Thấy gì qua vụ 7 ngân hàng “canh” kho hàng một DN?
Vụ việc Công ty Trường Ngân, một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê hàng đầu ở Bình Dương bị 7 ngân hàng “canh” giữ kho hàng với số vay tổng cộng gần ngàn tỷ đồng vừa qua gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ vỡ nợ hàng loạt của các doanh nghiệp ngành cà phê.
Vỡ nợ vì găm hàng thiếu thông tin
Thực tế cho thấy trong các tháng đầu năm 2013 khi giá cà phê lên mức 46 triệu đồng/tấn nhiều đại lý, doanh nghiệp (DN) đã mua hàng dự trữ. Đến nay, vì hiệu quả kinh doanh không thể bán với giá thấp hơn 2.000 USD/tấn, nhiều DN lao đao trong hoạt động kinh doanh mặt hàng có nhiều rủi ro do phụ thuộc vào giá trong khi đó tỷ lệ vay vốn tín dụng của hoạt động kinh doanh cà phê nhiều năm qua rất cao so với vốn chủ sở hữu của các công ty.
Tài sản đảm bảo bằng kho hàng đặt ra nhiều vấn đề quản lý cấp tín dụng
|
Nhìn lại thực tế có thể thấy việc các đại lý, công ty kinh doanh cà phê thua lỗ dẫn đến vỡ nợ không phải là chuyện mới xảy ra mà hầu như năm nào cũng có.
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa), trong năm 2012 hơn 100 DN, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên vỡ nợ, số nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Thiệt hại trong những vụ vỡ nợ này luôn thuộc về người dân, bởi hầu hết khi ký gửi cà phê, cho vay tiền mặt chỉ có giấy nợ viết tay.
Trong khi đó, tại Đắk Lắk - địa phương có sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, riêng trong năm 2012 đã có 43 DN, đại lý kinh doanh cà phê vỡ nợ, mất khả năng thanh toán khoảng 300 tỷ đồng và nợ nông dân 3.000 tấn cà phê nhân ký gửi. Hơn một nghìn nông dân Đắk Lắk mất trắng tài sản vì đã ký gửi cà phê cho các đại lý thu mua.
Theo lý giải của lãnh đạo một số DN kinh doanh xuất khẩu cà phê, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các DN lâm vào tình trạng vỡ nợ là do vay vốn quá lớn. Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Công ty Trường Ngân cho rằng: “trong năm 2012 có những thời điểm công ty phải vay với lãi suất hơn 20%, với mức lãi này DN khó có thể cân đối kinh doanh để có lời và trả nợ”.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân căn bản nhất được các nhà phân tích ngành hàng cà phê nhắc tới là việc kinh doanh dựa trên những dự báo thiếu đầy đủ. Ví như việc găm hàng tích trữ chờ giá lên của những nhà kinh doanh cà phê. Khi các đại lý, DN đồng loạt mua gom sẽ khiến nguồn cung thiếu hụt, trong ngắn hạn việc thiếu hụt này sẽ ngăn chặn đà giá giảm và hỗ trợ giá lên.
Tuy nhiên, khi tổng lượng hàng tích trữ đủ lớn sẽ gây tác dụng ngược. Khi đó, nguồn cung trong hiện tại hoặc dự báo nguồn cung trong tương lai sẽ tăng gây áp lực giảm giá lên thị trường khiến các DN nắm giữ hàng hóa phải bán ra trong khi phía người mua sẽ có cơ hội để ép giá.
Từ thực tế cho thấy, việc kinh doanh cà phê ở Việt Nam nhiều năm nay vẫn chủ yếu bị chi phối bởi cách làm ăn thiếu chặt chẽ giữa các DN và đại lý thu mua cà phê. Hầu hết các đại lý không có đầy đủ những thông tin phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật khi tiến hành hoạt động mua gom, ký gửi mà chủ yếu dựa vào những dự báo, dự đoán không đầy đủ. Một đại lý kinh doanh cà phê cùng lúc mua bán với hàng chục DN xuất khẩu cà phê với phương thức mua bán chủ yếu dựa trên quan hệ quen biết, ít có ràng buộc pháp lý cụ thể.
Vì thế khi các đại lý hám lợi lún sâu vào nợ nần thì không ít DN thiệt hại theo vì trước đó đã đầu tư “mua non” bằng cách ký chốt giá và ứng trước tiền mặt cho các chủ đại lý để giữ hàng.
Áp lực giá giảm
Lãnh đạo một số ngân hàng khu vực Tây Nguyên cho biết, do tính đặc thù về giá nên mặt hàng cà phê thường phải luân chuyển mua, bán ra vào kho. Những ngân hàng cấp tín dụng cho cà phê thế chấp bằng kho hàng quản lý về giá trị, chứ không như thế chấp bằng các tài sản bất động sản. Tuy nhiên muốn lấy hàng trong kho ra bán bên vay phải báo với ngân hàng và các thỏa thuận về đưa sản phẩm thế chấp là hàng hóa ra bán rất chặt chẽ.
Tài sản thế chấp bằng kho hàng trong các khoản vay chỉ an toàn khi tài chính của DN vay vốn lành mạnh, trình độ quản lý hiệu quả và đặc biệt giá cả cà phê tương đối ổn định trong một khoảng thời gian nhất định.
Thế nhưng, ba tháng gần đây giá cà phê liên tiếp giảm ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, hiện nay cùng với sức ép trả nợ ngân hàng và áp lực bán ra bằng mọi giá, nhiều DN rơi vào khủng hoảng. Từ đó kho hàng thế chấp vơi dần ảnh hưởng đến những ngân hàng nào sử dụng tài sản thế chấp bằng kho hàng trong ngành cà phê.
Trong khi đó các dự báo đều cho thấy trong ngắn hạn chưa có dấu hiệu giá cà phê sẽ đi lên, mặc dù đại lý và nông dân giảm lượng bán nhưng giá vẫn tụt dốc. Giới phân tích lo ngại về một chu kỳ 6 năm giới đầu cơ quốc tế lại đổ tiền vào chứng khoán và ngay sau đó là bất động sản mà bỏ bê thị trường hàng hóa đã tác động lên giá cà phê sụt giảm như hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Bình - Giám đốc Công ty TNHH CTA Việt Nam cho rằng, trong những tháng gần đây, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm dần khoảng 100-110 USD/tấn. Với mức giá 1.800-1.900 USD/tấn trên sàn giao dịch trong khi giá nội địa dao động quanh mức 40.000 đồng/kg thì chỉ những người “có gan” mới dám mua trữ chờ giá cao kiếm lời còn người kinh doanh chuyên nghiệp chỉ biết ngồi nhìn nhau vì bán ra sẽ lỗ.
Hoạt động cho vay vốn thế chấp bằng kho hàng là một nghiệp vụ hết sức thông thường của các ngân hàng trong việc triển khai tín dụng. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là một công ty đã thế chấp đến 7 ngân hàng, vấn đề đặt ra cho tín dụng cà phê là cán bộ tín dụng quản lý việc đưa hàng ra, hàng vào kho có chặt chẽ theo cam kết trong hợp đồng tín dụng. Trách DN thiếu thông tin một, thì chê bên cho vay mười, vì thiếu phân tích và dự báo mặt hàng nhận làm tài sản đảm bảo và uy tín bên đi vay.
Nhằm hỗ trợ các DN kinh doanh xuất khẩu cà phê trong nước, Bộ NN&PTNT vừa có công văn trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị thêm mặt hàng cà phê vào nhóm các mặt hàng được xem xét gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng theo Nghị quyết 02/2013/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 5/2013, xuất khẩu cà phê cả nước ước đạt 697.000 tấn, kim ngạch khoảng 1,49 tỷ USD, giảm 23% về khối lượng và gần 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. |
Thạch Bình – Phạm Hà
thời báo ngân hàng
|