Doanh nghiệp liều “tính quẩn”?
Trên thực tế, vẫn đang tồn tại những DN chỉ dám báo cáo với ngành công thương ở địa phương tạm dừng một số nghiệp vụ sản xuất kinh doanh. Họ không dám đến báo với cơ quan thuế vụ ngưng hoạt động, vì vẫn phải thu hồi công nợ và giải phóng hàng tồn kho. Và vì chưa “được” ngừng hoạt động, họ vẫn phải đảm bảo trách nhiệm nộp thuế.
Xấp xỉ 25 nghìn doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2013, theo cơ quan thuế, có thể là con số gây “sốc” cho các cơ quan điều hành của Việt Nam - nơi nền kinh tế từng giữ vị trí thứ 2 về tăng trưởng GDP của châu Á. Nhưng, chủ những DN nói trên có lẽ chưa phải người đau khổ nhất, khi còn khả năng chủ động cắt “cơn đau” cho riêng họ. Trong khi, không ít doanh nhân khác vẫn chưa thể nhẹ đầu.
Trên thực tế, vẫn đang tồn tại những DN chỉ dám báo cáo với ngành công thương ở địa phương tạm dừng một số nghiệp vụ sản xuất kinh doanh. Họ không dám đến báo với cơ quan thuế vụ ngưng hoạt động, vì vẫn phải thu hồi công nợ và giải phóng hàng tồn kho. Và vì chưa “được” ngừng hoạt động, họ vẫn phải đảm bảo trách nhiệm nộp thuế.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Câu lạc bộ các Nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam cho biết, rất nhiều DN không còn hoạt động đáng kể nhưng đang phải vay vốn ngân hàng trả nợ thuế, cố gắng hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước vì không muốn bị phạt chậm tiền thuế hoặc bị truy thu gắt gao. Tuy nhiên, cách làm “mạo hiểm” như trên cũng đồng nghĩa với việc khó khăn của DN chỉ tạm thời treo lại.
Số liệu của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến ngày 30/6/2013, tổng số nợ thuế và phạt trả chậm lên đến 18.978 tỷ đồng, tăng 25,92% so với cùng kỳ năm 2012 (tương đương tăng 3.907 tỷ đồng). Nếu loại trừ một số khoản thu được chấp nhận, nợ thuế còn khoảng 14.024 tỷ đồng, trong đó nợ khó thu tăng trên 14% so với tháng 12/2012, tập trung chủ yếu vào các nhóm nợ do chủ DN chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; DN không còn hoạt động, chấm dứt hoạt động kinh doanh…
Theo đánh giá của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do DN vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều làm ảnh hưởng khả năng thanh toán của DN, dẫn đến DN chậm nộp tiền thuế. Ngoài ra còn có nguyên nhân một số DN gặp khó khăn do đang tiến hành cơ cấu lại như Tập đoàn Mai Linh, CTCP sản xuất - xuất nhập khẩu Lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp…
Nhưng, không phải DN nào cũng được ngân hàng cho vay vốn để trả nợ thuế. Diện DN tiếp cận được tín dụng để trả nợ thuế phần lớn là những công ty có uy tín, có khả năng hồi phục, trả được nợ nếu ngân hàng tiếp sức, giúp xử lý mất thanh khoản tạm thời. Lãnh đạo chi nhánh một ngân hàng cho hay, họ đang cấp tín dụng cho một DN ngành gỗ ở Bình Dương để trả nợ thuế, do kỳ vọng số hàng tồn kho gỗ tếch của DN này nhập khẩu về từ năm 2008 có nhiều khả năng bán được trong thời gian tới. Giá trị tồn kho của lô hàng vừa kiểm kê lại đã lên đến 800 tỷ đồng.
Một nhà băng tại TP. Hồ Chí minh cũng thông tin, một số DN có những hợp đồng gia công hàng xuất khẩu tốt nhưng không có tiền trả trước thuế giá trị gia tăng cho nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu. Vì vậy, ngân hàng đã cho vay bảo lãnh thuế, để khi DN xuất khẩu lô hàng sẽ được hoàn thuế từ cơ quan hải quan, có điều kiện trả nợ ngân hàng…
Trong bối cảnh tìm nguồn vay tốt khó khăn hiện nay, nhiều ngân hàng cho biết, ngay những hợp đồng tín dụng chia sẻ rủi ro giữa ngân hàng và DN, nếu được đánh giá đúng mức và xây dựng được quan hệ hợp tác, tin tưởng lẫn nhau thì ngân hàng vẫn sẵn sàng cùng đồng hành với DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng vì lẽ đó, tín dụng đang có chiều hướng tăng trưởng tốt lên, giúp nhiều DN có cơ hội quay trở lại hoạt động. Vào tháng trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo, số DN thành lập mới và quay lại sản xuất kinh doanh bắt đầu tăng trở lại.
Phạm Hà Nguyên
thời báo ngân hàng
|