Diễn biến tỷ giá các đồng tiền trên thị trường quốc tế tuần từ 01/7-05/7/2013:
Đồng USD nhận hỗ trợ từ tín hiệu phục hồi của kinh tế Mỹ
Trong tuần 01/07 đến 05/07, đồng USD nhận được hỗ trợ từ tín hiệu phục hồi của kinh tế Mỹ, trong khi các đồng EURO, JPY lại có xu hướng giảm so với USD.
Đồng USD được hỗ trợ nhờ những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm rõ rệt với chỉ số Standard & Poor’s 500 hồi phục nhờ các báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất trên thế giới, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ đã có tiến triển trong tháng 6. Ngày 1/7, Viện Quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cho biết: Chỉ số sản xuất tháng 6 tăng từ 49 điểm lên 50,9 điểm, cao hơn dự báo của các chuyên gia.
Tiếp đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết chi tiêu xây dựng trong tháng 5 tăng 0,5%. Một trong những thông tin được mong đợi nhất trong tuần qua là số liệu về thị trường lao động, ngày 5/7 Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 6, kinh tế Mỹ tạo ra được 195.000 việc làm, tăng tháng thứ 2 lên tiếp. Con số này cao hơn dự báo 165.000 việc làm của các chuyên gia và cao hơn 165.000 việc làm của tháng 5.
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ 7,6% trong khi thu nhập theo giờ lên cao nhất kể từ tháng 7/2011. Số việc làm mới tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở 7,6% có thể là căn cứ để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm dần kích thích kinh tế, giảm dần chương trình nới lỏng định lượng mua 85 tỷ USD trái phiếu chính phủ mỗi tháng. Thị trường việc làm có tiến triển và thị trường nhà đất hồi phục làm tăng kỳ vọng nền kinh tế Mỹ lấy lại được đà tăng trưởng.
Nhìn chung, bức tranh nền kinh tế Mỹ đã có nhiều điểm sáng, tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại tháng 5 của nước này tăng 12,1% lên 45 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 11/2012 và vượt dự báo của các chuyên gia.
Tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu, đồng euro giảm xuống thấp nhất 5 tuần so với USD sau phát biểu của Chủ tịch ECB về rủi ro với triển vọng tăng trưởng khu vực đồng euro và lãi suất có thể thấp hơn.
Suy thoái kinh tế khiến tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này ở mức cao kỷ lục. Cụ thể, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên minh Châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 của eurozone tăng lên 12,1%, so với số liệu đã điều chỉnh của tháng 4 là 12%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ là 23,8%. Số người thất nghiệp tại khu vực này tăng 67.000 người so với tháng trước lên 19,2 triệu người. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã giữ nguyên lãi suất thấp kỷ lục của mình (0,5%) trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng cao, đúng như dự báo của đa số các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg.
Tại Châu Á, cùng xu hướng với đồng EUR, đồng JPY có xu hướng giảm giá mạnh so với đồng USD do tác động bởi nhiều thông tin từ nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, chỉ số Tankan cho thấy lần đầu tiên trong vòng 7 quý, các nhà sản xuất lớn có nhận định tích cực về nền kinh tế Nhật Bản. Chỉ số này tăng từ mức -8 điểm của tháng 3 lên 4 điểm trong tháng 6.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 2/7 cho biết lượng tiền cơ sở của Nhật Bản trong tháng 6/2013 tăng 36% so với năm trước lên mức 163.540 tỷ yên, đánh dấu mức cao kỷ lục trong tháng thứ tư liên tiếp trong bối cảnh ngân hàng trung ương tiếp tục bơm tiền vào hệ thống tài chính theo chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ của Chính phủ Nhật Bản.
Tại thị trường trong nước, trong tuần qua, tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng ở mức 21.036 đồng/USD, tăng 1% với tuần trước. Các NHTM niêm yết tỷ giá giao dịch quanh mức 21.220-21.246 đồng/USD, tăng khoảng 200 đ/USD so với cuối tuần trước.
Tại thời điểm cuối tuần, giá vàng quốc tế ở quanh mức 1.223,31 USD/oz. Giá vàng SJC trong nước cuối tuần ở mức 3.725/3.772 nghìn đồng/chỉ.
SBV
|