Thứ Tư, 15/05/2013 13:18

Hai câu hỏi lớn về bauxit chờ Vinacomin

Tính hiệu quả và công nghệ sản xuất đang là 2 câu hỏi lớn dành cho Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) - chủ đầu tư 2 dự án bauxit Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).

Hiệu quả và trình độ công nghệ sản xuất đang là những vấn đề đặt ra cho dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên

Hiệu quả thấp?

Báo Tuổi Trẻ TP.HCM dẫn lời ông Bùi Quang Tiến, Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ (tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) cho biết hiện nhà máy đang bước vào giai đoạn lắp đặt các hạng mục chính, toàn bộ các dự án tại nhà máy đã thực hiện được tổng giá trị gần 6.900 tỉ đồng, trong đó đã giải ngân được gần 5.400 tỉ đồng, đạt tỉ lệ thi công trên 50%. Kinh phí đầu tư cho dự án vay từ nước ngoài 70-80%, phần còn lại là vốn tự có của chủ đầu tư. Theo ông Tiến, kết quả bước đầu cho thấy chưa kể chi phí thăm dò khai thác mỏ, tổng mức đầu tư đã vượt 16.000 tỉ đồng, cao hơn ban đầu gần 40% (so với dự toán ban đầu là 11.624 tỉ đồng). Với giá nguyên liệu như hiện tại, dự kiến thời gian hoàn vốn là trên 12 năm. Ông Tiến cho rằng hiện nay dự án đã triển khai được trên 50% khối lượng. Dự kiến đến tháng 6-2014 Nhân Cơ sẽ chạy mẻ alumin đầu tiên. So với kế hoạch ban đầu, dự án đã châm tiến độ hơn một năm rưỡi.

Trong khi đó, dự án Tân Rai đã cho ra lò mẻ alumin đầu tiên vào cuối năm 2012. Dự án Tân Rai có vốn đầu tư đến cuối tháng 3/2013 là 11.600 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn của dự án Tân Rai cũng đã được điều chỉnh từ 9 - 12 năm lên 12 - 13 năm.

Nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng)

Tại hội thảo do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 9/5 ở Hà Nội, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án này và đưa ra các con số tính toán dự án sẽ lỗ nặng. Theo ghi nhận của báo Đất Việt, GS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng với giá bán 340 USD/tấn alumin là cầm chắc lỗ vài chục triệu USD/năm, chưa kể công suất khoảng 600.000 tấn/năm, quãng đường vận chuyển trên 200 km là phi kinh tế học. Chưa kể đồng USD mất giá mỗi năm 2%. Hay việc Vinacomin muốn giảm thuế, phí môi trường là đặt Nhà nước vào thế “hy sinh” cho tập đoàn.

TS Nguyễn Đức Quý, Chủ tịch Hội Tuyển khoáng Việt Nam, cảnh báo giá sản phẩm của ngành bauxite – nhôm ít thay đổi trong vòng 30 năm qua; chỉ tăng 1,2-1,3 lần trong khi các khoáng sản khác tăng 3-5 lần.

TS Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm Titan, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (sau này sáp nhập Vinacomin), nói thẳng: “Tôi thấy sốc và lo lắng về giá bán alumin. Giá bán alumin thấp hơn giá thành thì rõ ràng là thua lỗ mà Bộ Công thương nói là nằm trong kế hoạch và mong có lãi là điều không tưởng”. Theo TS Ban, giá bán alumin có lãi mà Vinacomin áp dụng theo mức giá 362 USD/tấn ở thời hoàng kim (2005-2008) là phi lý vì khủng hoảng kinh tế, giá khoáng sản đi xuống đã hơn 4 năm qua và vẫn ở mức trầm trọng, chưa biết đến khi nào chấm dứt, cho nên tính hiệu quả kinh tế rất mơ hồ.

“Với quãng đường trên dưới 200 km mà không có giải pháp căn cơ để giảm chi phí vận tải nhằm hạ giá thành thì dự án Nhân Cơ sẽ mắc kẹt ít nhất 15 năm nếu trong trường hợp có tiền ở đâu đó để làm dự án đường sắt, dự kiến hơn 3 tỉ USD” - TS Ban nói.

Trước những ý kiến lo ngại về tính hiệu quả của 2 dự án bauxit, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) cho rằng: “Dư luận xã hội và các nhà khoa học lo ngại về hiệu quả kinh tế của 2 dự án trên là chính đáng. Chúng tôi cũng mất ngủ vì dự án này, đặc biệt chuyện hiệu quả kinh tế”. Tuy nhiên, theo ông Quân, nếu áp cách tính toán giá thành ở thời điểm hiện tại thì dự kiến thời gian thu hồi vốn của dự án Tân Rai là mất 12 năm, còn dự án Nhân Cơ thì mất khoảng 13 năm. Như vậy, 2 dự án này có hiệu quả kinh tế, đề xuất dừng dự án lại là không thực tế.

Công nghệ hiện đại hay lạc hậu?

Bên cạnh tính hiệu quả thì công nghệ chế biến alumin cũng là một vấn đề gay tranh cãi. Nhiều nhà khoa học lên tiếng cho rằng, công nghệ được sử dụng cho 2 nhà máy alumin là công nghệ đã được sử dụng từ cách đây 50 năm. Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng Giám đốc Vinacomin khẳng định, 2 nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ đều sử dụng công nghệ Bayer - công nghệ hiện đại, phù hợp với ông nghệ đang sử dụng trên thế giới. Theo ông Biên, hiện trên thế giới có 27 nhà máy sản xuất alumin từ loại quặng tương tự như quặng bauxit của Việt Nam và trong số đó có 26 nhà máy sử dụng công nghệ Bayer, chỉ có một nhà máy sử dụng công nghệ khác.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, trong số 26 nhà máy đang sử dụng công nghệ mà Tân Rai và Nhân Cơ sử dụng thì có bao nhiêu nhà máy mới được xây dựng trong thế kỷ 21 hay tất cả đều được xây dựng từ thế kỷ trước?

Công trường xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk Nông)

Ngày 16/5/2013, Vinacomin sẽ tổ chức họp báo về tiến độ 2 dự án bauxit Tân Rai và Nhân Cơ và câu trả lời cho hai câu hỏi nói trên sẽ được Infonet chuyển tải đến bạn đọc.

Hướng Minh

Infonet

Các tin tức khác

>   “Ông lớn” xăng dầu không phục khi bị truy thu thuế (15/05/2013)

>   Việt Nam giúp Sri Lanka phát triển ngành thủy sản (15/05/2013)

>   “Tích cực tiêu diệt doanh nghiệp trong nước” (15/05/2013)

>   Xuất khẩu cao su giảm mạnh (15/05/2013)

>   12 dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật mới cho Việt Nam (15/05/2013)

>   “Đấu” không nổi thì phải... tố (15/05/2013)

>   Tổng bí thư nói về dự án bauxite: “Phải chờ hiệu quả thí điểm” (14/05/2013)

>   Việt Nam - Iran phấn đấu nâng cao kim ngạch thương mại (14/05/2013)

>   Doanh nghiệp FDI bàn biện pháp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu (14/05/2013)

>   “Trảm” 338 dự án thủy điện kém hiệu quả (14/05/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật