Du lịch mùa cao điểm: Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm
Nhiều doanh nghiệp du lịch lo lắng sẽ gặp lại tình trạng ế khách vào các tháng tới.
Ngay từ đầu năm, các hãng lữ hành đã rất lo ngại về số lượt khách du lịch năm 2013. Kinh tế khó khăn, số lượng khách giảm sẽ kéo theo doanh thu giảm. Tuy nhiên, thống kê trong ba tháng 5, 6 và 7-2013 của Tổng cục Thống kê cho thấy số lượt khách quốc tế và nội địa đều tăng. Điều này giúp các doanh nghiệp (DN) phần nào “dễ thở” hơn.
Đã biết đồng cam cộng khổ
Bà Lê Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình, cho biết trong ba tháng mùa cao điểm du lịch, lượt khách nội địa công ty này ổn định, thậm chí là có thêm nhiều khách hàng mới.
“Một điều khá may mắn là trong mùa du lịch hè năm nay các dịch vụ không tăng giá mạnh như mọi năm, trái lại còn có phần ổn định hơn. Điều này có lẽ do những năm trước tăng giá mạnh quá khiến ít khách đi, giờ thì họ đã nhận thấy hậu quả của việc tăng giá vô tội vạ” - bà chia sẻ.
Cũng theo bà Hà, một yếu tố khác cũng khiến các DN lữ hành thêm “dễ thở” là dù giá xăng tăng cao nhưng các dịch vụ vận chuyển vẫn ổn định, cam kết giữ giá. Nhờ vậy một số DN không phải tăng chi phí giá tour.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng nhóm Kích cầu du lịch phía Nam, tình hình lượt khách du lịch đi đường bộ không mấy lạc quan, thậm chí giảm nhưng lượt khách đi bằng đường hàng không lại tăng mạnh, góp phần làm cho cơ cấu tổng lượt khách được bão hòa hơn, DN vẫn có doanh thu. “Tính riêng chương trình kích cầu du lịch chỉ trong tháng 5 và 6, các DN du lịch đã bán được tour cho gần 4.600 khách, tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ năm 2012” - ông nói.
Bị DN nhỏ phá giá tour
Mặc dù các thông tin trên đều cho thấy số lượt khách lẫn doanh thu du lịch đều tăng nhưng nhiều DN trong ngành lại than rằng lợi nhuận của họ đang giảm.
Ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty Du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông, thừa nhận doanh thu của Hòn Ngọc Viễn Đông có tăng nhưng mức lợi nhuận thì ngược lại. Nguyên nhân là chi phí giá tour đội lên nên công ty phải cắt giảm lợi nhuận để kéo khách. “Ví dụ như trước đây, chúng tôi có thể lời 10% trên một tour nhưng nay cắt giảm xuống chỉ còn khoảng 7% để duy trì doanh thu và giữ khách” - ông Hải nói.
Cùng cảnh ngộ với ông Hải, ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Truyền thông Du lịch Việt, cũng cho biết doanh thu của Du lịch Việt sáu tháng đầu năm vẫn đảm bảo trong khi mức lợi nhuận đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2012. “Lợi nhuận giảm, kinh tế khó khăn, DN lữ hành còn phải đồng loạt giảm giá tour để đảm bảo doanh thu. Giảm giá thì tốt nhưng hệ lụy là khách hàng quen với mức giá này rồi thì nay mai khó tăng trở lại” - ông nói.
Đặc biệt theo ông Long, hiện nay có tình trạng một số DN nhỏ “rút ruột” tour du lịch bằng cách cắt giảm một số dịch vụ để có giá tour rất rẻ. Nhưng cách làm này chẳng khác nào “tự bóp cổ mình” vì khách đi một lần là sẽ không quay lại.
“Chúng tôi đang khá vất vả trong việc cạnh tranh giá tour với các DN du lịch nhỏ này. Họ chào giá bán tour thậm chí còn không bao gồm thuế VAT làm cho giá tour của họ trước mắt là thấp hơn giá tour của các DN như chúng tôi đến 10% rồi. Chưa kể, một số DN nhỏ cứ nhận thực hiện tour với giá rẻ nhưng nhân sự thì chỉ có vài ba người, chất lượng tour khó đảm bảo” - bà Hà (Du lịch Hòa Bình) cho biết thêm.
Nỗi lo khách giảm trở lại
658.325 là số lượt khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trong tháng 7-2013, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung cả bảy tháng đầu năm, tổng lượng khách đạt gần 4,2 triệu lượt, tăng 5,9%. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 105.000 tỉ đồng, tăng 23,5%.
Theo Tổng cục Thống kê
|
Mùa cao điểm du lịch thường chỉ gói gọn trong ba tháng, do đó các DN lữ hành đang lo ngại từ tháng 8 trở đi sẽ thiếu hợp đồng. “Trong suốt tháng 7 qua, chúng tôi chưa nhận được hợp đồng nào cho tháng 8” - ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng nhóm Kích cầu du lịch phía Nam, lo lắng.
Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông cũng đang gặp phải tình trạng này, rất khó mời khách đoàn mua tour vào tháng 8 và 9.
“Rõ ràng với tình hình kinh tế khó khăn, nhiều DN, cơ quan đã cắt giảm chi phí tổ chức du lịch cho cán bộ công nhân viên khiến lượng khách đoàn giảm hẳn, đến 30% so với cùng kỳ năm 2012. Trong hai tháng tới, có lẽ số khách đăng ký tour cũng chưa thể có gì sáng sủa hơn” - ông Hải nói.
“Mùa thấp điểm du lịch thì cả DN lớn và nhỏ đều khó khăn. Tuy nhiên, dù giá tour giảm thì DN cũng phải giữ dịch vụ. Có như vậy khách hàng mới biết tới và chọn lựa lâu dài. Nhu cầu đi du lịch giá rẻ không hề thiếu, vấn đề là ở cách làm” - ông Trần Văn Long (Du lịch Việt) nói thêm.
Một số DN lữ hành cho rằng giải pháp đối với các DN cùng ngành thời điểm này là tăng cường các gặp gỡ với nhà cung cấp dịch vụ nhằm bàn thảo giá tour tốt nhất cho cả hai bên.
Mai Phương
Pháp luật tphcm
|