Thứ Hai, 17/06/2013 09:00

Xung quanh khuyến cáo không nhại kiến trúc Pháp: Bản sắc là bản sắc nào?

Bộ Xây dựng vừa khiến nhiều người giật mình bởi tuyên bố cả nước không xây dựng các công trình theo hướng nhại cổ kiểu kiến trúc cổ điển Pháp - châu Âu. Chỉ đạo của Bộ vừa mới phát ra thì ngày 13/6, Bộ lại xin đính chính thông tin này.

Kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này.

Một tuyến phố tại khu đô thị mới Văn Quán - Hà Nội.

Ông Nghiêm cho rằng: Văn bản của Bộ Xây dựng đã động đến vấn đề rất lớn đó là quản lý chất lượng kiến trúc mà nhiều năm qua gần như thả nổi.

Có không ít người, không ít cơ quan quản lý lâu nay cho rằng kiến trúc là sản phẩm của chủ đầu tư nên mạnh ai nấy làm, nhất là khi chúng ta chấp thuận để người dân tự xây dựng nhà. Định hướng phát triển kiến trúc hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc đã được nêu ra hơn 60 năm nay rồi, nhưng chúng ta vẫn lúng túng và chưa tìm ra giải pháp kiến trúc hợp lý cho từng vùng miền.

Thực tế chúng ta đã có những thành công về kiến trúc, nhất là giai đoạn dòng kiến trúc Pháp đưa vào Đông Dương và đã được Việt hoá rất thành công.

Tôi ví dụ trước đây, cửa nhà của người Việt chỉ có một lớp che nhưng người Pháp sang đã tạo ra cửa vừa có lớp kính, vừa có lớp cửa chớp rất phù hợp với khí hậu Việt Nam. Nhiều công trình kiến trúc đã khẳng định giá trị như tại Đà Lạt, Tam Đảo, Hà Nội, TPHCM...

Chúng ta đã đưa ra nhiều công cụ quản lý, vậy tại sao vẫn thiếu những công trình kiến trúc đẹp, giàu bản sắc?

Đúng là chúng ta đã có công cụ giám sát, quản lý, ví dụ như cấp phép xây dựng, cấp chứng chỉ quy hoạch, quản lý kiến trúc nhà mặt phố, thanh tra, cắt ngọn... nhưng thực chất thì quản lý kiến trúc hiện nay chưa đủ tầm, chưa thích hợp. Một nhà văn Nga đã nói rằng khi xa Tổ quốc, khi nhớ về Tổ quốc là nhớ về từng ngôi nhà, từng đường phố.

Văn bản của Bộ Xây dựng cần thận trọng hơn. Chấn chỉnh cần đi liền với quản lý, định hướng

KTS Đào Ngọc Nghiêm

Tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái có vẻ đẹp đặc trưng là hình ảnh những góc phố, căn nhà. Hội KTS Việt Nam đã nhận xét: Kiến trúc của Việt Nam lộn xộn và thiếu bản sắc. Yêu cầu đặt ra là chúng ta phải nhận diện những giá trị bao gồm cả những yếu tố từ bên ngoài đưa vào và cả những yếu tố bên trong. Vậy thế nào là bản sắc kiến trúc của từng vùng miền vẫn chưa được các cơ quan chức năng nghiên cứu, làm rõ.

Chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng kiến trúc cần những yêu cầu gì, thưa ông?

Đối với tình trạng “nhại” kiến trúc Pháp và kiến trúc cổ châu Âu thì là cần nhắc nhở nhưng không thể nhắc chung chung được, vì thực tế kiến trúc Pháp khi vào Việt Nam đã được sáng tạo, Việt hoá nhiều và đã có những giá trị không nhỏ như tôi đã nêu ở trên.

Rõ ràng trong văn bản của Bộ Xây dựng cần thận trọng hơn. Chấn chỉnh cần đi liền với quản lý, định hướng. Nhưng bản sắc là cái gì thì về lý thuyết chúng ta công nhận, nhưng thế nào là bản sắc thì chúng ta lại không rõ.

Năm 1991, cả nước chỉ có 6.000 KTS, nhưng chỉ có vài chục người được cấp chứng chỉ I thôi. Chứng chỉ loại I thì được làm công trình ở vị trí điểm nhấn, tầm cỡ quốc gia.

Còn KTS mới ra trường thì chỉ được phụ việc thôi, chứ chưa được làm chủ nhiệm đồ án. Việc kiểm soát hành nghề hiện nay còn rất yếu. Hiện nay, trăm hoa đua nở, ai ra trường cũng làm được, thậm chí sinh viên chưa tốt nghiệp cũng được thiết kế nhà dân rồi.

Vậy để có những công trình đẹp, mang bản sắc thì trước hết phải nhận diện được những giá trị, bản sắc kiến trúc Việt Nam. Đã có nhiều chuyên gia nghiên cứu, phân tích, nhưng chưa có sự thống nhất cao về nhận diện giá trị, bản sắc. Bên cạnh đó, phải nâng tầm người quản lý và đội ngũ KTS làm nghề.

Chúng ta có lực lượng thanh tra xây dựng nhưng không ai giám sát các giải pháp kiến trúc cả mà chỉ tập trung vào trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai thôi. Rồi việc cấp phép hiện nay ở cấp sở và quận, huyện cũng không mấy ai hiểu sâu về kiến trúc mà chủ yếu là xem mặt đứng, mặt bằng.

Minh Tuấn thực hiện

tiền phong

Các tin tức khác

>   Những dự án rớt giá nhiều nhất tại Hà Nội (16/06/2013)

>   Ồ ạt xây nhà trái phép chờ hai dự án nghìn tỷ đền bù (16/06/2013)

>   Gói 30.000 tỷ bắt đầu tiếp sức cho doanh nghiệp (15/06/2013)

>   Tiền nào, căn hộ nấy! (15/06/2013)

>   TPHCM bán hàng trăm nhà đất sở hữu nhà nước (14/06/2013)

>   Nhan nhản biệt thự rao bán rẻ như... nhà xã hội (14/06/2013)

>   Doanh nghiệp bất động sản: Tự xử (14/06/2013)

>   “Cấm xây nhà kiểu Pháp” là... sai sót in ấn (13/06/2013)

>   GS. Đặng Hùng Võ: Nên cho thế chấp BĐS tại ngân hàng nước ngoài (13/06/2013)

>   Một doanh nghiệp xây dựng kiện SHB (13/06/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật