Những dự án rớt giá nhiều nhất tại Hà Nội
Những dự án chưa hoàn thiện, nằm tại vị trí xa trung tâm vẫn đang đứng đầu độ rớt giá 40-50%.
Điển hình là huyện Mê Linh –một trong những trung tâm của các khu đô thị hoang. Theo thống kê ban giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh, hiện trên địa bàn có khoảng 50 dự án nhưng có tới 49 dự án chưa hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng. Tại những dự án đó, người dân vẫn còn đang canh tác hoa mầu, trồng hoa. Không những thế, tại nhiều dự án trên phần đất đã giải phóng xong mặt bằng hiên đang bị các chủ đầu tư bỏ hoang khiến cho cỏ mọc ngút đầu người.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, mặc dù dự án bị bỏ hoang nhưng trên thực tế từ năm 2009 nhiều chủ đầu tư đã thực hiện việc huy động vốn của khách hàng trong đó mức trung bình 1-3 tỷ đồng/lô đất liền kề, biệt thự.
Ước tính thì đã có cả nghìn nhà đầu tư đổ tiền mua đất ở Mê Linh nhưng thật trớ trêu khi mà tiền thì đóng theo đúng tiến độ hợp đồng còn đất mãi không được giao và trên thực tế đã có không ít các nhà đầu tư đang bị mắc cạn tại các dự án ở huyện Mê Linh.
Không những bị mất tính thanh khoản mà giá đất tại đây hiện cũng giảm quá nửa so với năm 2010. Thời điểm trước khi thị trường bất động sản còn đang trong giai đoạn hoàng kim, giá đất tại các dự án Mê Linh đã đạt ngưỡng rất cao từ mức 18-22 triệu đồng/m2. Đơn cử, dự án khu đô thị mới AIC giá đất mở bán chỉ dưới 10 triệu đồng/m2 đã có lúc được đẩy lên giao dịch mức 16-18 triệu đồng/m2. Giá đất dự án khu đô thị Cienco 5 khởi điểm chỉ có 3-5 triệu đồng/m2 nhưng sau qua bao lần mua đi bán lại đạt mức 22 triệu đồng/m2….
Tuy nhiên, khi thị trường gặp khó khăn, cùng với sự sụt giảm chung của thị trường thì giá đất ở Mê Linh lại tuột dốc không phanh. Hiện mặt bằng chung các dự án chỉ xoay quanh mức 10 -12 triệu đồng/m2 thậm chí có những lô đất bị cắt lỗ chỉ còn 6-7 triệu đồng/m2, giảm hơn 50% giá trị.
Lý giải nguyên nhân sụt giảm giá đất tại Mê Linh, ông Phan Xuân Cần - đại diện công ty BĐS Soho Việt Nam cho biết, thời điểm thị trường sốt nóng, mặc dù tính pháp lý dự án còn mù mờ nhiều chủ đầu tư dự án tại Mê Linh đã tranh thủ bán đất trên giấy và thu gần như hết tiền của khách hàng nhưng đã không triển khai vì vậy giá đất đã giảm mạnh mà vẫn không thể bán được bởi các dự án kiều này không có giá trị sử dụng.
“Sau cơn lốc giảm giá vừa qua, đến thời điểm này thì người mua nhà không dại dột gì dấn thân vào việc mua các dự án kiểu này thì ngay cả khi thị trường giảm mạnh nhiều người chấp nhận bán tháo để thoát thân thì những người mua nhà tại những dự án kiểu này sẽ không bao giờ bán được.” ông Cần cho biết
Cũng theo ông Cần, đã đến lúc cần phải quy trách nhiệm cho các chủ đầu tư. Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng này thì những khu đô thị đó sẽ bị hoang hóa và không đưa vào sử dụng được.
Về phía cơ quan quản lý, trước thực trạng của các dự án hoang, vừa qua Bộ Xây dựng đã kiến nghị với Chính phủ rất nhiều giải pháp để xử lý như thu hồi dự án chậm triển khai, cho chuyển đổi mục đích sử dụng tạm thời. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các địa phương rà soát, phân loại 3.742 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở với diện tích sử dụng đất là 90.612 ha. Đã tạm dừng triển khai 138 dự án (3,69% tổng số dự án) với diện tích 4.361 ha (4,81% tổng diện tích); tiếp tục triển khai 3.178 dự án (84,4%) với diện tích 82.897 ha (91,49%); đã hoàn thành 426 dự án (11,38%) với diện tích 3.354 ha (3,7%). Đồng thời, yêu cầu điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu cho phù hợp đối với 432 dự án với diện tích khoảng 22.024 ha7. Chính phủ đã yêu cầu, chỉ đạo các địa phương có nhiều dự án bất động sản, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát, phân loại để có giải pháp xử lý phù hợp với nhu cầu của xã hội, khắc phục tình trạng đất bỏ hoang.
Anh Đào
vnmedia
|