Thứ Năm, 11/07/2013 17:20

Nhiều NHTW đã công bố thay đổi lãi suất cơ bản

Trong số 5 ngân hàng trung ương đã ra thông báo chính sách trong hai ngày 10-11/07, NHTW 2 nước Brazil và Indonesia nâng lãi suất trong khi NHTW của 3 quốc gia còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan giữ nguyên. Theo dự kiến, NHTW Malaysia cũng công bố lãi suất trong ngày thứ Năm.

* Ben Bernanke: Fed không vội nâng lãi suất ngắn hạn

* Một nửa quan chức Fed kỳ vọng QE3 kết thúc cuối năm nay

* NHTW châu Á trở thành tâm điểm chú ý trong tuần

Brazil và Indonesia cùng nâng lãi suất thêm 0.5%

Vào cuối ngày thứ Tư (10/07), NHTW Brazil nâng lãi suất cơ bản (Selic) từ 8% lên 8.5%, đánh dấu lần thứ ba liên tiếp nâng lãi suất thêm 0.5%. Quyết định này khớp với dự báo của tất cả 51 nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Bloomberg và có mục đích ngăn chặn không cho lạm phát cao tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Được biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tại Brazil tăng 6.7% so cùng kỳ năm ngoái, vượt cả mục tiêu cao nhất của NHTW Brazil là 6.5%.

Đồng thời, hội đồng chính sách của Chủ tịch Alexandre Tombini còn phát tín hiệu có thể nâng lãi suất trong 3 cuộc họp chính sách còn lại của năm nay nhằm chống chọi với lạm phát.

Vào ngày thứ Năm (11/07), NHTW Indonesia (Bank Indonesia) nâng lãi suất mạnh hơn dự báo nhằm khôi phục giá trị của đồng nội tệ và xoa dịu áp lực lạm phát sau khi Chính phủ nâng giá nhiên liệu trong tháng trước.

Thống đốc Bank Indonesia, Agus Martowardojo, cho biết NHTW đã nâng lãi suất tham chiếu thêm 0.5% lên 6.5%, khớp với dự báo của 3/19 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Bloomberg trong khi đa số các nhà kinh tế còn lại đều kỳ vọng lãi suất tăng 0.25%. Bên cạnh đó, Bank Indonesia cũng nâng lãi suất huy động từ 4.25% lên 4.75%.

Tháng 6 vừa qua, Indonesia đã trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên của châu Á nâng lãi suất trong năm 2013 giữa bối cảnh các nhà làm chính sách tìm cách vực dậy đồng ringgit, đồng tiền rớt giá mạnh nhất châu Á trong 12 tháng qua, và hạ thấp kỳ vọng lạm phát.

Như vậy, Brazil và Indonesia là 2 trong số 3 nền kinh tế lớn trong danh sách 50 nền kinh tế mà Bloomberg theo dõi nâng lãi suất trong năm nay. Lạm phát vượt mục tiêu tại các nền kinh tế này đã khiến các gói kích thích của Chính phủ không còn hiệu quả khi tăng trưởng doanh số bán lẻ suy yếu.

Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cùng giữ nguyên chính sách tiền tệ

Trong lúc các ngân hàng trung ương khác đang đứng trước sức ép thu hồi chương trình kích thích, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch tham vọng của mình trong tương lai gần nhằm đẩy lùi tình trạng giảm phát kéo dài 15 qua.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda - Nguồn: CNN Money

Hiện NHTW của Thống đốc Haruhiko Kuroda đang mở rộng bảng cân đối kế toán bằng cách mua vào nợ dài hạn và các chứng khoán như ETF với quy mô 60 – 70 ngàn tỷ JPY/năm nhằm gia tăng gấp đôi cơ sở tiền tệ trong vòng hai năm tới. BoJ cũng kết hợp các chương trình mua tài sản và hoãn áp dụng quy định cấm mua nợ dài hạn.

Các thị trường đã phản ứng trước biện pháp kích thích của BoJ với việc đồng JPY sụt giảm mạnh so đồng USD và Nikkei 225 tăng vọt lên mức cao nhất trong 5 năm cũng như phá vỡ ngưỡng 15,000 điểm.

Kèm với quyết định giữ nguyên các biện pháp kích thích trong ngày thứ Năm, BoJ cũng hạ nhẹ dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lạm phát. Theo đó, tăng trưởng trong năm tài khóa kết thúc tháng 3/2014 được dự báo đạt 2.8%, thấp hơn mức ước tính đưa ra hồi tháng 4 là 2.9% và tăng trưởng năm tới kỳ vọng đạt 1.3%, cũng thấp hơn so mức ước tính trước đó là 1.4%.

BoJ giữ nguyên mục tiêu đạt được tỷ lệ lạm phát 2% vào tháng 3/2016. Ngân hàng này hạ dự báo lạm phát năm tài khóa 2014 từ 0.7% xuống 0.6% và năm tài khóa 2015 từ 1.4% xuống 1.3%.

Cùng ngày thứ Năm, NHTW Hàn Quốc (BoK) quyết định giữ nguyên lãi suất và nâng dự báo tăng trưởng kinh tế 2014 lên mức cao nhất kể từ khi nền kinh tế thoát khỏi suy thoái vào năm 2010.

Theo đó, Thống đốc Kim Choong Soo và Hội đồng chính sách đã giữ nguyên lãi suất repo 7 ngày ở mức 2.5%, khớp với dự báo của 18 nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg và đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp lãi suất không đổi. BoK dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 sẽ tăng 4%, cao hơn so mức ước tính 3.8% công bố trong tháng 4. BoK cũng nâng dự báo GDP 2013 từ 2.6% lên 2.8%. Thống đốc Kim Choong Soo cho biết, biện pháp kích thích thông qua việc giữ nguyên lãi suất và gói ngân sách bổ sung trị giá 17.3 ngàn tỷ won (tương ứng 15.4 tỷ USD) đã giúp triển vọng kinh tế tươi sáng.

Theo ông Kim, việc rút lại chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ và sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đã gia tăng rủi ro đối với đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Ông cho biết BoK sẽ sử dụng các công cụ chính sách thích hợp để đảm bảo sự ổn định trên các thị trường tài chính nếu cần thiết.

Hôm qua (10/07), Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) cũng quyết định không đổi lãi suất tại cuộc họp ngày thứ Năm do việc đồng baht rút khỏi mức cao nhất trong 16 năm đã hạ thấp sức ép nới lỏng chính sách hơn nữa.

BoT duy trì lãi suất repo trái phiếu một ngày ở mức 2.5%, khớp với dự báo của 18 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Bloomberg. Chỉ một nhà kinh tế dự báo BoT hạ lãi suất bớt 2.25%.

Phước Phạm (Theo Bloomberg)

Infonet

Các tin tức khác

>   Trung Quốc ngăn chặn vỡ tín dụng (11/07/2013)

>   Đồng USD nhận hỗ trợ từ tín hiệu phục hồi của kinh tế Mỹ (11/07/2013)

>   IMF: Tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á sẽ chậm lại (11/07/2013)

>   Ben Bernanke: Fed không vội nâng lãi suất ngắn hạn (11/07/2013)

>   Một nửa quan chức Fed kỳ vọng QE3 kết thúc cuối năm nay (11/07/2013)

>   Hàng nghìn người vây ngân hàng mong vay lãi suất 0% (11/07/2013)

>   Moody's nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Anh (10/07/2013)

>   IMF “điểm mặt” 3 rủi ro mới đối với kinh tế toàn cầu (10/07/2013)

>   Châu Âu: Không kiệm chi cũng không kích được kinh tế (10/07/2013)

>   Trung Quốc: GDP quý 2 dự kiến tăng trưởng 7,5% (10/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật