Tăng trưởng tín dụng: 3/4 con đường trước mặt
Tính đến 31/5/2013, tín dụng mới chỉ tăng 2,98% trong khi mục tiêu cả năm là 12%.
Ngành ngân hàng đang nỗ lực cán đích 9% còn lại trong nửa năm còn lại, nhưng xem ra điều này không dễ dàng, khi tổng cầu chưa hồi phục, trở ngại nợ xấu vẫn đeo bám và các ngân hàng quá chặt chẽ trong xét duyệt khoản vay.
“Lùa” vốn vào sản xuất
Tại cuộc họp sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2013 diễn ra ngày 17/6/2013, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nói, đến 31/5/2013, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng ở mức... “khích lệ” với 2,98% so với con số 0,56% của 5 tháng đầu năm 2012; trong đó, tín dụng VND tăng 5,48%, ngoại tệ giảm 8,41%.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp nhưng cơ cấu chuyển dịch theo hướng tập trung chủ yếu cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tín dụng các lĩnh vực: “tam nông” tăng 4%, xuất khẩu tăng 5,74%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 1%, công nghiệp hỗ trợ tăng 0,02%.
Cũng đến cuối tháng 4/2013, dư nợ cho vay thu mua lúa, gạo đạt 30.660 tỷ đồng, tăng 36,6% so với 31/12/2012; dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của 4 ngân hàng thương mại nhà nước theo chính sách giảm tổn thất tăng 15% so với cuối 2012.
Đặc biệt, lãi suất các khoản vay cũ và mới đối với hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm được kéo xuống mức phổ biến là 10%/năm.
Cùng đó, doanh số cho vay cá tra, tôm, chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm đạt 63.193 tỷ đồng, trong khi dư nợ thực tế là 50.110 tỷ đồng.
Một điểm nổi bật khác trong chính sách tín dụng 6 tháng đầu năm là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã ban hành hai thông tư số 11 và thông tư số 7, triển khai cho vay gói hỗ trợ thị trường bất động sản trị giá 30 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã ký hợp đồng nguyên tắc tái cấp vốn với 5 ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ giải ngân gói vốn này để các đơn vị có vốn giải ngân, còn Agribank đã ký hợp đồng nguyên tắc cho vay hỗ trợ nhà ở với 13 dự án của 10 doanh nghiệp, trong đó có 6 dự án được Bộ Xây dựng đề xuất danh mục dự án nhà ở xã hội được vay vốn.
Đại diện Agribank, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng Thành viên “khoe”: “Các ngân hàng khác khó tăng tín dụng nhưng với Agribank thì không đến nỗi quá khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng Agribank tăng 4,2%, riêng kinh tế hộ tăng gần 6% vì đây là thị trường chính của chúng tôi”.
Còn ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhongBank lại mong muốn được tăng trưởng nhiều hơn chỉ tiêu chung 12% của toàn ngành.
Ông nói: “Chúng tôi đã tự tái cơ cấu xong, các chỉ tiêu an toàn theo quy định đều đạt và vượt. Mặc dù quá thấm thía bài học vung vãi tín dụng như trước đây, nhưng với quy mô tín dụng nhỏ mà chỉ tăng trưởng 12% thì rất khó cân đối lời lãi. Thế nên, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế cho phép các đơn vị nhỏ như TienPhongBank được tăng trưởng tín dụng lớn hơn mức chung toàn ngành”.
Đạt mục tiêu cách nào?
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong năm qua, toàn ngành đã giải quyết được rất nhiều công việc quan trọng, mà một trong số đó là lãi suất tiền vay.
Thời điểm này năm ngoái, tỷ lệ dư nợ có lãi suất trên 15% chiếm tới 65% tổng dư nợ, nhưng nay, lãi suất khoản vay mới đều về mức 10%/năm.
Cụ thể, có tới 14% tổng dư nợ lãi suất 10%/năm; 64% tổng dư nợ lãi suất dưới 13%/năm; 50% tổng dư nợ có lãi suất từ 10% - 13%/năm trong khi lãi suất trên 15%/năm chỉ còn chiếm tỷ lệ 12%.
Bài toán lãi suất, theo ông Bình, cũng thể hiện được tính bền vững khi mà ở chiều huy động, mặc dù trần huy động là 7,5%/năm nhưng rất nhiều đơn vị huy động ở mức thấp hơn, thậm chí, lãi suất huy động trung và dài hạn ở nhiều ngân hàng chỉ 8% - 8,5%/năm.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng thừa nhận áp lực lớn trong việc tăng trưởng tín dụng ở mức 9% trong 6 tháng cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu cả năm.
“Hết 6 tháng năm ngoái, tăng trưởng tín dụng âm nhưng đến tháng 3 năm nay đã dương. Mặc dù gặp khó khăn lớn do tổng cầu suy giảm, sức mua thấp, tài khóa chưa hỗ trợ xứng tầm nhưng có nhiều cơ sở để hoàn thành mục tiêu này”, Thống đốc nói.
Theo đó, với việc thông qua đề án xử lý nợ xấu đã tiếp sức cho nỗ lực tái cơ cấu nợ xấu của toàn ngành. Tính đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại được 285 nghìn tỷ đồng các khoản nợ, xấp xỉ 10% tổng dư nợ tín dụng mà nếu không, sẽ trở thành nợ xấu.
Cùng đó, các tổ chức tín dụng cũng trích lập được thêm 68 nghìn tỷ đồng, trong 4 tháng đầu năm xử lý được 7,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng nguồn này. Tiếp theo, với việc thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), sẽ hoạt động vào trung tuần tháng 7/2013, hy vọng xử lý được 50 - 70 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm nay.
“Hiến kế” để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9% trong nửa cuối năm 2013, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Agribank cho rằng, cần phải mở hai “van” mà trước hết là giải quyết nhanh ách tắc từ việc xử lý tài sản bảo đảm.
Bởi lẽ, hiện nay, việc phát mãi tài sản bảo đảm vô cùng khó khăn, tiêu tốn thời gian, chi phí lớn nhưng ngân hàng không đòi được nợ. Hai là, Chính phủ cần phải tác động mạnh vào chính sách tài khóa để gia tăng tổng cầu.
“Cần phải nâng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ, tăng đầu tư công, qua đó kích thích tổng cầu, vừa giải quyết tồn kho, giải quyết công ăn việc làm, để góp phần khơi thông tăng trưởng tín dụng”, ông Bảo nói.
Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank nhấn mạnh thêm: “Khi doanh nghiệp tư nhân thu hẹp đầu tư, dư địa chính sách tiền tệ đã cạn thì Chính phủ phải đưa ra nhiều quyết sách như tăng đầu tư công, giải phóng hàng tồn với giá thấp, kích cầu tiêu dùng nơi người dân; đồng thời, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động xuống mức 6%/năm để làm cơ sở hạ lãi suất tiền vay, thì mới có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm”.
Nguyễn Hoài
vneconomy
|