Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP:
Nông nghiệp Việt Nam nên mừng hay lo?
Cũng như nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thời gian gần đây Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP. Đây là một trong những hiệp định đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại nói chung, phát triển ngành nông nghiệp nói riêng, mà Việt Nam đang hướng tới.
Cơ hội “lột xác” cho nông nghiệp Việt Nam
Một trong những vấn đề cơ bản quan trọng nhất trong việc tham gia TPP chính là việc chuẩn bị hạ tầng, kỹ thuật và khả năng quản lý trong nông nghiệp
|
Kim ngạch trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã tăng trưởng nhanh chóng trong hơn một thập kỷ vừa qua, tăng từ 2 tỉ USD năm 2001 lên đến 26 tỉ USD năm 2012. Cũng trong năm này, trao đổi thương mại nông nghiệp hai chiều giữa Mỹ với mười quốc gia TPP khác đạt mốc 94 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông nghiệp của Hoa Kỳ với thế giới.
Trong đó, xuất khẩu nông nghiệp Hoa Kỳ vào 10 nước đối tác TPP đạt hơn 45 tỉ USD, tương đương 32% tổng lượng xuất khẩu Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, các đối tác TPP cũng là nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm nhập khẩu nông sản vào Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của các nước này chiếm đến 47% nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Một trong những vấn đề cơ bản quan trọng nhất trong việc tham gia TPP chính là việc chuẩn bị hạ tầng, kỹ thuật và khả năng quản lý trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cạnh tranh gay gắt khi tham gia TPP cũng buộc Việt Nam phải có những thay đổi tích cực để sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có chỗ đứng. Những cải cách đó bắt nguồn từ khâu cung ứng: cải cách phương thức sản xuất, công nghệ, bảo quản, tăng chất lượng; đến khâu xuất khẩu: phương thức tiếp thị, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng cường sản phẩm mới…
Như vậy, nếu được gia nhập một sân chơi tập trung nhiều nước “chất lượng cao” như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đó sẽ là cơ hội lớn cho cải cách nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng có điều kiện tiếp cận thị trường chất lượng cao trong phân khúc thị trường thế giới, giúp nông nghiệp Việt thoát khỏi hình ảnh “nông nghiệp giá rẻ”.
Khó tấn công, “long đong” phòng thủ
Tuy nhiên, mặt trái của TPP đối với nông nghiệp Việt Nam không phải là ít. Nên nhớ rằng, “sức lực” hay khả năng chịu đựng và “tính thích nghi” sẽ là hai yếu tố quan trọng khi Việt Nam tham gia vào TPP.
Bên cạnh việc nhập công nghệ chất lượng cao, điều đáng nói là việc du nhập của lượng hàng hoá khủng từ đối tác. Nông nghiệp Hoa Kỳ là một ngành nông nghiệp có khả năng “tấn công nhanh” nhờ lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, nhiều kinh nghiệm, và chất lượng sản phẩm mang tính ưu việt. Hoa Kỳ cũng có khả năng phòng thủ rất tốt trước nông sản các nước. Với khả năng sở hữu các mặt hàng chất lượng cao, đi cùng các rào cản kỹ thuật, Hoa Kỳ có khả năng duy trì và bảo vệ nền nông nghiệp quốc gia trước những thách thức về nhập khẩu. Những bài học về kiện chống bán phá giá, cấm vận nhập khẩu do sản phẩm thiếu chất lượng… của Hoa Kỳ trong tiến trình xâm nhập thị trường Hoa Kỳ của Việt Nam là điều cần phải chú ý để tránh thiệt hại cho nông dân. Bài học từ Nhật Bản đối với TPP là một điều Việt Nam nên lưu ý. Theo bộ Nông nghiệp Nhật Bản và đảng Dân chủ tự do, chính phủ nước này đang phải xem xét phương thức bồi hoàn cho nông dân Nhật Bản khi nước này tham gia TPP. Những thâm hụt sản xuất trong ngành nông nghiệp – vốn được bảo hộ nhờ thuế nhập khẩu nông sản cao – sẽ là rất lớn, do TPP đã xoá thuế quan các mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu.
Ngoài kêu gọi, trong cải cách
Như vậy, các thách thức mà Việt Nam phải vượt qua để có thể “tấn công lẫn phòng thủ” chính là: hạ tầng, công nghệ, quản lý và chính sách phát triển ngành nông nghiệp.
Muốn vượt thách thức, Việt Nam trước nhất phải kêu gọi, thu hút sự hỗ trợ và đầu tư của các quốc gia khác, điển hình là Hoa Kỳ. Các vấn đề hạ tầng, kỹ thuật, quản lý sẽ nhanh chóng được giải quyết nhờ vào nguồn lực mạnh mẽ và mong muốn tăng cường quan hệ Mỹ – Việt của nước này. Muốn thế, chính sách thu hút đầu tư, thiện chí trong cải cách mở cửa phải được thực hiện nhanh chóng, mạnh mẽ và triệt để.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ “chờ người” giúp đỡ, Việt Nam phải chủ động tự cứu mình. Chính sách cải cách nông nghiệp từ khâu ruộng đất, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, công nghệ, phương thức sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường đầu ra… phải được thực hiện nhằm tạo thế mạnh, sức chịu đựng và khả năng chống xâm nhập cho nông sản Việt. Khi đó, kết hợp với lợi thế dồi dào về nguồn lao động và điều kiện tự nhiên, không lo sản phẩm Việt không “đấu” lại sản phẩm các nước.
Irys Nguyễn
sài gòn tiếp thị
|