Phân tích kỹ thuật cổ phiếu ”nóng”: VPK - CTCP Bao Bì Dầu Thực Vật
Do cổ phiếu này đã vượt qua được Fibonacci Projection 61.8% nên việc mua vào khi giá về gần ngưỡng này (tương đương vùng 34,000 – 36,000) là khá an toàn. Chú ý cắt lỗ nhanh chóng nếu diễn biến bi quan và xuyên thủng ngưỡng 34,000. Nếu giá tiếp tục bứt phá, nhà đầu tư có thể xem xét chốt lời gần ngưỡng 41,000.
TÍN HIỆU KỸ THUẬT QUAN TRỌNG
Dài hạn: Đà tăng trưởng đang rất vững chắc. Giá của cổ phiếu CTCP Bao Bì Dầu Thực Vật (HOSE: VPK) liên tục duy trì bên trên SMA 200 ngày trong suốt 16 tháng qua cho thấy đà tăng trưởng dài hạn của cổ phiếu này đang rất vững chắc. Ngưỡng này cũng đóng vai trò hỗ trợ rất tốt cho giá trong các đợt điều chỉnh sâu bất ngờ của thị trường.
Bên cạnh đó, việc liên tục tạo nên những đỉnh mới cho thấy khả năng bứt phá và động lực tăng trưởng vẫn còn khá lớn.
Ngắn hạn: Nhóm momentum đanh hình thành phân kỳ giá xuống ngắn hạn. Hiện tại với sự tăng trưởng liên tục của giá đã khiến cho nhóm momentum duy trì khá lâu trong vùng overbought.
Điều này cho thấy khả năng hình thành phân kỳ giá xuống (bearish divergence) mạnh là rất lớn trong thời gian tới nếu giá không tiếp tục bứt phá.
Các ngưỡng hỗ trợ/kháng cự đáng chú ý xác định theo Fibonacci:
• Ngưỡng 0% : 22,500
• Ngưỡng 23.6% : 27,000
• Ngưỡng 38.2% : 29,800
• Ngưỡng 50.0% : 32,000
• Ngưỡng 61.8% : 34,000
• Ngưỡng 100.0%: 41,000
Chiến lược trading: Do cổ phiếu này đã vượt qua được Fibonacci Projection 61.8% nên việc mua vào khi giá về gần ngưỡng này (tương đương vùng 34,000 – 36,000) là khá an toàn. Chú ý cắt lỗ nhanh chóng nếu diễn biến bi quan và xuyên thủng ngưỡng 34,000.
Nếu giá tiếp tục bứt phá, nhà đầu tư có thể xem xét chốt lời gần ngưỡng 41,000.
MỘT SỐ THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý
Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng mạnh, KQKD năm 2012 đột biến. Theo BCTC hợp nhất kiểm toán, doanh thu năm 2012 của VPK tăng 25% so với năm 2011 và đạt 351.3 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 48.7 tỷ đồng, tăng đến 88% so với 2011.
Bên cạnh doanh thu tăng trưởng mạnh thì việc VPK cải thiện đáng kể tỷ suất lợi nhuận gộp từ mức 19.2% trong năm 2011 lên đến23.5% trong năm 2012 đã giúp lợi nhuận thuần tăng trưởng vượt bậc.
Có được điều này là nhờ VPK đã tích trữ nguyên liệu từ năm 2011, giúp giảm đáng kể giá vốn hàng bán trong năm 2012. Bên cạnh đó, chi phí tài chính giảm nhờ thu hẹp nợ vay và tỷ giá ổn định trong năm 2012 cũng giúp gia tăng lợi nhuận của VPK.
Lợi nhuận quý 1/2013 chững lại, do lợi thế nguyên vật liệu suy giảm. Doanh thu quý 1/2013 của VPK đạt 90.6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 11.4 tỷ đồng, tương ứng tăng 18.9% và 0.6% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước chủ yếu cho chi phí nguyên vật liệu gia tăng khiến cho tỷ lệ lợi nhuận gộp trong quý 1/2013 chỉ đạt 23.3%, trong khi cùng kỳ đạt 25.2%. Như đề cập ở trên, lợi nhuận sụt giảm có thể do lợi thế về nguyên vật liệu giá rẻ nhờ tích trữ không còn lớn như trước đây.
Tuy nhiên, với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) trong quý 1 vào khoảng 12.6% và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROEA) đạt 8%, thì rõ ràng đây là mức sinh lợi không hề tồi trong bối cảnh hiện nay.
Cấu trúc tài chính an toàn khi quy mô nợ trên tổng tài sản thấp. Tổng tài sản của VKP tại thời điểm cuối quý 1/2013 là gần 204 tỷ đồng; trong khi nợ phải trả (toàn bộ là nợ ngắn hạn) chỉ có 55.3 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản. Điều này giúp cấu trúc tài chính của VKP khá an toàn.
Áp lực trả nợ gốc và chi phí lãi vay của VKP khá thấp khi tổng nợ vay phải trả lãi của VPK chỉ có 21 tỷ đồng ở nhóm nợ ngắn hạn. Bên cạnh đó, với tổng tài sản ngắn hạn 127 tỷ đông, trong đó tiền mặt với gần 47 tỷ đồng, khoản phải thu ngắn hạn gần 46 tỷ đồng và hàng tồn kho 34 tỷ đồng thì các chỉ số về khả năng thanh toán của VPK hiện tại là khá tích cực.
Nguồn khách hàng lớn và ổn định. Khách hàng lớn hiện nay của VPK gồm có Vinamilk – VNM (chiếm khoảng 70% doanh thu), Vocarimex và Dầu Tường An – TAC (chiếm khoảng 15% doanh thu) và một số khách hàng khác.
Như vậy, gần 80% doanh thu của VPK chỉ tập trung vào 3 khách hàng. Đây đều là các công ty lớn, có tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian qua và giúp đảm bảo cho hoạt động kinh doanh VPK ổn định.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo sực ép khá lớn cho VPK trong việc duy trì nguồn khách hàng, và doanh thu phụ thuộc khá nhiều vào các khách hàng lớn cũng làm giảm khả năng thương lượng giá bán khi cần thiết.
Thực tế này cũng là nguồn gốc của một số đồn đoán về việc thâu tóm theo chiều dọc từ VNM hay TAC trong thời gian vừa qua.
Kế hoạch kinh doanh năm 2013 thụt lùi, nhưng thực hiện hoàn toàn có thể vượt trội. VPK đặt kế hoạch kinh doanh năm 2013 với chỉ tiêu doanh thu 360 tỷ đồng, chỉ tăng 2.56% so với năm 2012, và lợi nhuận chỉ là 22 tỷ đồng giảm đến 45% so với năm 2012.
Nhiều khả năng việc mất đi lợi thế từ lượng hàng tồn kho với giá thấp như năm 2011 đã khiến cho ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận thấp cho năm 2013.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là kế hoạch khá thận trọng và VPK hoàn toàn có thể vượt được kế hoạch kinh doanh này; đặc biệt khi lợi nhuận chỉ trong quý 1 đã đạt hơn 50% so với kế hoạch cả năm.
VPK vẫn đang được hưởng thuế suất ưu đãi 7.5% cho đến năm 2014 và 15% cho đến năm 2016.
Các sự kiện đáng chú ý: Gần đây, Mutual Fund Elite (Non-UCITS), một quỹ đầu tư do Deutsche Bank quản lý, đã liên tục mua vào cổ phiếu VPK, và đến cuối tháng 4/2013 đã nắm giữ hơn 9% vốn điều lệ của công ty này.
Ngoài ra, VPK sẽ tiến hành trả cổ tức năm 2012 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20% vào ngày 30/05, giao dịch không hưởng quyền vào ngày 14/05.
Chỉ số tài chính cơ bản. Hiện cổ phiếu VPK đang giao dịch ở mức P/E trailing 5.86 lần và P/B 1.64 lần.
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Phòng Nghiên cứu Vietstock
ffn
|