Thứ Ba, 30/07/2013 14:16

Lợi nhuận xuất khẩu sụt giảm

Giá xuất khẩu giảm trong khi chi phí đầu vào tăng cao khiến lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản là sụt giảm mạnh nhất.

Xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm chỉ giảm khoảng 9,9% về lượng, nhưng giảm tới 13,1% về giá trị so với cùng kỳ

Bức tranh buồn

Vốn là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh lương thực với ngành hàng chủ lực là lúa gạo, song báo cáo hoạt động kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho thấy một kết quả khá buồn. Theo đó, doanh thu thuần quý II của công ty đạt 488 tỷ đồng, lợi nhận đạt 10,2 tỷ đồng, giảm tương ứng 24% và 37,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 899,8 tỷ đồng, giảm 12%; lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng, giảm 41% so cùng kỳ.

Giải trình về việc sụt giảm này, Angimex cho biết do tình hình tiêu thụ gạo gặp nhiều khó khăn, làm cho sản lượng gạo tiêu thụ trong quý 2 của công ty giảm 19,5% so với cùng kỳ. Cộng thêm giá gạo tiêu thụ giảm 2% dẫn đến doanh thu, lợi nhuận giảm.

Đó cũng là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản nói riêng những tháng đầu năm.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá xuất khẩu quý II/2013 giảm 4,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giảm mạnh nhất là cao su, giảm tới 23,44%; kế đó là than, giảm 19,48%.

Giá xuất khẩu của các mặt hàng nông sản cũng giảm khá mạnh, như gạo giảm 7,25%; hạt điều giảm 10,52%; thủy sản giảm 2,93%. Cũng bởi vậy nên, mặc dù xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm chỉ giảm 0,1% về lượng, những giảm tới 17,5% về giá trị kim ngạch; gạo 7 tháng đầu năm chỉ giảm khoảng 9,9% về lượng, nhưng giảm tới 13,1% về giá trị so với cùng kỳ.

Trong khi đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng tới 2,49% so với cùng kỳ. Mặc dù giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy có giảm, song mức giảm không đáng kể so với mức giảm giá xuất khẩu, chỉ khoảng 0,07%.

Giá bán giảm trong khi chi phí tăng, việc tụt giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng là lẽ đương nhiên.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn, theo TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia tài chính, là do cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chủ yếu là tài nguyên khoáng sản thô, nông sản sơ chế, các mặt hàng công nghiệp cũng chủ yếu là gia công lắp ráp. Vì thế, chẳng những hàng xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào biến động của thị trường thế giới cũng như thường xuyên bị đối tác ép giá, mà phần giá trị gia tăng cũng rất thấp.

“Bất cập này đã được nói đến nhiều, bàn thảo nhiều, nhưng vẫn chậm thay đổi”, ông Ánh bức xúc.

Bởi vậy, theo ông Ánh, để không lặp lại tình cảnh như những tháng đầu năm và xa hơn là để xuất khẩu tăng trưởng bền vững, vấn đề mấu chốt vẫn là thay đổi chiến lược xuất khẩu. Theo đó, cần phải nâng cao chất lượng, hàm lượng công nghệ để gia tăng giá trị trong hàng xuất khẩu thay vì xuất khẩu những mặt hàng gia công, sơ chế với giá trị thấp.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi phải có một giải pháp tổng thể từ việc phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến; hình thành các chuỗi sản xuất... Có nghĩa, không thể thay đổi ngay trong ngày một, ngày hai.

Thế nhưng, trong ngắn hạn có thể áp dụng “chiến thuật”, ông Ánh nói. Chiến thuật ở đây là hạn chế xuất khẩu khi giá không có lợi, và ngược lại cần đẩy mạnh xuất khẩu khi có lợi về giá. “Khi giá bất lợi, càng đẩy mạnh xuất khẩu có khi càng khiến cho giá giảm thêm, nhất là với những mặt hàng mà Việt Nam có nhiều thế mạnh như nông, thủy sản”, một chuyên gia đồng tình phân tích thêm.

Và để có thể áp dụng “chiến thuật” này, cần phải làm rất tốt khâu tạm trữ. Hiện cơ chế tạm trữ còn rất nhiều bất cập, người hưởng lợi chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp, thậm chí là đội ngũ thương lái. Còn người nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm lại không được hưởng bao nhiêu. Đó chính là nguyên điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn cứ diễn ra. Và hệ quả là không thể thiết lập được chuỗi liên kết chặt chẽ từ khâu nuôi trồng - chế biến - xuất khẩu.

Minh Trí

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp liều “tính quẩn”? (30/07/2013)

>   Thủ tướng yêu cầu thu hồi đất sai mục đích của các “ông lớn” (30/07/2013)

>   Thân phận chìm nổi của những con tàu nghìn tỷ (30/07/2013)

>   Việt Nam, “ngôi sao” mới ngành hàng tiêu dùng? (30/07/2013)

>   Thị trường vật liệu: Muốn tồn tại phải tìm “sự khác biệt” (30/07/2013)

>   Điểm nhấn xuất khẩu của khối FDI (30/07/2013)

>   Giá tôm xuất khẩu tăng cao hơn dự đoán (30/07/2013)

>   Du lịch mùa cao điểm: Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm (30/07/2013)

>   Tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí tại các DNNN (29/07/2013)

>   Giảm lĩnh vực Nhà nước nắm cổ phần chi phối (29/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật