Thứ Hai, 22/07/2013 14:21

Để không còn “đau” sau mỗi lần thanh tra

Mỗi lần thanh tra, kiểm toán công bố kết quả thanh tra, kiểm toán một tập đoàn, DNNN nào đó, xã hội lại thêm một lần “đau” vì những sai phạm kinh tế.

Mới đây nhất, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra cho thấy công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản từ năm 2006 đến năm 2011 của Tập đoàn Bưu chính-viễn thông (VNPT) và một số đơn vị thành viên còn để xảy ra những khuyết điểm, vi phạm. PGS - TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Thưa ông, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNPT cho thấy, dường như cứ đụng đến là nảy ra sai phạm ở các tập đoàn kinh tế nhà nước?

* PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Sau hàng loạt kết luận thanh tra ở các tập đoàn kinh tế nhà nước từ Vinashin, Vinalines, Dầu khí... giờ đây tiếp tục đến VNPT, và tới đây có thể là các tập đoàn khác (xăng dầu, điện lực...), có thể thấy khiếm khuyết trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản không còn là câu chuyện mới. Đây là câu chuyện cũ rồi. Chẳng hạn, trong kết luận mà Thanh tra Chính phủ mới công bố tại VNPT, thời điểm thanh tra là từ năm 2006 đến năm 2011. Đây là thực tế đã xảy ra từ vài năm trước và Chính phủ đã nhìn thấy thực tế này, từ đó mới cho thanh tra hàng loạt tập đoàn. Chính phủ đã nhìn thấy những khuyết điểm trong công tác quản lý các tập đoàn, DNNN, vì thế Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhận khuyết điểm tại kỳ họp Quốc hội thứ 4.

Trong 2 năm qua, Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều hệ thống văn bản pháp luật nhằm tạo ra một môi trường pháp lý chặt chẽ cho các tập đoàn, DNNN hoạt động hiệu quả, ít sai sót.

Vấn đề giờ đây là đừng để tâm lý đánh đồng tất cả các tập đoàn, DNNN đều là nơi có sai phạm, đừng để xã hội nhìn nhận rằng tất cả các tập đoàn, DNNN đều “xấu” hết. Bởi thực tế, không phải tập đoàn, DNNN nào cũng thất thoát, sai phạm; có những đơn vị đã làm rất tốt vai trò chính trị, trách nhiệm xã hội của mình. Vấn đề là do cơ chế quản lý của chúng ta đã tạo cơ hội cho những khuyết điểm, vi phạm đó.

* Nói vậy có nghĩa là những vi phạm, khuyết điểm đó của các tập đoàn, DNNN tại thời điểm này đã có thể được hạn chế?

* Những năm trước do cơ chế quản lý không rõ ràng, thậm chí chúng ta buông lỏng quản lý nên mới để các tập đoàn, DNNN xảy ra nhiều sai phạm. Đến nay, Chính phủ đã nhận thức được vấn đề, đã ban hành hàng loạt nghị định về quản lý, giám sát các tập đoàn, DNNN. Mới đây nhất là Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo đó, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất khi DNNN đầu tư vốn ra ngoài đơn vị là phải bảo toàn và phát triển vốn. Đây được coi là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng DNNN đầu tư tràn lan, kém hiệu quả gây thất thoát ngân sách như thời gian vừa qua. Với nghị đinh này, chúng ta đã có cơ chế về quản lý vốn, tài sản của nhà nước ở các tập đoàn, DNNN.

Vấn đề quan trọng nhất là làm sao có được môi trường pháp lý rõ ràng để các tập đoàn, DNNN hoạt động một cách hiệu quả. Cùng với đó, đẩy mạnh tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN để hệ thống tinh gọn lại. Các tập đoàn, DNNN cái gì cần giữ lại, cái gì cần cổ phần hóa, phải làm nhanh hơn. Càng gọn lại, quản lý sẽ càng hiệu quả hơn. Trước chúng ta để rộng quá nên quản lý khó khăn, dẫn đến kém hiệu quả.

* Phải chăng khi sai phạm xảy ra ở các tập đoàn, DNNN, trách nhiệm của hội đồng thành viên, tổng giám đốc thường chưa được xử lý một cách nghiêm minh, vì thế không có tác dụng răn đe?

* Để quản lý hiệu quả các tập đoàn, DNNN, phải gắn quyền hạn với trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các tập đoàn, DNNN. Chỉ khi làm được điều đó, mới tạo được sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý các tập đoàn. Tình trạng sai phạm nhưng không chỉ rõ trách nhiệm cá nhân đã diễn ra nhiều rồi, nhất là trong các năm trước. Đó là do chúng ta buông lỏng quản lý, không gắn với trách nhiệm cá nhân nên khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sai phạm, chỉ có nhà nước, xã hội gánh chịu. Điều này đã được Chính phủ, Thủ tướng nhận thấy, đã báo cáo khá đầy đủ trước Quốc hội, nhất là khi để xảy ra các vụ Vinashin, Vinalines.

Đến nay, có thể thấy rõ Chính phủ rất quyết tâm thay đổi điều này. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đừng để xảy ra những sai phạm tương tự trong thời gian tới. Chẳng hạn những sai phạm tại VNPT mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra là thuộc về những năm từ năm 2006 - 2011, giờ phải chấn chỉnh để không xảy ra các vi phạm đó.

* Không để xảy ra nữa những vi phạm tại các tập đoàn, DNNN, đó là điều mà cả xã hội luôn mong muốn. Nhưng theo ông, liệu với những cố gắng của Chính phủ trong thời gian qua, chúng ta đã có đủ môi trường pháp lý cũng như công cụ giám sát để bảo đảm hoạt động của các tập đoàn, DNNN không tiếp tục “đi chệch đường ray”?

* Như tôi đã nói, để ngăn chặn các sai phạm ở các tập đoàn, DNNN, quan trọng nhất là làm rõ được môi trường pháp lý, trách nhiệm cá nhân, tinh gọn hệ thống tập đoàn, DNNN để bảo đảm quản lý rõ ràng, minh bạch, hiệu quả. Khi xảy ra sai phạm, phải xử lý thật nghiêm minh mới có tác dụng răn đe người đi sau.

Chúng ta đều hiểu, sai phạm ở các tập đoàn, DNNN gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế. Chúng ta cứ nói nợ công vẫn nằm trong phạm vi cho phép, nhưng nợ công bao gồm cả nợ của tập đoàn, DNNN thì lớn hơn nhiều, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khối nợ xấu khổng lồ hiện nay mà cả nền kinh tế đang phải gánh chịu. Vì thế, với những cố gắng của Chính phủ thời gian qua trong việc thay đổi cách quản lý, bước đầu chúng ta đã có cơ chế để thanh tra, giám sát, quản lý các tập đoàn, DNNN. Tôi chưa dám nói đã đủ môi trường pháp lý cũng như công cụ giám sát hay chưa, nhưng có thể hy vọng vào hiệu quả trong thời gian tới.

Ví dụ, với Nghị định 99/2012/ NĐ-CP, quyền hạn và trách nhiệm kiểm tra, giám sát đã được giao, điều này đồng nghĩa những việc xảy ra ở tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trước hết trực tiếp hội đồng thành viên, tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, bộ quản lý ngành, địa phương là cấp trên của chủ sở hữu trực tiếp phải chịu trách nhiệm, phải trả lời…

Một điều cần nhấn mạnh là phải công khai, minh bạch những hoạt động của các tập đoàn, DNNN. Tăng cường cơ chế giám sát đối với họ. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra cơ chế để cả xã hội, nhân dân, Quốc hội cùng giám sát hoạt động của các tập đoàn, DNNN, như thế sẽ tránh được chuyện cứ mỗi lần thanh tra, kiểm toán “động” đến các đơn vị này lại một lần xã hội thấy “đau” vì những sai phạm, thất thoát họ gây ra.

Lâm Nguyên

sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Thoái vốn: Không để DN và nhà đầu tư mất cơ hội (22/07/2013)

>   Nguy cơ nhiều doanh nghiệp thép phá sản (22/07/2013)

>   Ngành gỗ tăng trưởng trong nỗi lo (22/07/2013)

>   Đại gia Việt nào đang sở hữu Hilton Opera? (22/07/2013)

>   Sẽ cho phá sản Vinashinlines (22/07/2013)

>   "Gà con" Beeline không dễ thành “gà chọi” Gmobile (22/07/2013)

>   SamsungVina ra đi như Sony hay ở lại như LG (22/07/2013)

>   Vì sao doanh nghiệp Nhà nước vẫn khó thoái vốn? (22/07/2013)

>   Không “hồi tố” ưu đãi đầu tư cho Robert Bosch Việt Nam (22/07/2013)

>   Nửa đầu tháng 7, xuất siêu 85 triệu USD (21/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật