Thứ Ba, 30/07/2013 11:09

Hệ lụy từ những con tàu đang lưu giữ ở nước ngoài của Vinashinlines:

Thân phận chìm nổi của những con tàu nghìn tỷ

Thời hạn mà Chính phủ yêu cầu với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phải bán những con tàu "tai tiếng" của công ty con là Công ty TNHH Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) đang bị lưu giữ, bắt giữ ở nước ngoài là hết tháng 6/2013.

Đã quá hạn phải bán xong 6 con tàu nghìn tỷ, nhưng đến nay Vinalines mới chỉ bán được 1 tàu. Số tàu còn lại vẫn đang phiêu dạt xứ người với lý do không được giá để bán, điều này đồng nghĩa với việc các thủy thủ vẫn chưa được về nước…

Điểm mặt 6 tàu "khủng" nằm bờ…

Đứng đầu danh sách nằm bờ và cả số tiền nợ của thuyền viên phải kể đến tàu Sea Eagle. Đóng năm 1981 tại Nhật, Sea Eagle là con tàu nằm "liệt" lâu nhất tại nước ngoài của Vinashinlines (từ 28/2/2008). Hiện con tàu có trọng tải hơn 65.000 tấn này đang được trông giữ bởi 9 thủy thủ trong điều kiện thiếu nhiên liệu, lương thực. Tàu không còn khả năng tự vận hành. "Từng có lúc, các thủy thủ phải bơi vào bờ lấy rau dại để ăn" một thuyền viên chia sẻ.

Anh này cũng cho biết khoản nợ chi phí bảo trì sửa chữa hiện đã vượt quá giá trị của tàu. Không nằm trong danh sách nằm bờ lâu nhất, song lại là con tàu "khủng" về giá trị hiện thuộc về tàu Hoa Sen. Con tàu "tai tiếng" được Vinashin mua năm 2007 với giá 60 triệu euro (tương đương gần 1.300 tỷ đồng theo tỷ giá lúc bấy giờ), với mục tiêu ban đầu là khai thác tuyến vận tải - du lịch đường biển Bắc - Nam. Tuy nhiên, sau khoảng 40 chuyến hải hành "toàn lỗ", Vinashin đã cho dừng khai thác con tàu này.

Được biên chế trong đội tàu của Vinashinlines, khi công ty này được chuyển giao cho Vinalines, tàu Hoa Sen cũng được bàn giao theo. Tuy nhiên, việc đổi chủ không giúp con tàu này "đổi vận". Cho đối tác ngoại thuê định hạn tàu với mức phí 16.500 USD một ngày, nhưng sau nhiều rắc rối, đối tác này đã "bỏ của chạy lấy người", khiến con tàu đóng năm 2001 một lần nữa phải nằm trôi nổi tại Trung Quốc.

Tàu Hoa Sen từng được mua với giá 1.300 tỷ đồng đang bị lưu giữ tại Trung Quốc.

Theo thủy thủ đoàn, trên tàu hiện còn 9 thuyền viên, đang sinh hoạt trong cảnh thiếu thốn, bị chậm sinh hoạt phí và nợ lương nhiều tháng. Phía doanh nghiệp cho biết chuyện chậm tiền ăn, tiền nước, tiền dầu của thuyền viên hiện đã được giải quyết (do có nguồn hỗ trợ), nhưng tiền nợ lương chỉ có thể giải quyết khi con tàu được phá dỡ hoặc bán cho chủ mới.

Tiếp đến là tàu Diamond Way. Vị trí đang neo đậu tại Cảng Jabel Ali, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Treo cờ Panama, con tàu của Vinashinlines được đóng năm 1988 tại Nhật với trọng tải 13.266 tấn. Diamond Way đã neo tại cảng Jabel Ali thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) từ tháng 10/2012.

Trước đó, tàu bị người thuê cắt hợp đồng, do tàu nằm chờ sửa chữa quá lâu tại Jebel Ali. Hiện trên tàu còn 19 thủy thủ với điều kiện sinh hoạt tương đối khá hơn các đồng nghiệp, sau khi được cơ quan ngoại giao Việt Nam can thiệp, giúp đỡ. Trước đó, các thủy thủ trên tàu Diamond Way được coi là người khởi động cho làn sóng "kêu cứu" của thủy thủ Vinashinlines, sau khi cho rằng mình bị bỏ rơi trong điều kiện thiếu thốn ở nước ngoài. Đứng thứ 4 là tàu New Horizon, cũng có quốc tịch Panama được đóng tại Nhật Bản từ năm 1986. Đây là loại tàu chở hàng tổng hợp có trọng tải 9.606 DWT.

Tháng 7/2012, tàu New Horizon xuất phát từ Quảng Ninh đi Donghae (Hàn Quốc) - Vladivostock (Nga) - Akita (Nhật Bản) - Manila (Philippines) và khi đến Karachi (Pakistan) hồi tháng 11/2012 thì bị bắt giữ tại cảng Karachi. Nguyên nhân là Vinashinlines chưa trả nợ được cho các đối tác cũng như tranh chấp liên quan đến hàng hóa. Hiện còn 20 thuyền viên đang bị mắc kẹt tại đây. Tiếp nữa là tàu Cái Lân 4. Tàu bị bắt giữ tại cảng Kolkata, Ấn Độ từ tháng 1/2012 và 22 thuyền viên đang mắc kẹt tại đây. Tòa án Ấn Độ bắt giữ tàu Cái Lân 4 với lý do Vinashinlines nợ tiền một nhà cung cấp dầu tại Singapore. Thủy thủ đoàn cho biết đã nhiều lần liên lạc về Việt Nam, yêu cầu Vinashinlines giải quyết nhưng chưa nhận được hỗ trợ. Cái Lân 4 có trọng tải 8.732 DWT là con tàu duy nhất trong số 7 tàu được đóng tại Việt Nam năm 2006.

Cuối cùng là Tàu Hoàng Sơn 28. Hoàng Sơn 28 là tàu chở hàng tổng hợp, được đóng năm 1980 tại Nhật Bản. Tàu có trọng tài 31.503 DWT. Đây cũng là con tàu ít thông tin nhất trong số 7 tàu mắc kẹt của Vinashinlines. Tuy vậy, trao đổi với PV, một lãnh đạo của Vinalines cho biết con tàu này hiện vẫn có thế "nhúc nhắc hoạt động" tại Ấn Độ, chứ không phải "nằm im" như 6 tàu còn lại.

4 tháng chỉ bán được 1 con tàu

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Hà, Quyền Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn Dương Vinashin) Phó Tổng Giám đốc Vinalines nói: "Trong tiến trình bán tàu, tàu nào còn khai thác được thì sẽ bán theo giá tàu khai thác, tàu nào cũ quá rồi thì sẽ bán thanh lý. Tàu nào mới thì bán theo giá mới, tàu được bán là tàu "sống" bình thường chứ không phải là tàu đồng nát… Còn người mua sử dụng tàu làm gì là quyền của họ". Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 3 - thời điểm bán được tàu New Phoenix với giá hơn 3,7 triệu USD thì đến nay, Vinalines vẫn chưa bán thêm được con tàu nào.

Về lí do không bán được tàu, ông Nguyễn Quế Dương - Tổng Giám đốc Vinashinlines cho biết vì không được giá. Giá các người mua trả thấp hơn so với giá mà Bộ Tài chính đã thẩm định nên dù đã quá thời hạn mục tiêu 30/6 vẫn không thể giao bán tàu được.

Nói đến hướng giải quyết những tàu và đời sống của anh em thủy thủ trong thời gian tới, ông Dương bộc bạch: "Chờ đợi đến khi tàu giao bán được giá thì sẽ bán. Chúng tôi cũng chỉ có thể động viên anh em thuyền viên ở lại giữ tàu và chu cấp đầy đủ tiền ăn, tiền sinh hoạt cho họ để họ yên tâm hơn, chứ giờ cũng không có tiền để đưa họ về và đưa người khác sang giữ tàu".

Được biết, số lượng thuyền viên duy trì trên các tàu hiện đang được giữ lại theo định viên an toàn tối thiểu. Trong đó, tàu Diamond Way có 8 thuyền viên, tàu New Horizon 20 thuyền viên, tàu Cái Lân 4 là 22 thuyền viên, tàu Sea Eagle có 9 thuyền viên và tàu Hoa Sen có 9 thuyền viên. Riêng tàu Hoàng Sơn 28 thì đang được cho thuê tàu trần, nên toàn bộ thuyền viên thuộc sự quản lý của người thuê…

Huyền Uyên

công an nhân dân

Các tin tức khác

>   Vụ vỡ tín dụng trăm tỉ tại Lạng Sơn: Chủ nợ “khủng” nhất tự nguyện rút đơn (30/07/2013)

>   Bất thường tại một công ty làm từ thiện (30/07/2013)

>   Cần 450 tỷ đồng để thu hồi 36 nhà siêu mỏng ở Hà Nội (30/07/2013)

>   Chủ dự án Tricon Tower biến mất, khách mua nhà tá hỏa (29/07/2013)

>   700m đường... 1.000 người thi công! (29/07/2013)

>   Sao các bộ phải mời đến công an? (29/07/2013)

>   Tổng giám đốc Công ty Thép Việt: Chất thải tồn đọng là do quy định! (29/07/2013)

>   Sẽ “xả trạm” nếu kẹt xe (29/07/2013)

>   Nhiều nghi vấn trong vụ cướp sim trộm tiền ngân hàng online (29/07/2013)

>   Vụ "Khởi tố nhiều đầu nậu, cò đất": Chưa đình chỉ cán bộ nào! (29/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật