Công ty Samsung bán điện thoại vào thị trường: Được hưởng mức thuế nhập khẩu nào?
Trước kiến nghị của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam về chính sách thuế đối với sản phẩm sản xuất của doanh nghiệp chế xuất (DNCX) bán vào thị trường nội địa, Bộ Tài chính đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải quyết.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam.
|
Có được tính thuế NK 0%?
Bộ Tài chính cho biết, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn việc áp dụng chính sách thuế đối với sản phẩm sản xuất (điện thoại di động) của Công ty bán vào thị trường nội địa thông qua chi nhánh công ty là đơn vị hạch toán phụ thuộc.
Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam là doanh nghiệp chế xuất. Hiện khi làm thủ tục hải quan đối với sản phẩm do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam sản xuất và bán vào thị trường nội địa (bán cho Chi nhánh Công ty Samsung Electronics Việt Nam) thì Chi nhánh Công ty khai báo, áp dụng thuế NK theo mức thuế suất thành phẩm sản xuất bán vào thị trường nội địa Việt Nam (điểm b Khoản 2 Điều 96 Thông tư 194/2010/TT-BTC).
Về giá tính thuế, chi nhánh công ty khai báo với cơ quan Hải quan không theo giá thực thanh toán cho Công ty mà là giá tính thuế sau khi đã trừ đi 20% các khoản chi phí như quảng cáo, tiếp thị… (thấp hơn 20% giá thực tế thanh toán).
Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP và Khoản 16 Điều 101 Thông tư 194/2010/TT-BTC thì: Hàng hoá sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện NK từ nước ngoài khi NK vào thị trường trong nước được miễn thuế NK. Trường hợp có sử dụng nguyên liệu, linh kiện NK từ nước ngoài thì khi NK vào thị trường trong nước phải nộp thuế NK trên phần nguyên liệu, linh kiện.
Cũng tại Điểm a Khoản 2 Điều 96 Thông tư 194/2010/TT-BTC quy định: Đối với hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan có sử dụng nguyên liệu, linh kiện NK từ nước ngoài… thì thuế suất thuế NK được tính theo mức thuế suất thuế NK của từng loại nguyên liệu, linh kiện theo quy định tại Biểu thuế XNK ưu đãi hiện hành tại thời điểm đăng ký tờ khai NK lần đầu vào khu phi thuế quan.
Và Khoản 5 Điều 44 Thông tư 194/2010/TT-BTC quy định: "Để làm cơ sở cho DN nội địa tính toán số tiền thuế phải nộp khi làm thủ tục NK, DN trong khu phi thuế quan phải thông báo với cơ quan Hải quan định mức nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK từ nước ngoài, cấu thành trong sản phẩm sản xuất và DN trong khu phi thuế quan phải cung cấp cho DN nội địa đầy đủ hồ sơ, số liệu để DN nội địa tính số tiền thuế phải nộp".
Bên cạnh đó, tại Điều 12 Thông tư 205/2011/TT-BTC về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK, quy định: trị giá tính thuế đối với hàng hóa XNK là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên.
Vì vậy, căn cứ các quy định nêu trên, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Công ty tự rà soát, tính toán và nộp bổ sung số thuế còn thiếu theo quy định.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam cho rằng, nếu căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 96 Thông tư 194/2010/TT-BTC (thuế NK phải nộp căn cứ vào số lượng, thuế suất, giá tính thuế của phần nguyên liệu, linh kiện, bán thành phẩm NK từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa) để tính thuế thì có sự bất hợp lý về mức thuế suất thuế NK trong Biểu thuế NK hiện hành. Cụ thể, thuế suất mặt hàng điện thoại là 0%, trong khi thuế suất các linh kiện cấu thành nên sản phẩm lại có thuế suất 2%, 3%. Như vậy, sẽ không khuyến khích các DN FDI đầu tư vào sản xuất.
Bên cạnh đó, nếu tính thuế NK trên nguyên liệu, linh kiện cấu thành trong sản phẩm thì phải căn cứ vào định mức đã đăng ký với cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất thì định mức này lại thay đổi thường xuyên, do đó việc tính thuế sẽ không đúng thực tế. Mặt khác, thông tin về định mức là bí mật kinh doanh của công ty, không thể cung cấp cho các DN khác.
Vẫn phải tính thuế trên giá thực thanh toán
Trước tình hình này, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP quy định về miễn thuế NK đối với hàng hóa sản xuất, gia công và lắp ráp tại khu phi thuế quan có sử dụng nguyên liệu, linh kiện NK từ nước ngoài thì: khi bán hàng vào thị trường trong nước chỉ phải nộp thuế NK trên phần linh kiện, nguyên liệu NK cấu thành trong hàng hóa đó. Nhưng thực tế sản phẩm điện thoại di động thuế NK theo quy định là 0%, một số linh kiện có mức thuế NK 1%, 2%.
Do vậy, để được hưởng thuế suất 0%, DNCX sẽ phải xuất sản phẩm sản xuất ra nước ngoài và NK lại để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, không phải chịu thuế NK. Đồng thời, giai đoạn trước khi chuyển sang DNCX, công ty được hưởng chính sách miễn thuế NK đối với toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bắt đầu sản xuất theo ý kiến phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, Bộ Tài chính cho biết, tại điểm b Khoản 2 Điều 96 Thông tư 194/2010/TT-BTC có quy định: Trường hợp không xác định được số thuế NK theo quy định tại điểm a khoản này thì thuế NK được tính theo mức thuế suất và giá tính thuế của mặt hàng sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp NK vào nội địa. Ngoài ra, việc quy định DN nội địa mua sản phẩm hoàn chỉnh nhưng phải kê khai nộp thuế theo nguyên liệu linh kiện, cấu thành trong sản phẩm đó là chưa phù hợp, dẫn đến khó khăn trong việc kê khai, tính thuế.
Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chi nhánh công ty được tính thuế NK đối với sản phẩm chuyển tiêu thụ nội địa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 96 Thông tư 194/2010/TT-BTC (tính thuế NK theo sản phẩm). Tuy nhiên đối với trị giá tính thuế là giá thực tế chi nhánh công ty thanh toán cho Công ty theo quy định tại Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16-3-2007 và Thông tư 205/2011/TT-BTC.
Thu Trang
hải quan
|