Thẻ tín dụng: Thận trọng nợ xấu
Các ngân hàng cần phải thận trọng khi cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng. “Nhất là thời điểm kinh tế khó khăn, người tiêu dùng rất khó xác định chính xác thu nhập trong tương lai. Và nếu không tính toán cẩn thận rất có thể người vay chi tiêu vượt xa khả năng trả nợ của mình, nguy cơ nợ xấu tăng là hiện hữu”, một chuyên gia cảnh báo.
Dễ dàng mở thẻ tín dụng…
Không chỉ cung cấp cho khách hàng kênh thanh toán hiện đại, việc phát triển thẻ tín dụng thời điểm này còn là lối thoát cho tín dụng của không ít ngân hàng. Chính vì lẽ đó, thời gian qua, các ngân hàng không ngừng đưa ra nhiều chiêu hút khách mở thẻ. Phổ biến nhất là miễn phí mở thẻ, phí thường niên; đẩy mạnh liên kết với các đối tác để gia tăng ưu đãi cho khách hàng.
Ngân hàng nào mạnh chi hơn còn triển khai chương trình khuyến mại lớn với nhiều giải thưởng có giá trị. Đơn cử BIDV đang triển khai chương trình ưu đãi lớn cho chủ thẻ tín dụng quốc tế BIDV Flexi và BIDV Precious với nhiều quà tặng có giá trị như Iphone 5, Ipad Mini…
Bên cạnh đó, các ngân hàng liên tục ra mắt các sản phẩm thẻ tín dụng mới dành cho nhiều đối tượng khách hàng và tạo sức hút bằng điểm nhấn về chính sách. Có ngân hàng giảm điều kiện thu nhập tối thiểu cho người mở thẻ tín dụng, chỉ từ 4 – 5 triệu đồng.
Hay như tại OCB để mở thẻ ECC thậm chí khách hàng còn không phải mở tài khoản tại ngân hàng này. Và khách hàng chỉ cần bảng sao kê thu nhập hàng tháng thanh toán qua ngân hàng, bản photo CMND, hộ khẩu, hợp đồng lao động là có thể vay được tiền thông qua thẻ tín dụng. Trong khi đó, trước đây để mở một thẻ tín dụng yêu cầu của ngân hàng khá cao như tài sản thế chấp, phương án trả nợ… mới được xét duyệt cho mở thẻ.
Theo khảo sát phóng viên, hiện tại hầu hết các ngân hàng đều giao chỉ tiêu phát hành thẻ cho cán bộ nhân viên. Trước áp lực chỉ tiêu, các nhân viên của ngân hàng phải ráo riết tìm khách hàng. Việc người tiêu dùng trong một ngày nhận được 2 – 3 lời mời hấp dẫn mở thẻ từ cán bộ ngân hàng khá phổ biến. Điều đáng nói ở đây là khá nhiều người tiêu dùng dù không có nhu cầu chi tiêu qua thẻ tín dụng, nhưng “nể nang” nên vẫn mở cùng lúc nhiều thẻ tín dụng.
Trong khi đó, chi phí làm ra một chiếc thẻ không phải nhỏ. TS. Lê Thành Trung – Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán hiện đại nhiều tiện ích. Trong chừng mực nào đó, việc chi tiêu qua thẻ góp phần kích thích tiêu dùng của xã hội đồng thời gia tăng tín dụng cho ngân hàng. Mặt khác, cấp tín dụng qua thẻ cũng an toàn, hiệu quả hơn.
Do đó, theo ông Tùng việc khuyến khích mở thẻ và giao chỉ tiêu thẻ cho cán bộ là đúng. Nhưng vấn đề quan trọng đặt ra ở đây làm sao cho số lượng thẻ tín dụng phát hành phải đi đôi với chất lượng. “Nếu chỉ nhìn vào số lượng tăng nhanh chóng qua các chiến dịch quảng bá rầm rộ mà lơ là chất lượng là không nên”, ông Trung nói thêm.
Cẩn trọng nợ xấu
Một số chuyên gia bắt đầu lo ngại nợ xấu từ thẻ tín dụng sẽ tăng trong thời gian tới. Nguy cơ nợ xấu tăng từ thẻ tín dụng có thể thấy rất rõ từ nền kinh tế “tiêu trước trả sau” – nước Mỹ. Năm 2008 khi kinh tế Mỹ gặp nhiều khó khăn từ khủng hoảng tài chính, nợ xấu từ thẻ tín dụng tăng mạnh và các ngân hàng gặp nhiều rắc rối.
Thực tế tại Việt Nam đang diễn ra tình trạng trên. Do đó, các ngân hàng cần phải thận trọng khi cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng. “Nhất là thời điểm kinh tế khó khăn, người tiêu dùng rất khó xác định chính xác thu nhập trong tương lai. Và nếu không tính toán cẩn thận rất có thể người vay chi tiêu vượt xa khả năng trả nợ của mình, nguy cơ nợ xấu tăng là hiện hữu”, một chuyên gia cảnh báo.
Là người trong cuộc, theo ông Trung, quan trọng nhất là các ngân hàng phải nắm thật chắc thông tin về khách hàng cũng như kiểm soát được hạn mức cấp cho khách hàng. “Việc cấp hạn mức tín dụng tương xứng với mức thu nhập thì rủi ro ít đi”, ông Trung cho hay.
Ví dụ một người thu nhập cao chắc chắn hạn mức cấp tín dụng cho họ ở mức cao, còn với những người có mức thu nhập thấp hơn thì mức tín dụng được cấp cũng phải thấp hơn. “Chỉ khi các ngân hàng cố chạy theo thành tích, cố đạt mức dư nợ lớn trên lĩnh vực thẻ mà không theo dõi sát khả năng chi trả của khách hàng thì chất lượng tín dụng chắc chắn sẽ giảm đi, đồng nghĩa với việc nợ xấu có nguy cơ gia tăng”, - ông Trung nhận định.
Phó tổng giám đốc một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội cũng cho rằng, nhìn bên ngoài người tiêu dùng thấy dễ dàng mở thẻ tín dụng, nhưng thực tế khi ngân hàng phê duyệt hồ sơ toàn bộ thông tin của khách hàng đều được lưu trữ tại Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc NHNN. Cơ quan này có chức năng thu nhận, lưu trữ, phân tích, xử lý, dự báo thông tin tín dụng. Do vậy, chỉ cần người sử dụng thẻ phát sinh nợ xấu tại một ngân hàng thì tất cả các ngân hàng khác đều được thông báo và ngưng cấp tín dụng cho khách hàng này.
Và cũng để tránh sự hiểu lầm về việc ngân hàng “cài bẫy” người tiêu dùng, cán bộ ngân hàng khi tiếp thị khách hàng phải có trách nhiệm giải thích rất rõ về các điều khoản trong hợp đồng thời gian, lãi suất, lãi suất phạt quá hạn… “Ngân hàng là người cung ứng dịch vụ. Và dịch vụ đấy có tốt hay không chỉ khi người sử dụng am hiểu cũng như biết rất rõ về dịch vụ đó. Đó mới là một thành công trong phát triển dịch vụ của ngân hàng”, lãnh đạo ngân hàng trên nói thêm.
Hà Thành
thời báo ngân hàng
|