Thứ Tư, 10/07/2013 15:15

Châu Âu: Không kiệm chi cũng không kích được kinh tế

Châu Âu cần 3 thứ: thay đổi cơ cấu để tăng GDP tiềm năng, kích thích ngắn hạn để tăng việc làm và giảm chi tiêu dài hạn để thu hẹp nợ quốc gia.

Trong khi một số nước thuộc khu vực đồng euro (eurozone) đang có hướng từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng với hy vọng sẽ mang lại tăng trưởng và việc làm, lại có một luồng ý kiến cho rằng, đó là hướng đi sai lầm. Martin Feldstein, cựu Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh tế châu Âu, giáo sư kinh tế của Đại học Harvard, là một trong những người có quan điểm như vậy.

Bồ Đào Nha là trường hợp mới nhất bước chân lên “con đường rủi ro” mà Feldstein mô tả. Trong khi đó, Ý, Tây Ban Nha và thậm chí Pháp đang lên kế hoạch kết thúc chính sách cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.

Theo Feldstein, việc từ bỏ những kỷ luật tài khóa này phản ánh một tổ hợp các nhân tố, bao gồm: áp lực chính trị, sự lắng dịu trở lại của các thị trường trái phiếu và khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhưng chấm dứt thắt chặt tài khóa không phải là một chiến lược có thể mang lại tăng trưởng. Nó sẽ hạ được áp lực phải “bóp mồm bóp miệng”, nhưng không nâng được tăng trưởng và việc làm. Thay vào đó, nó sẽ làm tăng lãi suất và đe dọa một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Feldstein cho rằng, châu Âu cần 3 thứ: thay đổi cơ cấu để tăng GDP tiềm năng, kích thích ngắn hạn để tăng việc làm và cam kết giảm chi tiêu dài hạn để thu hẹp nợ quốc gia.

Trên thực tế, áp lực chính trị đối với việc từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng đang lan rộng ở khu vực đồng euro. Người Ý đã yêu cầu dỡ bỏ các mức thuế suất cao và chính sách cắt giảm lương hưu được áp dụng bởi chính phủ của ông Monti. Ở Pháp, Tổng thống François Hollande đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cử bằng lời hứa sẽ kết thúc chính sách khắc khổ và gần đây đã từ chối yêu cầu của Ủy ban châu Âu về một số biện pháp cắt giảm ngân sách. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã phản ứng với các cuộc biểu tình bằng việc thương lượng với Brussels để trì hoãn các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách.

Lợi suất cao của các trái phiếu công, yếu tố đã tạo áp lực lên các chính phủ trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách, đã giảm mạnh với tuyên bố trong tháng 8 năm ngoái của ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc sẵn sàng mua trái phiếu chính phủ của các nước trong eurozone. Áp lực đó càng giảm nhiều hơn khi các quan chức của IMF khuyến nghị, các nước không nên thắt chặt ngân sách nữa.

Nhưng việc tăng mức thâm hụt ngân sách hiện tại và dự báo cao hơn trong tương lai đã khiến lãi suất dài hạn tăng lên ở tất cả các nước này.

Theo giáo sư Feldstein, mức tăng tương đối nhẹ của lãi suất trái phiếu gần đây cho thấy, các thị trường đã quên mất điều kiện trong lời hứa của ông Draghi. Đó là, ECB chỉ sẵn sàng giới hạn lãi suất trái phiếu ở mỗi nước ngoại vi khi các nước này có một chương trình tài khóa được chấp thuận. Với những nước đang từ bỏ chính sách tài khóa lành mạnh, ECB sẽ không còn cam kết hành động và sẽ không dại gì mà làm như vậy.

Lãi suất đang tăng lên có thể lôi trở lại khủng hoảng tài chính cùng với vòng xoáy: nợ công tăng -> lãi suất tăng -> nợ công tăng. Điều đó làm hồi sinh rủi ro là một số nước sẽ không thể đi vay được và có thể buộc phải rời khỏi khối đồng tiền chung. Nếu ECB cố gắng ngăn chặn điều đó mà không đi kèm với các kỷ luật tài khóa thì hậu quả sẽ là lạm phát leo thang.

Để không rơi vào tình cảnh như vậy, Feldstein cho rằng, các chính phủ phải đồng thời giảm mức thâm hụt ngân sách dài hạn và kích thích tài khóa ngắn hạn. Giảm tốc độ tăng lương hưu và các phúc lợi xã hội khác sẽ giúp giảm nợ tương lai và ngăn lãi suất tăng trước mắt. Để làm điều này mà vẫn nhận được sự đồng thuận về mặt chính trị, các chính phủ nên kết hợp chúng với một chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Việc này không chỉ thúc đẩy GDP hiện tại, mà còn làm tăng năng lực sản xuất dài hạn và thu nhập thực tế. Trong khi đó, việc giãn các chương trình tăng trợ cấp xã hội cũng sẽ cho phép hạ thấp thuế lương, giảm chi phí lao động và tăng việc làm. Chi phí lao động thấp hơn sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm châu Âu trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, giá trị đồng euro thấp hơn có thể tạo ra một sự kích thích đối với nền kinh tế, giúp tăng việc làm và giảm thâm hụt tài khóa trong ngắn hạn. Mặc dù đồng euro rẻ hơn không làm thay đổi tỷ giá bên trong khu vực đồng euro, nhưng sẽ kích thích các nền kinh tế nội khối xuất khẩu sang các nước ngoại vi, vốn chiếm một nửa kim ngạch giao thương giữa hai bên.

“Các chính sách cho phép thâm hụt ngân sách tăng là một sai lầm. Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nên thay thế chúng bằng việc giảm nợ dài hạn kết hợp với kích thích tài khóa ngắn hạn. Cùng với việc giãn tiến độ tăng lương hưu và các phúc lợi khác, điều này sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất và thâm hụt thấp hơn cùng thuế lương ít hơn sẽ có lợi cho tất cả các nước châu Âu. Khu vực đồng euro cần thông qua những chính sách như vậy”, Feldstein khuyến nghị.

Quang Huy

Đầu Tư Chứng khoán

Các tin tức khác

>   Trung Quốc: GDP quý 2 dự kiến tăng trưởng 7,5% (10/07/2013)

>   Dầu vượt 104 USD/thùng sau số liệu bất ngờ từ API (10/07/2013)

>   Vàng tăng 11 USD trong phiên leo dốc thứ hai liên tiếp (10/07/2013)

>   Ý bị hạ xếp hạng tín nhiệm, triển vọng tiêu cực (10/07/2013)

>   ‘Lời tự thú' của ông chủ tín dụng đen Trung Quốc (10/07/2013)

>   IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới (10/07/2013)

>   EU chính thức đưa vấn đề tranh cãi với Nga ra WTO (09/07/2013)

>   Chỉ số phát triển kinh tế tại thị trường mới nổi tiếp tục giảm (09/07/2013)

>   Lạm phát của Trung Quốc tăng 2,7% trong tháng Sáu (09/07/2013)

>   Bắc Kinh cắt giảm tín dụng để tái cân bằng kinh tế (09/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật