Lãi suất cho vay tiêu dùng cao ngất ngưởng
Mặc dù các ngân hàng liên tục tung ra nhiều gói vốn cho vay tiêu dùng, mua ô tô, sửa chữa và mua nhà, song lãi suất cho vay thực tế vẫn cao ngất ngưởng.
Rầm rộ các chương trình cho vay cá nhân
Sức cầu trong nước chưa được cải thiện, khả năng hấp thụ vốn của khối khách hàng DN vẫn rất yếu, vì vậy, các ngân hàng đang tìm cách đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Cùng với việc hạ lãi suất tiết kiệm và hạ lãi suất cho vay với khách hàng DN, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với khối khách hàng cá nhân kèm theo nhiều ưu đãi khác.
HDBank vừa triển khai chương trình “Đại Phát Lộc cùng HDBank”, với gói tín dụng 1.000 tỷ đồng ưu đãi lớn cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, sản xuất - kinh doanh từ nay đến 20/9/2013. Theo đó, khách hàng cá nhân (bao gồm hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân) sẽ được hưởng mức lãi suất 0% áp dụng trong tháng đầu tiên và 11,86%/năm cố định trong 11 tháng tiếp theo. Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện của Chương trình sẽ được giải ngân nhanh chóng với thủ tục đơn giản. Phó tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung cho hay, gói tín dụng trên sẽ là giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh của khách hàng. Nhưng ông cũng thừa nhận, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cá nhân lúc này không phải là điều dễ dàng. Tâm lý khách hàng còn e ngại áp lực lãi suất và kỳ vọng lãi suất cũng như giá nhà ở sẽ còn giảm tiếp mới bắt đầu vay vốn.
Không chỉ với chương trình 30.000 tỷ đồng có mức lãi suất ưu đãi 6%/năm dành cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, mà các ngân hàng đã và đang mạnh tay bơm vốn cho thị trường bất động sản. Trong đó, tín dụng cá nhân mua nhà để ở được các nhà băng chú trọng nhiều hơn.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng dành gói vốn 1.600 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở. Tính đến thời điểm này, Sacombank đã giải ngân được khoảng 1.350 tỷ đồng cho 2.400 khách hàng. Lãi suất cho vay thấp nhất là 9%/năm. Bên cạnh đó, Sacombank dành 1.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng đối với cán bộ nhân viên đang công tác tại các cơ quan, tổ chức với lãi suất góp đều 9%/năm.
Theo ông Tuệ, chiến lược của Sacombank (HOSE: STB) là từng bước đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, phân tán. Vì thế, nguồn vốn dành cho khách hàng cá nhân cũng dồi dào hơn.
Để khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, MaritimeBank (MSB) cho vay khách hàng cá nhân ưu đãi, giảm lãi cả năm bằng các sản phẩm như: ứng vốn, thấu chi không tài sản đảm bảo, vay tiêu dùng, vay mua bất động sản, vay kinh doanh. Mức lãi suất cho vay áp dụng trong chương trình chỉ từ 8%/năm…
Lãi suất thực tế vẫn cao
Thực tế, các mức lãi suất ưu đãi trên của ngân hàng áp dụng đối với tín dụng tiêu dùng chỉ có một thời hạn nhất định. Đơn cử tại MaritimeBank, lãi suất 8%/năm chỉ được ưu đãi trong 6 tháng đầu và sau đó lên đến 13,8%/năm ở 6 tháng tiếp theo.
Với gói tín dụng cá nhân của Sacombank, khách hàng có thể vay tối đa 100% giá trị mua, chuyển nhượng, xây, sửa chữa nhà, số tiền vay đến 10 tỷ đồng trong 10 năm đối với xây dựng, sửa chữa và 15 năm đối với mua bất động sản. Tuy nhiên, lãi suất 9%/năm cũng chỉ được áp dụng trong 2 tháng đầu tiên. Sau đó, lãi suất được áp dụng bằng lãi suất huy động cộng với biên độ 2%/năm trong 10 tháng tiếp theo và 4%/năm trong các năm còn lại.
Tại VietBank, gói vốn ưu đãi dành cho nhà giáo, bác sĩ, với tỷ lệ cho vay 100% giá trị tài sản đảm bảo trong thời hạn 15 năm và không cần chứng từ chứng minh thu nhập đối với khách hàng uy tín, mức lãi suất 8,5%/năm chỉ được ngân hàng này tính trên dư nợ ban đầu (dư nợ không đổi trong suốt thời hạn vay).
Các gói vốn dành cho khách hàng cá nhân thoạt nghe thì rất hấp dẫn, song tính kỹ lại, mới thấy mức lãi suất thực tế khách hàng phải trả là không hề thấp. Đáng chú ý là với cách tính lãi suất trên dư nợ ban đầu của một số ngân hàng hiện nay, nếu không thận trọng, khách hàng sẽ bị mắc “bẫy” khi ham lãi suất rẻ.
Với các khoản vay tín chấp (không tài sản đảm bảo), hiện vẫn có lãi suất cao ngất ngưởng. Bà Hạnh (làm việc tại một DN ở quận 3, TP. HCM) cho biết, bà vừa được nhân viên tín dụng của Citibank tại TP. HCM gọi điện tư vấn về vay vốn tiêu dùng. Nhân viên này cho biết, Ngân hàng đang triển khai cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp với điều kiện thu nhập từ tiền lương của khách hàng phải được trả qua thẻ ngân hàng từ 10 triệu đồng/tháng trở lên. Lãi suất cho vay được tính trên dư nợ giảm dần với mức từ 22 - 24%/năm. Nhưng đây cũng chưa phải là mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao nhất trên thị trường hiện nay. Chẳng hạn, Công ty Tài chính Prudential vẫn đang áp dụng mức lãi suất từ 26 - 28%/năm.
Thùy Vinh
đầu tư chứng khoán
|