Thị trường bán lẻ Việt: Cơ hội nhiều-thách thức lớn
Tờ Bưu điện Bangkok số cuối tuần qua đã đăng bài phân tích về thị trường bán lẻ
ở Việt Nam của chuyên gia Pranida Syamananda thuộc Trung tâm thông tin kinh tế,
Ngân hàng thương mại Siam.
Trong bài viết, tác giả đã tập trung phân tích về
những cơ hội và thách thức ở một thị trường đang tăng trưởng rất nhanh này.
Theo tác giả, bất chấp việc phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, thâm
hụt thương mại và tỷ giá trao đổi ngoại tệ bấp bênh trong những năm gần đây,
nhưng các nhà đầu tư vẫn coi Việt Nam là một điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn. Vài
năm trở lại đây được coi là một khoảng thời gian chuyển đổi trong đầu tư nước
ngoài từ khu vực sản xuất sang những khu vực liên quan tới nhu cầu nội địa. Đặc
biệt là lĩnh vực bán lẻ, đã trở thành một trong những khu vực hấp dẫn đầu tư
nhất.
Chi tiêu tiêu dùng ở Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh nhờ sức mua phát
triển mạnh và quy mô thị trường lớn. Với dân số 90 triệu người, 60% số dân Việt
Nam đang ở độ tuổi lao động và có thu nhập ngày càng tăng. Mặc dù hầu hết dân số
có mức thu nhập trung bình thấp, nhưng số người có mức thu nhập trung bình cao
hơn dự báo sẽ tăng mạnh từ khoảng 1% năm 2011 lên tới 10% vào năm 2030. Điều này
sẽ dẫn tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là ở những đô thị lớn
như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai và Cần Thơ.
Thói quen chi tiêu của người Việt Nam đang quen dần với các cửa hàng bán lẻ
hiện đại, nơi có thể đáp ứng những nhu cầu đang thay đổi với sự đa dạng hơn về
hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, nhu cầu truyền thống đối với các sản phẩm tươi
sống sẽ được thay thế bằng nhiều sản phẩm chế biến sẵn, để đáp ứng yêu cầu của
đại bộ phận người đi làm hiện nay. Điều này sẽ dẫn tới việc có thêm nhiều người
tiêu dùng đi chợ hàng tuần thay cho việc tới các chợ truyền thống.
Địa điểm cũng là một vấn đề quan trọng khi mà hầu hết người Việt Nam vẫn sử
dụng xe máy là phương tiên giao thông chính. Do vậy, việc đặt siêu thị gần khu
vực đông dân cư và các điểm quen thuộc sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên, trong
trường hợp mua thực phẩm tích trữ, một số người tiêu dùng có thể vẫn lựa chọn
chợ truyền thống hoặc các cửa hàng gần nhà để thuận tiện cho việc mua bán hoặc
đi lại.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng đang có nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm
thời trang, công nghệ và đồ dùng trang thiết bị nội thất. Thói quen tiêu dùng
đang thay đổi nhanh chóng này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Khả năng tăng trưởng trong tiêu dùng của Việt Nam đã biến khu vực bán lẻ của
đất nước thành mục tiêu cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù đã cho phép đầu
tư 100% vốn nước ngoài trong khu vực bán lẻ theo các chính sách tự do hóa của
WTO kể từ 2009, nhưng Việt Nam vẫn yêu cầu có giấy phép mở các chi nhánh mới của
Ủy ban trắc nghiệm nhu cầu kinh tế (ENT), nơi sẽ đánh giá tính thích hợp của các
nhà kinh doanh và những tác động đối với tình hình kinh doanh hiện nay.
Song, tiêu chí này sẽ không được áp dụng một cách chung chung, đặc biệt là
tại những đô thị đang thay đổi nhanh như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, mà sẽ
được ENT đánh giá và đặt ra những yêu cầu cụ thể như quy mô hay vị trí của các
chi nhánh mở mộng.
Bất chấp những trở ngại từ những quy định hạn chế của Chính phủ, đầu tư nước
ngoài trong khu vực bán lẻ vẫn tăng từ 1% năm 2005 tới 3% trong năm 2011. Nhiều
nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới việc mở siêu thị hay cửa hàng tập hóa và
còn đặt ra kế hoạch mở rộng thêm chi nhánh trong những năm tới. Nhà đầu tư Hàn
Quốc đã thành lập chuỗi siêu thị Lotte Mart, với 30 chi nhánh được dự kiến cho
tới năm 2018. Trong khi đó, nhà đầu tư Nhật Bản đặt kế hoạch mở thêm 300 chi
nhánh cho chuỗi cửa hàng tiện dụng Family Mart cho tới năm 2015.
Các loại cửa hàng như trung tâm mua sắm hay những gian hàng đặc biệt cũng
đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Nhà đầu tư Malaysia đã mở năm
trung tâm mua sắm Parkson tại Thành phố Hồ Chí Minh và một tại Hà Nội và một ở Hải
Phòng. Mặc dù nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý nhiều hơn tới thị trường Việt
Nam, những thị trường bán lẻ ở nước này vẫn chưa bão hòa. Hầu hết các trung tâm
mua sắm vẫn chỉ tập trung tại các thành phố lớn, với tỷ lệ tăng từ 28% tới 54%
giữa năm 2010 và 2012.
Nhà đầu tư trong nước cũng đóng một vai trò lớn trong kinh doanh bán lẻ. Số liệu
từ hãng CB Richard Ellis liên quan tới khu vực bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh cho
thấy tư nhân Việt Nam đang sở hữu nhiều khu vực bán lẻ hơn các nhà đầu tư nước
ngoài. Các nhà đầu tư Việt Nam dù ít kinh nghiệm hơn trong việc quản lý kinh
doanh bán lẻ, nhưng họ vẫn chấp nhận sự cạnh tranh của các nhà đầu tư nước ngoài
bằng việc điều chỉnh chiến lược dịch vụ. Việc này bao gồm đặt hàng qua điện
thoại cũng như sử dụng kiến thức và sự hiểu biết về thói quen chi tiêu và mua
bán hàng hóa của khách hàng nội địa. Ít nhất họ cũng đã có một thương hiệu như
Coopmart, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất tại Việt Nam, đã thực hiện.
Trước việc những nhà đầu tư nội địa có lợi thế là hiểu biết khẩu vị cũng như
nhu cầu địa phương, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần phải nghiên cứu chi tiết
thói quen chi tiêu của khách hàng trước khi có bất kỳ quyết định đầu tư nào. Về
thói quen chi tiêu, một điều khá quan trọng là người Việt có thói quen trung
thành với nhãn hiệu và rất thích khuyến mại, giảm giá. Người Việt cũng rất muốn
chi tiêu nhiều cho việc trang trí nhà cửa, nhưng họ vẫn lo lắng về kích cỡ đồ
đạc bởi hầu hết nhà cửa ở Việt Nam có diện tích rất hạn chế.
Mặc dù có khả năng tăng trưởng cao, nhưng Việt Nam cũng đối mặt với những rủi
ro về sự ổn định của đồng nội tệ và giá bất động sản cao. Thâm hụt thương mại
thường xuyên của Việt Nam đã buộc Chính phủ phải giảm giá tiền đồng tới 30% kể
từ năm 2008. Mặc dù tài khoản vãng lai đã có thặng dư trở lại trong thời gian
2011-2012, nhưng Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu
thô và máy móc.
Lòng tin của các nhà đầu tư với đồng tiền Việt Nam cũng bị tác động bởi những
nhân tố khác, đặc biệt là thâm hụt ngân sách. Một lý do đáng lo ngại khác là giá
đất quá cao tại các thành phố lớn. Giá đất ở tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù
đã hạ 10% so với một vài năm trước, những vẫn quá đắt so với giá ở Bangkok. Giá
đất tại Hà Nội, tại một điểm kinh doanh nào đó, đã tăng 200% trong ba năm qua.
Tác giả kết luận thật khó để tìm được những điểm kinh doanh thích hợp và các
nhà đầu tư có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt và những quy định
phức tạp. Những doanh nghiệp mới, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ phải đối
mặt với sự cạnh tranh của các hãng lớn. Các doanh nhân có thể phải tìm cách liên
minh, cải thiện chất lượng và quy mô, tạo ra một mạng lưới phân phối bán buôn
mạnh mẽ và phối hợp với các nhóm kinh doanh quốc tế lớn để cạnh tranh một cách
có hiệu quả tại thị trường này./.
Hà Linh/Bangkok
Vietnam+
|