Không thể “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất!
Đây là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phục vụ cho phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về dự án luật này trong cả ngày 17/6.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... theo quy định của pháp luật.
|
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 210 điều (tăng 4 điều ), báo cáo cho biết.
Trong 22 vấn đề được giải trình có thu hồi đất, một nội dung không ngừng gây tranh cãi ở hầu hết các diễn đàn và ở chính nghị trường.
Với nội dung này, qua tập hợp ý kiến nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến tán thành quy định Nhà nước thu hồi đất. Một số ý kiến đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ và bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về trưng mua, trưng dụng. Việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
Có ý kiến đề nghị đối với tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân gắn liền với đất thì phải trưng mua.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, trao quyền sử dụng đất, thu hồi đất.
Các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất... theo quy định của pháp luật, báo cáo nêu rõ.
Luật trưng mua, trưng dụng tài sản quy định Nhà nước trưng mua nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Do đó, không thể thực hiện “trưng mua” thay cho “thu hồi” đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội “chốt” quan điểm.
Giải trình về ý kiến đề nghị không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho các mục đích, trong đó có quỹ đất dành cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Các dự án phát triển kinh tế, xã hội thuộc lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải do Nhà nước thu hồi đất để bảo đảm thực hiện, bao gồm các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, các dự án khác đã được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại khu vực khai thác đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản.
Báo cáo giải trình cũng nói rõ, khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.
Còn đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện nhưng không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất thì cho phép chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất để thực hiện dự án.
Ý kiến đóng góp không nên quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tại khu vực khai thác khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu khi chỉnh sửa điều 62 của dự án luật.
Điều 62: Thu hồi đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội
1. Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội trong các trường hợp sau đây:
a) Để thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
b) Để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình khác do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư;
c) Để thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp, các dự án khác đã được hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
2. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại khoản 1 điều này và điều 60, điều 61 của luật này mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thì được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khác để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của luật này.
3. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các dự án đầu tư.
4. Chính phủ quy định cụ thể điều này.
Nguồn: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
|
Nguyễn Lê
tbktvn
|