng trên bầu trời M&A, trở thành người dẫn đầu. Theo số liệu của Dealogic, trong số các quốc gia Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia tích cực nhất trong hoạt động M&A. Giá trị thương vụ M&A do các doanh nghiệp Thái Lan thực hiện kể từ đầu năm đến nay đã đạt tới 14,7 tỉ USD, cao hơn 66% so với Malaysia, quốc gia đứng thứ hai trong khu vực. Đây là một bước nhảy vọt so với vị trí thứ 6 cách đây 1 năm của Thái Lan.
Yungdyong Thantiviramanon, một đối tác thâm niên tại hãng tư vấn doanh nghiệp Baker Tilly Thailand, thuộc Baker Tilly International, cho rằng các tập đoàn Thái Lan như Siam Cement và PTT đang nắm nhiều tiền mặt trong tay và vì thế họ ở vị thế tốt hơn để thực hiện các thương vụ M&A ở nước ngoài.
Các thương vụ có sự góp mặt của các công ty Thái Lan đã tăng rất nhanh đến nỗi Thái Lan giờ đã đứng hàng thứ tư ở châu Á, ngoại trừ Nhật, theo Dealogic. Hiện nay Thái Lan chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Các thương vụ thâu tóm do các doanh nghiệp Thái thực hiện đã tạo nên sự sôi động trên thị trường M&A trong những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, sự sôi nổi này còn có sự đóng góp của các công ty nước ngoài đến từ những quốc gia phát triển. Những công ty này đang tìm kiếm các thị trường có mức tăng trưởng cao để bù đắp cho sự ảm đạm ở nền kinh tế nước họ. Và trong mắt họ, Thái Lan được xem là một điểm đến hấp dẫn.
Nền kinh tế Thái Lan đang được xếp hệ số tín nhiệm ở mức “đầu tư”. Và theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, nước này có thể đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 4,2% trong năm nay.
Mặc dù kinh tế Thái Lan không thể tránh khỏi bị vạ lây bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng sức hút của nước này vẫn lớn nhờ vào thị trường tiêu dùng mạnh và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh. Có thể thấy, dù đà tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đã bắt đầu tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và ngành công nghiệp của Thái Lan, nhưng tầng lớp trung lưu đang đóng vai trò là lực đỡ cho ngành dịch vụ tài chính ở nước này. Tăng trưởng của ngành dịch vụ tài chính Thái Lan khiến cho ngành này bắt đầu trở nên hấp dẫn trong mắt của các tổ chức cho vay Nhật.
Hồi đầu tháng 7, Mitsubishi UFJ Financial Group, ngân hàng lớn nhất nước Nhật về giá trị tài sản, cho biết sẽ mua 75% cổ phần của tổ chức cho vay lớn thứ năm Thái Lan là ngân hàng Ayudhya với giá 5,6 tỉ USD. Công ty bảo hiểm Nhật Meiji Yasuda Life Insurance Co. hồi cuối tháng 7 cũng đã đồng ý trả 700 triệu USD để mua lại 15% cổ phần trong công ty bảo hiểm Thái Lan là Thai Life Insurance Co.
Một nguyên nhân lớn khác làm gia tăng sức hấp dẫn cho Thái Lan (và các nước Đông Nam Á khác), là việc khu vực đang tiến tới thành lập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN vào năm 2015. Việc hình thành một khu vực thương mại tự do ASEAN với khoảng 600 triệu dân sẽ tạo ra một thị trường rộng lớn hơn cho các doanh nghiệp trong khu vực.
“Khi nhìn vào Đông Nam Á như một khu vực chung thống nhất thì đó là một thị trường ổn định hơn rất nhiều so với hầu hết các thị trường mới nổi trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Và các cơ hội tăng trưởng tại đây sẽ rất hấp dẫn”, Harsha Basnayake, một đối tác tại Ernst & Young Partner phụ trách các dịch vụ tư vấn giao dịch ở Đông Nam Á, nhận xét.
Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp Thái Lan mở rộng thị trường trong ASEAN qua con đường M&A, cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào Thái Lan, được đánh giá là “một thị trường mở” theo Kroll Advisory Solutions, một công ty chuyên về M&A.
Geoff Barnes, Tổng Giám đốc Baker Tilly International, cho rằng với việc ASEAN đang tiến tới thành lập Cộng đồng Kinh tế chung vào năm 2015, các thương vụ M&A sẽ càng tăng lên nhờ sự tự do giao thương giữa các nước cả về hàng hóa, dịch vụ lẫn nguồn nhân lực.
Riêng đối với doanh nghiệp Thái Lan, một số thị trường mới nổi trong khu vực có thể sẽ có tiềm năng tăng trưởng thậm chí còn lớn hơn so với Thái Lan và những thị trường này sẽ là đích ngắm M&A của họ. Ông Eka, thuộc Lazard, nhận xét: “Thái Lan tiếp tục tăng trưởng vững chắc nhưng Việt Nam và Myanmar vẫn là những cơ hội đáng chú ý không thể bỏ qua”. “Với việc các nước trong khu vực này đang tăng trưởng khá tốt, hoàn toàn hiểu được vì sao các công ty Thái Lan lại có mặt khắp khu vực này”, ông nói thêm.
Đàm Hoa (Theo WSJ và BangkokPost)
nhịp cầu đầu tư
|