Đốt cả đống tiền, K+ vẫn liên tục than lỗ
Lãnh đạo K+ cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến K+ lỗ liên tục trong 3 năm qua là do đầu tư lớn và kiên quyết giữ sóng “sạch”.
Tại buổi họp báo thông báo sẽ tiếp tục phát sóng Giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) trong 3 mùa giải 2013 - 2016 và ra mắt kênh truyền hình mới K+PM dành cho phái mạnh vào cuối tuần qua của Tổng công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV - K+), dư luận rất quan tâm đến tình trạng thua lỗ 3 năm liên tiếp của doanh nghiệp này.
K+ được IMG đánh giá cao về uy tín, năng lực sản xuất nội dung, cũng như hạ tầng phát sóng
|
Tình trạng thua lỗ của các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền đã trở thành “chuyện thường ngày”.
Ngoại trừ VTV với SCTV ở khu vực phía Nam và VCTV ở khu vực phía Bắc vẫn đang “sống khỏe”, còn lại hầu hết nhà đài khác đều đang trong tình trạng thua lỗ.
Đơn cử, sau 10 năm hoạt động, VTC vẫn đang đặt mục tiêu thoát lỗ bằng kế hoạch tái cấu trúc trong giai đoạn 2012 - 2015.
AVG sau khi “đốt cả đống tiền” đầu tư hạ tầng, lại đang vật vã thua lỗ với vài chục ngàn thuê bao.
Công ty Điện tử và Truyền hình cáp Việt Nam, đơn vị thành viên của VTC vừa phải bán 51% cổ phần cho VCTV để lấy tiền trang trải nợ nần. Truyền hình cáp TP.HCM (HTVC) sau thời hoàng kim với hơn 700.000 thuê bao, hiện cũng đang lao dốc…
Có nhiều thông tin không chính thức về con số thua lỗ của K+. Vấn đề mà dư luận quan tâm hiện nay là mặc dù lỗ, nhưng K+ vẫn tiếp tục đổ hàng chục triệu USD để mua bản quyền phát sóng EPL cho 3 mùa bóng tới có phải là một cuộc phiêu lưu và khách hàng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng gì?
Ông Jacques Aymar de Roquefeuil, Phó tổng giám đốc K+ cho biết, cũng giống như các đơn vị khai thác truyền hình trả tiền khác, K+ phải chấp nhận thua lỗ trong thời gian đầu, do phải đầu tư chi phí thuê vệ tinh, thiết bị và công nghệ. “K+ thua lỗ là bình thường, giống như các doanh nghiệp truyền hình trả tiền khác trên thế giới. Muốn hòa vốn, K+ phải có được lượng thuê bao nhất định”, ông Jacques Aymar de Roquefeuil cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về việc tại sao lỗ, nhưng K+ vẫn từ chối quảng cáo, ông Jacques Aymar de Roquefeuil khẳng định, Canal Overseas (thuộc Tập đoàn Canal+) đang đầu tư 7 hệ thống truyền hình vệ tinh tại 5 châu lục.
Trên tất cả các hệ thống này, Canal+ triển khai một mô hình đồng nhất là giữ sóng “sạch” không chèn quảng cáo. Vì vậy, nguồn thu duy nhất là từ phí thuê bao. Đối với K+, mặc dù đang lỗ, nhưng K+ cam kết sẽ giữ sóng “sạch”, kiên quyết không quảng cáo xen giữa nội dung các kênh của mình.
Đại diện K+ cho biết, chi phí mua bản quyền EPL là khoản chi phí kinh doanh nằm trong kế hoạch của K+. Các kế hoạch kinh doanh của K+ đã được hoạch định từ năm 2010 và việc K+ lỗ cũng nằm trong dự tính của K+.
Liên quan đến phản ứng gay gắt của Hiệp hội Truyền hình Trả tiền Việt Nam (VNPayTV) khi mới đây, VNPayTV tiếp tục gửi văn bản tới các cơ quan có thẩm quyền xử lý việc độc quyền các trận đấu hay nhất của EPL, ông Cao Văn Liết, Tổng giám đốc K+ cho biết, K+ không chỉ phát sóng trên hạ tầng riêng, mà sẵn sàng kết hợp với các đơn vị truyền hình trả tiền có hạ tầng kỹ thuật số khác để cung cấp nội dung EPL.
Hiện nay, các thuê bao của các hệ thống truyền hình của Viettel, VTVCab và FPT đang bán gói đồng phân phối hai kênh K+1 và K+NS (từ ngày 1/8/2013, sẽ có thêm kênh K+PM) với mức giá 150.000 đồng/tháng.
Theo ông Dale Levin, Phó giám đốc phụ trách bán hàng của IMG Media (đơn vị bán bản quyền EPL cho K+), IMG đã bán cho K+ 2 gói hấp dẫn nhất trong 3 gói mà IMG đã chia nhỏ và hiện IMG đang thương lượng với các đài còn lại của Việt Nam để bán tiếp gói 3 (khoảng 280 trận không thuộc gói 1 và 2).
“Việc bán bản quyền EPL được đấu thầu cạnh tranh, công khai. IMG chọn K+ không phải vì tài chính, mà vì IMG đánh giá cao uy tín, năng lực sản xuất nội dung, hạ tầng phát sóng, chiến lược… của K+”, ông Dale Levin khẳng định.
Hữu Tuấn
đầu tư
|