Thứ Hai, 22/07/2013 09:55

SamsungVina ra đi như Sony hay ở lại như LG

“Thành trì” vững chãi trong số các liên doanh điện tử đình đám ở Việt Nam - SamsungVina - cuối cùng cũng kết thúc mối lương duyên với đối tác nội TIE, để trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Nhưng họ sẽ ra đi như Sony, hay ở lại như LG?

Thông tin mới nhất, vào ngày làm việc cuối cùng của tuần trước, Samsung Electronics (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần TIE (Việt Nam) đã ký hợp đồng mua - bán phần vốn góp của TIE, tương đương 20% vốn điều lệ, tại Công ty TNHH Điện tử SamsungVina. Với hợp đồng này, mối lương duyên tốt đẹp giữa Samsung và TIE trong hơn 18 năm qua đã kết thúc, sớm hơn so với thời hạn trong hợp đồng liên doanh khoảng 1,5 năm (ngày 28/1/2015).

Samsung xem Việt Nam như một cứ điểm sản xuất mới

Như vậy, chỉ còn một bước cuối cùng nữa về thủ tục pháp lý, SamsungVina sẽ chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

“Ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ nộp hồ sơ xin chuyển đổi pháp nhân lên các cơ quan chức năng Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc SamsungVina cho biết.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao khi thời gian liên doanh còn lại chỉ rất ít, Samsung lại quyết định chuyển đổi?

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước Samsung, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác trong lĩnh vực điện tử đều đã lần lượt rút khỏi các liên doanh ở Việt Nam.

Chẳng hạn, năm 2006, Toshiba đã chấm dứt hợp đồng liên doanh với Công ty Vietronics Thủ Đức sau 10 năm đặt chân vào Việt Nam, để thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Hay Sony, năm 2012 cũng đã hoàn tất các thủ tục để rút khỏi liên doanh với Viettronics Tân Bình, sau đó thành lập một pháp nhân chuyên kinh doanh thương mại. Năm 2008, Sony đã dừng hoạt động nhà máy sản xuất tivi bóng đèn hình tại Việt Nam sau 14 năm tồn tại.

Trước đó nữa, năm 2005, LG đã sáp nhập LG Electronics Việt Nam và LG-MECA Electronics Hải Phòng Inc., sau đó chuyển đổi thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Thời gian đầu, khi Việt Nam mới mở cửa, do quy định pháp lý lúc bấy giờ, các nhà đầu tư nước ngoài đều vào Việt Nam theo hình thức liên doanh. Nhưng khi khung pháp lý thay đổi, lần lượt, người trước, kẻ sau, các liên doanh đã được chuyển đổi thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Cũng chính vì vậy, mà lũy kế tới ngày 20/6/2013, trong tổng số 15.067 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ có 2.673 liên doanh, trong khi số lượng doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 11.968.

Đặc biệt, kể từ năm 2009, khi các công ty FDI có thể thực hiện quyền sản xuất lẫn phân phối trực tiếp tại Việt Nam, một số nhà đầu tư nước ngoài đã thay vì sản xuất, chỉ làm thương mại. Sony là ví dụ điển hình. Ngược lại, vẫn có doanh nghiệp cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam. LG, bên cạnh những nhà máy đang hoạt động ổn định, cũng đang xúc tiến kế hoạch đầu tư một tổ hợp sản xuất đồ điện tử, gia dụng ở Hải Phòng, với tổng vốn đăng ký có thể lên tới 1,5 tỷ USD.

“Samsung cũng cam kết đầu tư lâu dài ở thị trường Việt Nam. Đó là lý do vì sao mà ngay cả khi luật pháp Việt Nam cho phép doanh nghiệp FDI kinh doanh thương mại, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động sản xuất của SamsungVina. Điều này luôn được khẳng định, ngay cả khi thời hạn liên doanh kết thúc”, ông Đạo cho biết.

Với khẳng định này của ông Đạo, có thể hiểu, Samsung sẽ không rút khỏi Việt Nam. Thậm chí, cũng không chuyển đổi sang thuần túy kinh doanh thương mại, mà tiếp tục duy trì hoạt động của nhà máy cũ. Ẩn số chỉ là, SamsungVina vẫn giữ quy mô hiện tại hay sẽ tăng cường đầu tư thêm nữa?

Samsung hiện đã đầu tư 4,5 tỷ USD ở Việt Nam và đang xúc tiến kế hoạch đầu tư thêm 1,2 tỷ USD ở Thái Nguyên. Trong khi đó, nhiều thông tin cho biết, khoảng vài tháng gần đây, liên tục có các đoàn công tác của Samsung từ Hàn Quốc sang Việt Nam, lúc đến Hải Phòng, Đà Nẵng, lúc tới Huế, TP.HCM, rồi Đồng Nai.

“Họ chưa đề xuất dự án cụ thể, nhưng đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới”, ông Võ Thanh Lập, Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp Đồng Nai cho biết như vậy.

Trong khi đó, thông tin từ Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cũng cho biết, Samsung cũng đã tới làm việc với Ban quản lý về “một cơ hội đầu tư mới”.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, tháng 3/2013, khi sang Việt Nam dự Lễ khởi công Dự án SEVT, ông Shin Jong Kyun, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông di động Samsung Electronics, đã khẳng định Samsung coi Việt Nam như một cứ điểm sản xuất mới.

Với những động thái trên xem ra, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất điện thoại di động, mà còn cả với các sản phẩm khác của Samsung. Dự án 1,2 tỷ USD mà Samsung dự định đầu tư ở Thái Nguyên là để sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp.

Và xem ra, chuyện SamsungVina quyết định trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài khi liên doanh chỉ còn 1,5 năm nữa là kết thúc, liên quan tới một kế hoạch đầu tư mới của tập đoàn này.

Ai cũng hiểu, là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Samsung sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư mới. Và có vẻ, Samsung cũng đang “cân đong” giữa hai địa điểm: TP.HCM và Đồng Nai.

Hà Nguyễn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Vì sao doanh nghiệp Nhà nước vẫn khó thoái vốn? (22/07/2013)

>   Không “hồi tố” ưu đãi đầu tư cho Robert Bosch Việt Nam (22/07/2013)

>   Nửa đầu tháng 7, xuất siêu 85 triệu USD (21/07/2013)

>   Lách, trốn thuế nhập khẩu inox: Doanh nghiệp trong nước lao đao (21/07/2013)

>   Doanh nghiệp ngại quy định mới (21/07/2013)

>   Gồng mình kìm giá (20/07/2013)

>   Không phải cứ thích là bán DNNN (19/07/2013)

>   US EximBank sẽ không cấp vốn cho nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (19/07/2013)

>   Bảo hiểm nợ người nuôi tôm hàng trăm tỉ đồng (19/07/2013)

>   24.931 doanh nghiệp ngừng hoạt động (19/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật