Xuất khẩu cao su giảm mạnh
Xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm đã suy giảm mạnh cả về khối lượng và giá bán, kim ngạch giảm tới 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất săm lốp đã phải chi tới 243 triệu USD để nhập khẩu cao su nguyên liệu, khiến thặng dư thương mại của ngành cao su còn chưa tới 370 triệu USD.
Trong tháng 4, giá cao su xuất khẩu vẫn diễn biến theo chiều hướng giảm. So với tuần đầu tháng 4, giá cao su SMR 3L tuần cuối tháng 4 chỉ đạt 2.780 USD/tấn, tương đương giảm 1,8%.
|
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, khối lượng cao su xuất khẩu tháng 4/2013 ước đạt 44 ngàn tấn, trị giá 101 triệu USD, đưa lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên 234 ngàn tấn với giá trị 610 triệu USD; giảm 12,9% về khối lượng và giảm 24,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012. Giá cao su xuất khẩu bình quân quý 1 là 2.683 USD/tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 4, giá cao su xuất khẩu vẫn diễn biến theo chiều hướng giảm. So với tuần đầu tháng 4, giá cao su SMR 3L tuần cuối tháng 4 chỉ đạt 2.780 USD/tấn, tương đương giảm 1,8%.
Mặc dù thị trường Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, nhưng giảm tới 20,3% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so với cùng kỳ 2012. Khối lượng cao su xuất khẩu sang Malaysia tăng 15,8%, nhưng kim ngạch cũng chỉ tương đương cùng kỳ năm trước.
Thị trường thế giới càng ảm đạm hơn bởi thông tin dự trữ cao su toàn cầu sẽ tăng lên 2,17 triệu tấn năm 2014 do sản lượng vượt tiêu thụ trong những năm tới. Dự trữ tại Thanh Đảo, trung tâm cao su lớn nhất Trung Quốc, tăng lên mức kỷ lục 366.900 tấn đến 15/4/2013.
Tại Thái Lan, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, các nhà sản xuất bắt đầu khai thác mủ cao su vào cuối tháng 4 khiến giá cao su Thái Lan giảm 1,5% so với đầu tháng, xuống còn chưa tới 82 Bạt (tương đương 2,84 USD)/kg.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng cho biết, giá thu mua cao su thiên nhiên trong nước đã sơ chế hiện ở mức 20.000 đồng/kg, mủ cao su thiên nhiên dạng nước ở mức 16.000 đồng/kg. Thế nhưng nông dân trồng cao su tiểu điền chỉ còn bán được với giá 9.000 đồng/kg, bằng 30% so với các năm trước.
Nguyên nhân là từ khi bước vào vụ thu hoạch chính (đầu tháng 4), thương lái liên tục ép giá người trồng cao su. Các năm trước, giá mủ cao su bình quân 27.000 đồng/kg, người nông dân còn thu lãi, nhưng với giá bán như hiện nay chỉ đủ tiền thuê nhân công thu hoạch mủ cao su.
Việt Nam là nước xuất khẩu cao su lớn thứ 3 thế giới nhưng hầu hết doanh nghiệp sản xuất săm lốp cao su đang điêu đứng vì đói nguyên liệu trầm trọng nên phải nhập nguyên liệu từ Thái Lan.
Cả nước có khoảng 220 doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ cao su, hàng năm tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn cao su nguyên liệu nhưng sự liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh mủ cao su và các doanh nghiệp sản xuất săm lốp hay doanh nghiệp chế biến cao su rất èo uột.
Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 4/2013 đạt 24 nghìn tấn, tiêu tốn 59 triệu USD. Lũy kế tổng nhập khẩu cao su 4 tháng đầu năm 2013 đạt 101 nghìn tấn, kim ngạch 243 triệu USD.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất mủ cao su không bán sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước mà phải xuất khẩu, đó là do chính sách thuế đang khuyến khích doanh nghiệp cao su xuất khẩu thô thay vì chế biến sâu hoặc bán nguyên liệu trong nước.
Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mủ cao su ở Bình Phước cho hay: “Hiện chúng tôi xuất khẩu tới 90% sản lượng vì thuế suất với sản phẩm cao su xuất khẩu là 0%, trong khi nếu bán trong nước sẽ phải chịu thuế VAT 5%”.
Theo GS. Nguyễn Việt Bắc, Viện Hóa học Vật liệu, nếu bán cao su sơ chế thu được một đồng, đầu tư chế biến thành săm lốp thì lợi nhuận gấp 10 lần và chế biến sâu ra cao su kỹ thuật thì lợi nhuận sẽ gấp 20 lần. Thế nhưng, Việt Nam vẫn đang lãng phí nguồn vàng trắng này. doanh nghiệp cao su phần lớn của Nhà nước nhưng đến nay vẫn dừng lại ở việc trồng rừng, cạo mủ, còn quá xa để trở thành ngành công nghiệp thực sự.
Thống kê của Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) cho thấy, cao su xuất khẩu dưới dạng thô chiếm tới 87% sản lượng cao su cả nước. Do bán thô nên không làm chủ được giá và giá trị gia tăng cũng rất thấp.
Ban chỉ đạo Tây Nguyên vừa đưa ra kế hoạch thúc đẩy đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm cao su ở khu vực Tây Nguyên. Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên có diện tích trồng cao su khá lớn, trên 242.810 ha, sản lượng mỗi năm đạt 165 -170 nghìn tấn mủ, chỉ sau các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Từ trước tới nay, khu vực này chỉ đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế mủ cao su, với các sản phẩm như mủ cốm, mủ kem (Latex), mủ tờ.
Tại Đắk Lắk, đến nay đã đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến các sản phẩm từ mủ cao su tiêu thụ nội địa và xuất khẩu (dây thun, chỉ thun...), tổng công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm, 6 nhà máy sơ chế mủ cao su tổng công suất 40.000 tấn mủ/năm.
Các tỉnh Tây Nguyên đang kêu gọi các thành phần kinh tế trong, ngoài nước đầu tư, khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm cao su nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Nhiều chuyên gia cho rằng để cứu các doanh nghiệp sản xuất săm lốp và cũng là để ngành cao su phát triển bền vững, cần tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cao su với công ty có nguyên liệu thông qua những hợp đồng dài hạn.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đưa ra cơ chế chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất mủ cao su tập trung chế biến sâu, tăng sản lượng, ưu tiên phát triển thị trường trong nước.
Chương Phượng
tbktvn
|