Thứ Tư, 15/05/2013 08:51

Khống chế trần chi phí quảng cáo

“Tích cực tiêu diệt doanh nghiệp trong nước”

Tại hội thảo “Cạnh tranh lành mạnh để bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu Việt” diễn ra tại Hà Nội ngày 14.5, chủ tịch hội đồng quản trị tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) Phan Đăng Tuất đã chỉ trích nặng nề quy định khống chế chi phí quảng cáo, marketing của doanh nghiệp không vượt quá 10% chi phí. “Quy định này đang góp phần một cách tích cực để tiêu diệt các doanh nghiệp trong nước”, ông Tuất nói.

Hiệp hội thống nhất đề nghị ban soạn thảo xem xét trong trường hợp chưa thể dỡ bỏ tỷ lệ khống chế thì cần nâng lên 15% trên “tổng doanh thu hàng năm”.

Theo ông Tuất, quy định “chi phí cho hoạt động quảng cáo, marketing của doanh nghiệp không được vượt quá 10% so với chi phí thực tế phát sinh trong kỳ” có ba điểm bất cập: Thứ nhất là bởi: chi phí phát sinh trong kỳ thì phải đến tận 31.3 năm sau – khi có báo cáo kiểm toán mới biết được. “Điều này có nghĩa là trước đấy một năm ba tháng, doanh nghiệp không biết kế hoạch của mình được chi bao nhiêu cho quảng cáo, marketing, chi phí bán hàng để chinh phục thượng đế”, ông nói.

Thứ hai, ông Tuất cho rằng: Không ai quản lý chi phí dựa trên chi phí. “Bởi điều này chẳng khác gì việc, anh sợ con anh chơi điện tử nên anh ra quy định: chỉ được ăn sáng bằng một nửa tiền chơi điện tử. Như thế, có nghĩa là nó muốn chơi điện tử tăng lên thì nó sẽ đòi ăn sáng tăng lên”, ông Tuất so sánh. Theo ông, như thế chẳng khác nào khuyến khích doanh nghiệp đẩy chi phí lên và dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đang “cài” thêm chi phí để thêm phần trăm tăng thêm cho quảng cáo.

Thứ ba, vẫn theo vị này, là áp một mặt bằng chung (10%) cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, trong khi có doanh nghiệp, như doanh nghiệp lĩnh vực đồ uống, cần chi rất nhiều thì không được chi, còn doanh nghiệp không muốn xuất hiện trên các diễn đàn, quảng cáo, tiếp thị thì vẫn phải tìm cách chi để hợp thức hoá cho hết 10% chi phí này. “Ngay cả có tăng lên 15% thì đó tiếp tục là một sự sai lầm. Khi đó, các doanh nghiệp khai thác mỏ trộm sẽ lấy 15% này để tiêu bậy”, ông Tuất cảnh báo.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho hay, khi tiếp xúc với hiệp hội bán lẻ mới đây, các nhà bán lẻ cũng nêu vấn đề như thế. “Khi làm luật Quảng cáo chúng tôi cũng đã thảo luận và kiến nghị (bỏ trần khống chế – PV) nhưng không được. Hình như trong tư duy của những người có trách nhiệm họ vẫn lấy hình mẫu Trung Quốc làm chuẩn nhưng quên mất rằng 10% của Trung Quốc là kiểu khác, không trên thực chi. Lần này (khi thảo luận về luật Thuế thu nhập doanh nghiệp – PV) tôi kiến nghị không có phần trăm nào cả mà tuỳ theo nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Quốc nói.

Trước đó, trong văn bản góp ý về dự luật này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, báo cáo tổng kết tình hình thực hiện luật thuế Thu nhập doanh nghiệp của bộ Tài chính nói rằng “các doanh nghiệp Việt Nam chi quảng cáo, khuyến mãi dưới tỷ lệ khống chế (10%) và không có kiến nghị về bỏ tỷ lệ này hoặc nâng tỷ lệ này” là “không phù hợp và chưa phản ánh chính xác thực tiễn”. Theo bà Loan, thực tế, các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng đã nhiều lần kiến nghị những ảnh hưởng tiêu cực của tỷ lệ khống chế này và đề nghị bỏ tỷ lệ khống chế. Vì thế, hiệp hội thống nhất đề nghị ban soạn thảo xem xét trong trường hợp chưa thể dỡ bỏ tỷ lệ khống chế thì cần nâng lên 15% trên “tổng doanh thu hàng năm”, thay vì “tổng số chi được trừ” như dự thảo luật nêu.

Bức xúc chuyện chuyển giá

Một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh được hội thảo tập trung mổ xẻ đó là hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Dẫn báo cáo tổng kết 25 năm kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam của bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Nguyễn Văn Việt, chủ tịch hiệp hội Bia rượu nước giải khát bình luận, một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng giá trị mua nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý... tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút ra khỏi liên doanh, doanh nghiệp trở thành 100% vốn nước ngoài.

Ông Bùi Khánh Toàn, trưởng phòng, thành viên tổ Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá (tổng cục Thuế) liệt kê nhiều biểu hiện chuyển giá đã xuất hiện ở Việt Nam như qua nâng cao giá trị tài sản vốn góp tạo áp lực sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, dẫn đến khấu hao, giá thành sản phẩm; bán nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm với công ty mẹ nước ngoài hoặc công ty liên kết... Ông Toàn thừa nhận: dấu hiệu dễ nhận biết nhưng chứng minh khó, và dẫn chứng: ở Úc, Nhật khi đi khảo sát thường họ cũng mất 2 – 3 năm mới chứng minh được hành vi chuyển giá.

Tuy nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc bức xúc, tại sao tổng cục Thuế có thể trình bày rõ ràng các thủ đoạn của Coca – Cola mà mình lại không làm (xử lý) được? Đã bao giờ bộ Tài chính, Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội để sửa luật? “Luật pháp do con người, nếu vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia thì chả Quốc hội nào ngăn cản (việc sửa luật). Nhưng Chính phủ có đưa ra, hay là chấp nhận nó? Và chấp nhận nó vì sao? Đó là vì chủ quan chứ không phải do hoàn cảnh”, ông Quốc nói. Nhà sử học này cũng đặt câu hỏi: Cơ quan quản lý bất lực vì bị ràng buộc nhưng nếu nhân dân tẩy chay hàng hoá – câu chuyện một thế kỷ trước ông cha ta đã làm và các nước phát triển hiện nay cũng áp dụng. Nếu nhân dân làm như thế thì liệu Nhà nước có cho rằng ô nhiễm môi trường đầu tư?


Hoàng Hoa

Sài Gòn Tiếp Thị

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu cao su giảm mạnh (15/05/2013)

>   12 dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật mới cho Việt Nam (15/05/2013)

>   “Đấu” không nổi thì phải... tố (15/05/2013)

>   Tổng bí thư nói về dự án bauxite: “Phải chờ hiệu quả thí điểm” (14/05/2013)

>   Việt Nam - Iran phấn đấu nâng cao kim ngạch thương mại (14/05/2013)

>   Doanh nghiệp FDI bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu (14/05/2013)

>   “Trảm” 338 dự án thủy điện kém hiệu quả (14/05/2013)

>   Doanh nghiệp gạo, đường đang "tuột dốc" (14/05/2013)

>   Nghịch lý xuất - nhập than (14/05/2013)

>   Thị trường bán lẻ Việt: Cơ hội nhiều-thách thức lớn (14/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật