Thứ Ba, 23/07/2013 09:09

Ngành thép điêu đứng vì dự án "ngoài vùng phủ sóng"

Ngành thép đang gặp rất nhiều khó khăn sau giai đoạn phát triển ồ ạt, không bền vững, nhiều dự án nằm ngoài quy hoạch.

Cung vượt xa cầu

Chưa có con số cụ thể về doanh số kinh doanh 6 tháng đầu năm, song ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt (Công ty mẹ hiện nắm giữ 61,7% cổ phần của Công ty cổ phần Thép Pomina - POM) than thở rằng, tình hình kinh doanh chưa có dấu hiệu khởi sắc, lượng thép tiêu thụ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp khác trong ngành cũng đang lo lắng bởi thị trường thép tiếp tục ế ẩm trong mùa tiêu thụ thấp điểm của tháng 6/2013.

Bộ Công thương nhận định, thị trường thép trong nước quý III/2013 sẽ còn tiếp tục suy yếu, do nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng giảm trong mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại SMC cho hay, bên cạnh những khó khăn chung, ngành thép đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất, bắt đầu từ thép xây dựng, sau đó lây sang các loại thép ống, tôn mạ kim loại phủ màu và cả thép cuộn cán nguội và phôi thép.

Kết quả là, các doanh nghiệp cả trong sản xuất lẫn thương mại phải cạnh tranh gay gắt lẫn nhau, đua nhau bán hàng hạ giá.

Mặc dù công suất dư thừa, nhưng theo thống kê của Bộ Công thương, trong năm nay sẽ có thêm 5 nhà máy thép với tổng công suất 1,5 triệu tấn/năm đi vào hoạt động, nâng tổng công suất thép xây dựng của cả nước lên 11 triệu tấn/năm - gấp đôi mức tiêu thụ của thị trường (khoảng 5,5 triệu tấn).

Như vậy, cung đang vượt quá xa cầu, khiến áp lực cạnh tranh tiếp tục đè nặng hơn lên các doanh nghiệp thép, thậm chí sẽ có những doanh nghiệp phải chia tay cuộc chơi đầy khốc liệt này.

Những khó khăn trên chưa có cách nào giải quyết, thì các doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục khốn đốn với thép nhập khẩu, đặc biệt khi lượng thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh.

Theo phản ánh của ông Thái cũng như các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), gần đây, nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu thép phi 6, phi 8 có chứa nguyên tố hợp kim vi lượng (Bo) của Trung Quốc được hưởng thuế suất 0% với số lượng lớn. Lượng thép này được nhập khẩu về chủ yếu làm thép xây dựng thông qua Hải quan TP.HCM.

Theo tính toán của ông Thái, bình quân mỗi năm, Việt Nam chỉ sản xuất được vài ngàn tấn sản phẩm Bo (còn được dùng làm nguyên liệu để sản xuất que hàn), trong khi lượng nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 300.000 tấn/năm, với mức thuế nhập khẩu 0%, nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thép của Việt Nam.

Đặc biệt, sản phẩm thép cán nguội được nhập từ Trung Quốc có giá rẻ hơn trong nước 20 - 30 USD/tấn đang thâm nhập mạnh vào thị trường, khiến doanh nghiệp thuộc VNSteel chỉ còn “cửa” tiêu thụ nội bộ.

“Thời gian qua, thép Trung Quốc đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ phân khúc thị trường thép tại các vùng sâu, vùng xa, những công trình nhỏ và vừa, ảnh hưởng lớn đến lượng tiêu thụ chung của toàn ngành thép xây dựng”, ông Thái nói và cho biết thêm, tại các nước trong khu vực, khi thị trường thép gặp khó khăn, họ đều có chính sách bảo vệ hàng sản xuất trong nước bằng các hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu.

Vậy nên, theo ông Thái, đã đến lúc, Nhà nước cần đánh thuế đối với chất Bo nhập khẩu từ Trung Quốc. “Việc này đáng ra phải làm từ đầu năm ngoái, khi sức tiêu thụ thép giảm mạnh. Các nước đều áp dụng chính sách thuế với chất Bo nhập khẩu, nhưng riêng Việt Nam thì không”, ông Thái phân tích.

Chấm dứt cấp phép tràn lan

Thực tế tình trạng thị phần các doanh nghiệp thép trong nước ngày càng bị lấn lướt bởi các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được báo động từ lâu.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, ngành thép đã trải qua thời kỳ phát triển ồ ạt, không bền vững, như lựa chọn quy mô, thiết bị không phù hợp, nhà đầu tư tận dụng tài nguyên để xuất thô.

“VSA đã liên tục cảnh báo việc thừa công suất, nhưng hàng loạt dự án thép, đặc biệt là các dự án nằm ngoài ‘vùng phủ sóng’, vẫn được các địa phương cấp phép tràn lan, khiến ngành thép phát triển không cân đối”, ông Cường nói.

Ông Cường dẫn chứng, năm 2010, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp phép cho một dự án thép xây dựng của Công ty TNHH Posco SS - Vina, với tổng vốn đầu tư 620 triệu USD. Trong khi đó, tỉnh này đã có tới 17 dự án thép, trong đó có 7 dự án nằm ngoài quy hoạch. Đặc biệt, nhà máy trên chỉ sản xuất sản phẩm thép xây dựng thông thường, không có gì mới về công nghệ và thiết bị. Việc này đã góp phần đẩy ngành thép Việt Nam rơi vào tình trạng vừa thừa, vừa thiếu.

Thêm vào đó là việc thành lập các nhà máy khai thác mỏ, nhưng không kinh tế, do chi phí cao, sản phẩm không có đầu ra.

Để khắc phục tình trạng trên, ngoài việc các doanh nghiệp tính toán giá thành sản phẩm hợp lý để tính cạnh tranh, thì vấn đề cũng cần được giải quyết ở góc độ vĩ mô, cụ thể là cần chấm dứt cấp phép tràn lan.

Vũ Anh - Thanh Tân

đầu tư


Các tin tức khác

>   Sẽ dừng nhiều dự án thủy điện ở Tây Nguyên (23/07/2013)

>   Tái cơ cấu Vinashin ra sao? (23/07/2013)

>   Chưa cứu được cá tra, nông dân đã úp ao! (22/07/2013)

>   Nhà máy lọc dầu 27 tỷ USD chuẩn bị mở thầu (22/07/2013)

>   Vinaconex không đưa lợi nhuận dự án Splendora vào kế hoạch năm (22/07/2013)

>   Giấy An Hòa sẽ có đối tác nước ngoài (22/07/2013)

>   Công ty Samsung bán điện thoại vào thị trường: Được hưởng mức thuế nhập khẩu nào? (22/07/2013)

>   Để không còn “đau” sau mỗi lần thanh tra (22/07/2013)

>   Thoái vốn: Không để DN và nhà đầu tư mất cơ hội (22/07/2013)

>   Nguy cơ nhiều doanh nghiệp thép phá sản (22/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật