Gỡ khó cho 3.000 doanh nghiệp FDI
Phiên họp chiều 15/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ sửa đổi Khoản 2, Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, giúp cho khoảng 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không bị giải thể sau khi hết hạn đầu tư tại Việt Nam (thời hạn 20 năm) và được bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Trong khi đó, nếu theo quy định hiện hành (trước 1/7/2011 phải đăng ký lại hoặc không đăng ký lại nhưng chỉ hoạt động trong lĩnh vực được cho phép và thời hạn được ghi trong giấy phép đầu tư) thì 3.000 doanh nghiệp trên sẽ không thực hiện được thủ tục đăng ký lại, thất thoát nguồn vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam, hàng vạn lao động có nguy cơ mất việc.
Theo đó, doanh nghiệp (FDI) được thành lập trước khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 170, Luật Doanh nghiệp, có quyền thực hiện theo một trong hai cách sau đây: Đăng ký lại để tổ chức, quản lý, hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; Không đăng ký lại; trong trường hợp này, doanh nghiệp hoạt động theo giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp và các quy định khác của Luật này, pháp luật có liên quan. Trường hợp điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy định tại Giấy phép đầu tư, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điểu chỉnh, bổ sung.
Tuy nhiên UBTVQH đề nghị cần bổ sung quy định hồi tố cho các doanh nghiệp FDI đăng ký lại hoạt động kinh doanh như trước thời điểm 1/7/2011 để tránh những hậu quả pháp lý không cần thiết sau này.
Quy định sửa đổi khoản 2, Điều 170, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/7/2013.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục bàn bạc, thể hiện rõ hơn các quy định đấu thầu ở nhiều lĩnh vực khác nhau để đưa ra Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 tới.
Thành Chung
Chính Phủ
|