Thứ Hai, 29/07/2013 09:30

Sao các bộ phải mời đến công an?

Trong khoảng mười ngày qua, có ít nhất hai bộ lên tiếng về việc nhờ đến cơ quan công an vào cuộc về những vấn đề trong ngành mình: Bộ Tài chính, Bộ Y tế. Tin này được đăng trên báo và khiến không ít độc giả đi từ ngạc nhiên đến bất bình.

Việc bộ trưởng Y tế đẩy quả bóng (trách nhiệm điều tra vụ việc) sang cơ quan điều tra bộ Công an càng dấy lên làn sóng ý kiến phản đối bà bộ trưởng.

Chuyện thứ nhất: ngày 19.7, phòng báo chí của bộ Tài chính nói rằng, trong ngày hôm đó, có ít nhất hai nhân viên của các trang tin điện tử đã “không mời mà đến” để nghe và đưa tin cuộc họp báo thường kỳ của bộ này. Bộ phận truyền thông của bộ Tài chính nói rằng: vì “nể nang” những người này đã đến nên nhân viên của bộ đành miễn cưỡng cho phép tham dự. Tuy nhiên, họ khẳng định, lần sau sẽ báo cơ quan công an để can thiệp.

Chuyện thứ hai, cuối tuần trước, bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có công văn gửi bộ trưởng bộ Công an đề nghị chỉ đạo điều tra, xác định nguyên nhân ba trẻ tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B tại bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hoá, Quảng Trị… Một việc mà bộ này có ý cho là đã bó tay vì qua kiểm tra, xác minh, bộ Y tế không thể làm rõ nguyên nhân.

Xem qua câu chuyện, nhiều người đọc sẽ cho rằng, đây là những việc lẽ ra chẳng cần phải mời đến cơ quan công an và các bộ hoàn toàn có thể tự mình xử lý mà không cần phải công văn đi lại, tốn thêm thời gian, chi phí, công sức của cơ quan khác mà đỡ phải mang tiếng: việc mình, mình lại chẳng lo!

Với câu chuyện thứ nhất, ở bộ Tài chính (chưa nói đến việc cho dù các trang tin điện tử không được hoạt động như một cơ quan báo chí thì động cơ của nhân viên các trang đó, muốn đến tận nơi để có thông tin nguồn, nhanh nhất cũng đáng trân trọng) thì việc phòng báo chí của bộ nói mời công an xử lý đã là một tuyên bố khó nghe. Bởi nếu không thích một đại diện trang tin đến đưa tin công khai về hoạt động của bộ, việc xử lý rất đơn giản: đa số người đến dự các cuộc họp báo này đều có giấy mời và nếu không muốn ai đó dự họp, bộ chỉ cần soát xét giấy mời từ ngoài cửa, nếu ai không có giấy mời thì lịch sự mời ra ngoài, tại sao phải nói là “nể nang” và sau đó lại bắn tiếng mời cơ quan công an?

Ở câu chuyện thứ hai, người dân, vốn đang bức xúc vì câu chuyện nhiều trẻ sơ sinh sau khi tiêm vắcxin bị tử vong thì việc bộ trưởng Y tế đẩy quả bóng (trách nhiệm điều tra vụ việc) sang cơ quan điều tra bộ Công an càng dấy lên làn sóng ý kiến phản đối bà bộ trưởng. Thông thường, cơ quan điều tra vào cuộc chỉ khi có dấu hiệu tội phạm, có động cơ, ý đồ phạm tội. Ở đây, chưa mấy ai nghĩ đến việc phải điều tra, bỏ tù ai mà muốn tìm ra nguyên nhân để khắc phục, nâng cao chất lượng vắcxin để đảm bảo việc tiêm chủng an toàn cho trẻ. Chỉ có chính các bác sĩ, chuyên gia y tế ngành y mới có chuyên môn, hiểu rõ quy trình để xác định đâu là khâu có vấn đề như sản xuất vắcxin, vận chuyển, bảo quản, tiêm chích hay chăm sóc, theo dõi sau chủng ngừa. Chưa làm được việc này, bộ Y tế đã chưa hoàn thành trách nhiệm của mình. Trong khi đó, kể cả bộ Công an có vào cuộc, họ cũng phải mời đến các chuyên gia của bộ Y tế. Thiệt là không có lối ra!

Bộ Y tế cho rằng, việc nhờ đến cơ quan công an nhằm đảm bảo điều tra độc lập, khách quan, tránh tình trạng bao che… thì lại càng khó hiểu. Phải chăng tình trạng bao che cho nhau ở trong ngành y tế đã đến mức mà lãnh đạo bộ này đã không thể xử lý được nữa, không thể tự mình điều tra “độc lập, khách quan” mà phải nhờ cơ quan có quyền lực hơn từ bên ngoài?

Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31.8.2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ Y tế đã nêu rõ, trong lĩnh vực y tế dự phòng, bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định chuyên môn, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực y tế dự phòng trong phạm vi cả nước... và bộ Y tế có đầy đủ các cục, vụ, viện chuyên môn để thực hiện trách nhiệm đó. Nay trong khi các cục, vụ, viện của bộ còn chưa tích cực vào cuộc, làm rõ nguyên nhân tử vong của trẻ mà lại nhờ đến một bộ không có chuyên môn sâu về tiêm chủng vắcxin đề điều tra thì đó thật là chuyện đáng cười. Còn nếu bộ Y tế muốn qua việc này để chuyển hướng dư luận thì đó là câu chuyện khác.

Tất nhiên, các bộ đề nghị thì cứ đề nghị nhưng bộ Công an có vào cuộc điều tra hay không lại chuyện khác vì ngành công an cũng có rất nhiều việc phải làm để đấu tranh phòng chống tội phạm. Không biết ngành công an lấy thời gian đâu mà vào cuộc chỉ để xử lý mấy phóng viên không có giấy mời dự họp hoặc có chuyên môn đâu để làm rõ vắcxin chất lượng tốt hay kém… và lại dễ mang tiếng hình sự hoá một việc dân sự? Nhưng cái não trạng: hơi có việc khó xử lý, lại nhờ đến cơ quan công an, để doạ người, để đỡ việc khó cho mình… không chỉ mới có ở bộ Tài chính và bộ Y tế.

Mạnh Quân

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Tổng giám đốc Công ty Thép Việt: Chất thải tồn đọng là do quy định! (29/07/2013)

>   Sẽ “xả trạm” nếu kẹt xe (29/07/2013)

>   Nhiều nghi vấn trong vụ cướp sim trộm tiền ngân hàng online (29/07/2013)

>   Vụ "Khởi tố nhiều đầu nậu, cò đất": Chưa đình chỉ cán bộ nào! (29/07/2013)

>   Đầu tư công: Trung ương cố giảm thì địa phương tăng (28/07/2013)

>   Mất điện diện rộng tại TP HCM do sự cố 500 kV (28/07/2013)

>   Cảng trăm tỉ đồng “đắp chiếu” (28/07/2013)

>   Nghiêm cấm CSGT “vẫy xe” xem giấy tờ qua loa rồi cho đi (28/07/2013)

>   Kết thúc điều tra bổ sung vụ giả danh con cán bộ cấp tướng để lừa đảo hơn 42 tỷ đồng (28/07/2013)

>   Xôn xao vỡ nợ 600 tỷ ở Lạng Sơn (27/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật