Thứ Hai, 29/07/2013 15:53

Giảm lĩnh vực Nhà nước nắm cổ phần chi phối

Đồng tình với việc loại bỏ một số lĩnh vực, ngành nghề, song việc chia doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành 4 loại được đánh giá là sẽ gây khó cho tiến trình cổ phần hoá.

Theo quy định hiện hành, DNNN chỉ có 2 loại, gồm loại Nhà nước nắm giữ 100% vốn và loại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Còn theo Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 14/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến đóng góp, thì thành phần kinh tế chủ đạo này được phân làm 4 loại: Nhà nước nắm giữ 100% vốn, Nhà nước nắm trên 75% cổ phần, từ trên 65% đến 75% cổ phần và từ trên 50% đến 65% cổ phần.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng mạnh dạn đề xuất loại bỏ một số lĩnh vực ra khỏi danh mục Nhà nước giữ 100% cổ phần hoặc giữ cổ phần chi phối, như sản xuất thuốc lá điếu; sản xuất gang, thép có công suất trên 500.000 tấn/năm; sản xuất xi măng lò quay có công suát trên 1,5 triệu tấn/năm; bảo hiểm…

“Việc phân loại chi tiết ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, nhưng vẫn bảo đảm Nhà nước nắm giữ được quyền định hướng, chi phối với mức độ khác nhau tại những ngành, lĩnh vực cần thiết”, ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Vẫn theo ông Hùng, việc tiếp tục thu hẹp ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần/vốn góp chi phối bảo đảm nguyên tắc DNNN có cơ cấu hợp lý hơn; tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và an ninh, quốc phòng; làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo...

Tại cuộc họp lấy ý kiến về Dự thảo thay thế Quyết định 14/2011/QĐ-TTg vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào cuối tuần qua, các chuyên gia kinh tế, đại diện nhiều tập đoàn, tổng công ty bày tỏ sự đồng tình với việc loại bỏ một số ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước giữ 100% vốn và nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng chưa đồng tình với việc “chia nhỏ” loại hình DNNN.

Ông Nguyễn Đình Tài, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nếu “đẻ” thêm loại hình doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu từ trên 65% đến 75% vốn và loại trên 75% vốn chẳng khác nào tăng quyền kiểm soát của Nhà nước, nên làm giảm sự hấp dẫn đối với đầu tư vào những loại doanh nghiệp này.

Theo ông Tài, cần đánh giá lại xem việc chia DNNN làm 2 loại như hiện nay có ảnh hưởng gì tới việc cổ phần hóa không, nếu không thì phải cân nhắc lại việc “chia nhỏ” loại hình DNNN.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cũng lo ngại: “Việc phân chia DNNN làm 4 loại như Dự thảo có thể cản trở tiến trình cổ phần hóa vốn đã gần như giậm chân tại chỗ nhiều năm nay”.

Ông Bảo đề xuất, một mặt phải nghiên cứu lại việc chia nhỏ, mặt khác cũng nên nghiên cứu cách thức phân loại theo quy mô. “Mục tiêu chính của việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, ngoài việc xác định rõ ngành nghề, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ để làm căn cứ xây dựng phương án tổng thể sắp xếp DNNN, còn nhằm thực hiện mục tiêu đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa”, ông Bảo phát biểu.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, đại diện tập đoàn, tổng công ty, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, việc phân DNNN làm 4 loại nhằm thực hiện lộ trình, sắp xếp DNNN mang tính dài hạn, tạo điều kiện cho các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc xây dựng lại phương án sắp xếp theo đúng tinh thần của Quyết định 929/2012/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”.

Nam Kinh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Dạ Lan, Tribeco - Cùng kịch bản (29/07/2013)

>   Bốn dự án FDI tỷ USD được cấp phép trong tháng 7 (29/07/2013)

>   Đón đầu Cù lao Chàm (29/07/2013)

>   Vốn đối ứng giật gấu vá vai, Dự án ODA lãnh đủ (29/07/2013)

>   Đốt cả đống tiền, K+ vẫn liên tục than lỗ (29/07/2013)

>   Đại gia Việt 'nuốt trọn' Daewoo HN nhờ... ao rau muống (29/07/2013)

>   Hải quan hụt thu hàng chục nghìn tỷ đồng (29/07/2013)

>   Ô tô giảm giá mạnh đón tháng ‘cô hồn’ (29/07/2013)

>   Hàng không thoát lỗ nhờ tiết giảm chi phí (29/07/2013)

>   Hàng không thoát lỗ nhờ tiết giảm chi phí (29/07/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật