Vietinbank muốn hạ lãi suất tiết kiệm còn 6%/năm
Tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm vừa diễn ra, đề xuất đưa lãi suất huy động xuống 6%/năm của Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietinbank (HOSE: CTG) đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều.
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietinbank
|
Theo ông Phạm Huy Hùng, tín dụng 5 tháng đầu năm tăng trưởng quá thấp, trong khi chênh lệch lãi suất tiết gửi và lãi suất cho vay mà các ngân hàng được hưởng rất thấp.
"Lãi biên hiện nay sau trừ trích lập dự phòng rủi ro chỉ còn 1,5-1,8%, mức thấp nhất chưa từng có", ông Hùng khẳng định.
Để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, ông Hùng đề nghị, Ngân hàng nhà nước (NHNN) tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất huy động xuống 6%, bởi lãi suất càng cao nợ xấu càng cao, nợ xấu cao, trích lập dự phòng lớn thì ngân hàng càng chịu gánh nặng lớn.
Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng ý của đa số ngân hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Agribank cho rằng, thị trường tiền tệ hiện nay đã bắt đầu "có vấn đề". Biểu hiện là việc dịch chuyển vốn từ ngoại tệ sang VND bắt đầu chậm lại. Thanh khoản tiền đồng chưa hẳn đã dồi dào. Sau khi NHNN chỉ đạo giảm mạnh lãi suất thì tình hình huy động vốn ở nhiều nơi trở nên căng thẳng. Một số ngân hàng thương mại đưa lãi suất lên cao để huy động vốn.
"Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất và tỷ giá cần ổn định. Nếu lãi suất thay đổi, dù chỉ rất nhẹ cũng sẽ làm thị trường méo mó. Về tỷ giá cũng cần ổn định, tuyên truyền mạnh mẽ để ổn định tâm lý thị trường, tránh tin đồn thất thiệt", ông Bảo khuyến cáo.
Riêng về chất lượng tín dụng, nhiều lãnh đạo ngân hàng đồng thuận khi cho rằng, chất lượng tín dụng nhìn chung vẫn chưa được cải thiện, dù tỷ trọng nợ xấu giảm. Nhiều khoản nợ đã được cơ cấu nợ trước đây có khả năng xấu hơn, tiếp tục gây áp lực với hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay là khả thi, song việc mở rộng tín dụng phải cực kỳ cân nhắc, nếu không nợ xấu sẽ quay trở lại với hậu quả khó lường.
Trước những ý kiến này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, dù vốn của hệ thống ngân hàng đã dồi dào hơn trước song chưa về mức an toàn. Dù hiện tại, có nhiều thông tin cho rằng hệ thống ngân hàng thừa vốn, song theo Thống đốc, về lâu dài, hệ số sử dụng vốn (tỷ lệ cho vay trên huy động vốn) cần phải tiếp tục củng cố thì an toàn vốn của hệ thống mới được ổn định.
Về lãi suất, Thống đốc cho rằng, lãi suất huy động 5-6%/năm, lãi suất cho vay 8-10%/năm là mong muốn của NHNN. Tuy nhiên, các mức lãi suất đó phải phù hợp với điều kiện kinh tế ổn định hơn. Hiện nay, lạm phát đã được kiềm chế nhưng khả năng tăng cao trở lại vẫn hiện hữu. Vì vậy, chính sách ưu tiên hiện nay là đảm bảo ổn định lâu dài, tránh vòng luẩn quẩn được lạm phát thì mất tăng trưởng và ngược lại. Do đó, việc hạ lãi suất sẽ phải cân nhắc rất kỹ.
"Từ nay đến cuối năm, trần lãi suất huy động có thể sẽ được giữ ổn định hoặc xuống không đáng kể. Tâm lý của người Việt Nam tin tưởng vào đồng Việt nam đã cải thiện nhưng chưa ổn định vì thế nếu không cẩn thận thì sẽ lại rủi ro", Thống đốc lý giải.
Thùy Liên
đầu tư
|