Đền bù giải phóng mặt bằng ở Hải Dương:
Giá 1m2 đất không bằng nửa cân thịt bò
Năm 2010, huyện Bình Giang (Hải Dương) giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo đường 394 (đoạn đi qua thôn Cậy, xã Long Xuyên).
Ông Cao Ngọc Quang (PGĐ Sở TN&MT tỉnh Hải Dương - trái): Bản đồ 299 không phải là cơ sở pháp lý để tính giá đền bù.
|
Việc đền bù ở đây bất công bằng đến nỗi làm 119 hộ dân phải long đong trong bức xúc, khiếu kiện suốt hơn 2 năm qua. Đại diện cho 56 hộ dân ở thôn Cậy - bà Trần Thị Thúy - bức xúc: “Chính quyền huyện Bình Giang dùng “chiêu bài” ép dân nhận giá đền bù đất đai tới mức 1m2 không bằng một nửa cân thịt bò”.
Bất công tột độ
Xác minh đơn thư của bạn đọc, chúng tôi nhận thấy, trong khi mức bồi thường theo giá đất ở mà Nhà nước quy định là 4 triệu đồng/m2 thì rất nhiều hộ gia đình chỉ nhận được số tiền 100.000 đồng/m2. Số tiền này thay vì được gọi là “đền bù” thì được gọi là “hỗ trợ”.
Cụ thể, trường hợp gia đình anh Đỗ Văn Thiệp, được bố mẹ để lại cho 3 anh em trong gia đình, mỗi người một lô đất trên mảnh đất do xã Long Xuyên cấp (năm 1965). Thế nhưng, khi được nhận tiền đền bù, chỉ có hộ của anh trai cả là Đỗ Văn Tiến được đền bù theo đúng giá 4 triệu đồng/m2, những người còn lại chỉ được nhận tiền hỗ trợ 100.000 đồng/m2.
Bất công bằng đến khó hiểu trong trường hợp gia đình anh Phạm Văn Hùng là 3 người con cùng được bố mẹ chia cho 4 mảnh đất giống nhau về nguồn gốc, nhưng khi chính quyền đền bù, họ nhận được 3 mức giá khác nhau: 100.000 đồng/m2, 2 triệu đồng/m2 và 4 triệu đồng/m2.
Cũng thật nực cười, chị Tô Thị Hòa (sinh năm 1962) và anh Phạm Văn Hải (sinh năm 1964), sau 12 năm chung sống, hai anh chị đã ly hôn và chia nhau mảnh đất 50m2. Tuy nhiên, cùng một thửa đất như nhau, nhưng chị Hòa được đền bù 100.000 đồng/m2, trong khi anh Hải được đền bù 4 triệu đồng/m2.
5 anh em nhà anh Phạm Văn An thừa hưởng diện tích đất do bố để lại đã được xã cấp từ năm 1960, sau đó tách ra làm 5 hộ khác nhau. 4 người em của anh An được đền bù 4 triệu đồng/m2, nhưng riêng hộ của anh An lại được bồi thường 100.000 đồng/m2 (?).
Về việc đền bù đất bất công bằng này, người dân ở Bình Giang đã tham vấn chuyên gia đất đai Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT) và được ông Võ khẳng định: “Các hộ gia đình có hoàn cảnh giống nhau thì mức bồi thường phải được như nhau. Đấy là nguyên tắc mà chúng ta biết rằng, chắc chắn không ai nói nguyên tắc này là sai... Những trường hợp đó mà bồi thường khác nhau thì chắc chắn là phương án bồi thường đang có vấn đề”.
Giá 1m2 đất không bằng nửa cân thịt bò
Ngoài những trường hợp điển hình về việc bồi thường bất công bằng nêu trên, còn vô số những trường hợp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, tạo nên “làn sóng” khiếu kiện hơn 2 năm qua. Thế nhưng, chính quyền huyện Bình Giang vẫn nhất mực trả lời người dân rằng: Căn cứ vào bản đồ 299- năm 1980 để giải quyết.
Theo đó, những hộ “lấn, chiếm” - hay nói theo cách của chính quyền huyện Bình Giang- là “vượt lập”, không có trong bản đồ 299 - thì chỉ được “hỗ trợ” 100.000 đồng/m2. Làm việc với phóng viên Báo Lao Động, ông Cao Ngọc Quang (Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương) “lật tẩy” quan điểm của chính quyền huyện Bình Giang, rằng: Bản đồ 299 không phải là cơ sở pháp lý (chính quyền huyện Bình Giang giải thích với dân là cơ sở pháp lý), sổ mục kê chỉ là cơ sở xác định nguồn gốc người dân đã ở đó. Như vậy đã rõ ràng, việc dùng bản đồ 299 như một “bảo bối” để ép giá bồi thường cho người dân xuống 100.000 đồng/m2 là thiếu thuyết phục.
Một “lý lẽ” khác được chính quyền huyện Bình Giang nại ra để “ép giá” đền bù là người dân đã lấn chiếm “hành lang an toàn giao thông” đã được công bố, cắm mốc. Về vấn đề này, ông Đào Quang Hiệp (Trưởng phòng Quản lý giao thông vận tải tỉnh Hải Dương) thừa nhận thực tế cho thấy, lỗi không thuộc về người dân: “Tài liệu liên quan đến việc công bố (mốc giới, hành lang an toàn giao thông) ngày xưa hình thức như thế nào thực sự là chịu, chắc chắn là không có tài liệu đâu; ngay cả tài liệu chuyển từ loại đường cấp huyện lên thành loại đường cấp tỉnh cũng không tìm được”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì không thể “kết tội” người dân lấn, chiếm hành lang an toàn giao thông. Thêm nữa, làm việc với phóng viên Báo Lao Động, ông Vũ Quang Sang (Chủ tịch UBND huyện Bình Giang) cũng đã phải thừa nhận: Công tác quản lý đất đai ở địa phương bị buông lỏng, yếu kém. Vậy thì, người dân không thể phải gánh chịu sự thiệt thòi do lỗi của các cấp chính quyền địa phương.
Cũng trong buổi làm việc với phóng viên Báo Lao Động, ông Vũ Quang Sang đưa ra đề xuất: Nếu cấp trên (tỉnh Hải Dương) có văn bản hướng dẫn việc sử dụng bản đồ 299 (nói trên) không phải là căn cứ để giải quyết việc bồi thường, thì huyện Bình Giang sẽ giải quyết lại việc bồi thường cho các hộ dân.
Đỗ Lê Tảo
lao động
|